NSƯT - Đạo diễn Thành Trí - Người gieo mầm đã về với đất

(Dân trí) - Đạo diễn Thành Trí là người thầy đáng kính của những nghệ sĩ tài năng như Thành Hội, Thanh Hoàng, Xuân Hương, Đoàn Khoa, Công Hậu… vừa qua đời vào ngày 8/5 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với sân khấu Việt Nam.

Đạo diễn Thành Trí tên thật Nguyễn Thành Trí, sinh năm 1936 tại Thạnh Trị, Sóc Trăng. Ông vừa mất vào ngày 8/5 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi. Với những người làm nghề lâu năm, nghệ sĩ Thành Trí là một cái tên được nhiều người trân trọng. Bởi ông là một trong những nghệ sĩ kì cựu của sân khấu Việt Nam.

NSƯT - Đạo diễn Thành Trí - Người gieo mầm đã về với đất - 1

Nghệ sĩ Thành Trí tham gia những vai diễn đầu tiên từ năm 1957 của đoàn kịch nói Nam Bộ, là người thầy đáng kính của những nghệ sĩ tài năng như Thành Hội, Thanh Hoàng, Xuân Hương, Đoàn Khoa, Công Hậu… Ông là một đạo diễn đồng thời cũng là một diễn viên được nhiều khán giả yêu thương. Vai diễn mà nhiều người mến mộ là vai ông hội đồng trong “Người đẹp Tây Đô”. Những vở diễn của ông dàn dựng cũng góp phần tạo dựng tên tuổi của một lớp diễn viên trẻ thời ấy như Cát Phượng, Anh Vũ, Hoàng Sơn…

Ông bệnh tim mạch, rồi tai biến, rồi nằm một chỗ đã vài năm nay. Tuổi cao, đầu óc nhiều khi không minh mẫn, nhưng cứ nhắc về sân khấu là ông rất vui bởi sân khấu đã gắn liền với cuộc đời của ông ở cả vai trò người thầy và người làm nghề.

Vợ nghệ sĩ Thành Trí kể: “Ổng coi vậy chứ vẫn mê sân khấu lắm, mấy bữa chưa lẫn và còn đi được, cứ nghe câu lạc bộ cựu sinh viên Nghệ thuật Sân khấu họp hoặc ai mời đi xem kịch là ông lại rất vui vẻ tham gia, thích xem các đồng nghiệp của mình trên sân khấu với một sự hào hứng lạ lùng. Về sau bệnh nặng, nằm một chỗ, khi lẫn khi tỉnh, nhưng hễ nhắc về sân khấu là ông nhớ như in, những câu chuyện về những học trò tài năng mà tình nghĩa luôn làm ông nở nụ cười hạnh phúc”.

NSƯT - Đạo diễn Thành Trí - Người gieo mầm đã về với đất - 2

“Ông không giàu, khi nằm xuống tài sản không có gì ngoài ngôi nhà để lại cho vợ con và các cuốn kịch bản được ông lưu giữ trong suốt thời gian làm nghề. Nhưng tôi nghĩ ông rất vui bởi ông có những học trò làm ông hãnh diện. Một nghệ sĩ ưu tú Thành Hội giờ cũng đã là một người đàn ông trưởng thành, gần sáu mươi tuổi, nhưng đến nhà thăm thầy, sẵn sàng nằm chơi, nói chuyện với thầy như một đứa con hiếu thảo. Ông mất, Thành Hội là người phụ thay đồ, chuẩn bị cho thầy từ cái áo, đôi vớ để “mang theo”.

Đạo diễn Đoàn Khoa thì tất bật lo cho thầy từ khi sức khoẻ suy giảm đến khi ông ra đi. Việc tang lễ ngoài gia đình, bằng hữu thì những ân tình của nhiều học trò làm tôi thấy hạnh phúc vì chồng của mình được nhiều người thương quý. Nhiều học trò trong trường lớp trước, lớp sau,có người còn chưa biết thầy, chưa làm việc với thầy nhưng nghe thầy bệnh nặng cũng chung tay đóng góp để lo cho thầy khi mất. Ân tình đó, đáng quý lắm!”, vợ ông chia sẻ thêm về ân tình các học trò đã dành cho chồng mