NSƯT Trần Lực giễu nhại thói rởm đời với vở kịch 500 năm tuổi của Molière

(Dân trí) - Tối qua (23/11), đoàn kịch LucTeam được sáng lập bởi NSƯT Trần Lực đã chính thức ra mắt công chúng. Trong sự kiện này, đoàn kịch đã ra mắt vở “Cơn ghen của Lọ Lem” giễu nhại những thói rởm đời và những vấn đề “nóng” trong xã hội.

Chia sẻ tại buổi ra mắt, NSƯT Trần Lực nói: “LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy và học trò của tôi là những nghệ sỹ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập nên đoàn kịch này vì thầy trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao và phương pháp nghệ thuật biểu hiện ước lệ”.

NSƯT Trần Lực phân tích rằng, sân khấu phía Bắc đã từng có một thời kỳ chiếm lĩnh thị trường, đó là vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Tuy nhiên, sự đổ bộ của phim ảnh, gameshow và các loại hình giải trí đã khiến cho sân khấu mất dần thế đứng. Nhưng với riêng Trần Lực, sân khấu vẫn nguyên giá trị.

NSƯT Trần Lực và các cộng sự trong buổi ra mắt đoàn kịch Lucteam.
NSƯT Trần Lực và các cộng sự trong buổi ra mắt đoàn kịch Lucteam.

“Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về sân khấu. Từ bé, khi ở khu văn công Mai Dịch (Hà Nội), tôi đã say mê các làn điệu Chèo, Tuồng, các loại nhạc cụ dân tộc... Nhiều lần tôi cùng bạn bè bẻ bẹ cao làm áo giáp để diễn lại các trích đoạn sân khấu truyền thống kinh điển. Thời kỳ sang Bulgaria tu nghiệp, tôi đã diễn trích đoạn “Phù thuỷ sợ ma” cho thầy giáo tôi là thầy Vsevolod Meyerhold xem. Thầy tôi bảo: “Nghệ thuật Việt Nam của các em là số 1”. Từ đó, tôi đã có ước muốn có một sân khấu của riêng mình.

Trong suốt 20 năm làm phim, đi đến đâu, diễn gì, Chèo hoặc Tuồng... tôi cũng đều tìm xem cho bằng được. Qua những lần như thế, tôi thấy rằng, có vở hay hoặc có vở chưa hay nhưng chúng ta làm giống nhau quá đó là phương pháp hiện thực sân khấu. Cũng có thể do điều kiện nên làm không tới, không đem đến sự hấp dẫn cho khán giả. Tôi vẫn tin, sân khấu luôn có một sức hấp dẫn mà phim ảnh không có được và gameshow còn lâu mới có.

Lucteam mang trong mình đam mê nghệ thuật cháy bỏng và khát vọng đổi mới ngôn ngữ sân khấu kịch. Con đường chúng tôi đi là biểu hiện ước lệ - một phương pháp mới nhưng thực ra là chúng ta đã từng được thấy trên sân khấu nghệ thuật truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương của Việt Nam, kịch Nô của Nhật, Kinh kịch của Trung Quốc...) của phương Đông”, NSƯT Trần Lực nhấn mạnh.

NSƯT Trần Lực đóng vai trò dẫn chuyện trên sân khấu Cơn ghen của Lọ Lem.
NSƯT Trần Lực đóng vai trò dẫn chuyện trên sân khấu "Cơn ghen của Lọ Lem".

Sân khấu ước lệ mở ra những bối cảnh tối giản hết mức về hình thức bài trí và đòi hỏi sự sắc bén tối đa trong biểu hiện của từng nghệ sĩ. Ánh sáng sử dụng trên sân khấu cũng đơn sắc cơ bản, nghệ sĩ trên sân khấu ước lệ luôn sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để chạm được đến cảm xúc của công chúng cũng như khơi gợi trí tưởng tượng trong mỗi người, cuốn họ vào dòng chảy của câu chuyện chung theo nhận định riêng. Một vở kịch theo lối ước lệ cần hội tụ ba yếu tố: bối cảnh sân khấu cùng đạo cụ tối giản, ánh sáng đơn sắc cơ bản và khả năng biểu đạt tương tác của diễn viên.

Trong phương pháp ước lệ, bản thân đã mang yếu tố của sự đương đại, khác với phương pháp tả thực. Sân khấu ước lệ ở thời nào cũng mang tính đương đại ví dụ như hiện tại đang ở thế kỷ 21 thì khi dàn dựng bất cứ một vở diễn nào - dù là vở kịch của Molière cách đây 500 năm hay kịch “Quẫn” của Lộng Chương từ năm 1959 nhưng đều có cái nhìn của nghệ sỹ đang sống ở thế kỷ 21 và đó chính là tính đương đại của những tác phẩm kịch của LucTeam.

Điều đặc biệt của Lucteam chính là các diễn viên của đoàn kịch đều có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, được NSƯT Trần Lực trực tiếp đào tạo ngay từ những năm đầu anh đi dạy diễn xuất. Với sức trẻ, sự sáng tạo và bền bỉ trong luyện tập cùng sự đào tạo bài bản, đòi hỏi khắt khe của đạo diễn Trần Lực, các diễn viên của trẻ đã đạt tới sự hoàn thiện về nghệ thuật biểu diễn bằng các bài tập chuyên sâu về giải phóng hình thể, giải phóng cơ sinh lý, sắc thái biểu cảm, khả năng tương tác với công chúng.

Sân khấu ước lệ của Lucteam tối giản các trang thiết bị bày trí.
Sân khấu ước lệ của Lucteam tối giản các trang thiết bị bày trí.

Hiện tại, đoàn kịch của Trần Lực đã hoàn thiện ba kịch bản là “Cơn ghen của Lọ Lem” mang hình thức hài kịch, “Quẫn” mang hình thức bi kịch và “Bà Triệu” với hình thức thể hiện bi tráng.

Tối qua, “Cơn ghen của Lọ Lem” đã được công diễn để ra mắt báo giới và giới chuyên môn trong lĩnh vực sân khấu. Đây là tác phẩm hiếm hoi còn giữ được kịch bản nguyên gốc từ 500 năm trước của nhà thơ, nhà hài kịch vĩ đại nhất thế kỷ 17 của nước Pháp – Molière (tên thật là Jean-Baptiste Poquelin).

Toàn bộ xã hội tiểu thị dân nước Pháp qua ngòi bút của Molière hiện lên là những vai hề kệch cỡm, lố bịch, một lần nữa được tái hiện sinh động trên sân khấu LucTeam một cách hấp dẫn và lôi cuốn. Bằng ngôn ngữ kịch hiện đại, mới mẻ kết hợp thủ pháp “giễu nhại” suồng sã, náo nhiệt của kịch quảng trường, sân khấu đã biến câu chuyện của nước Pháp cách đây 500 năm thành câu chuyện Việt Nam thời hiện đại với những mâu thuẫn gia đình muôn thuở, những sự kiện xã hội nóng hổi, thói giả dối và sĩ diện rởm đời...

Vở diễn là sự đầu tư chất xám và sự khổ luyện chăm chỉ, nghiêm túc tới nhuần nhuyễn để ăn khớp trong từng động tác hình thể của các nghệ sỹ trẻ.

NSƯT Trần Lực nhận định: “Ở trên sân khấu, các nghệ sĩ với một kịch bản đã được tối giản về nội dung và bố cục phải thể hiện được nhân vật, không phải chỉ bằng đối thoại mang tính phản biện hoặc thỏa hiệp mà họ phải thể hiện nhân vật của mình qua ngôn ngữ hình thể. Những cảm xúc vui, buồn, tức giận đều bộc lộ rõ nét qua từng cử chỉ, động tác.

Một cảnh trong vở Con ghen của Lọ Lem.
Một cảnh trong vở "Con ghen của Lọ Lem".

Cũng có nhiều người hỏi tôi tại sao lại chọn “Cơn ghen của Lọ Lem” làm tác phẩm ra mắt của LucTeam. Đó chính là vì vở kịch thể hiện rõ tinh thần của sân khấu ước lệ. Ngoài ra, trong buổi ra mắt vở diễn đầu tiên của một đoàn kịch, không có cớ gì mà mình không diễn một vở thật là vui vẻ. “Cơn ghen của Lọ Lem” là một vở hài kịch, náo kịch. Nó không chỉ vui vẻ nữa mà là rất vui. Tôi vẫn luôn theo quan điểm của Aristotle “Bản chất của nghệ thuật là giải trí". Vở diễn này đầy chất giải trí, mọi người xem xong cảm thấy thoải mái vui vẻ, nhưng về nhà họ vẫn phải nghĩ ngợi một điều gì đó”.

Hà Tùng Long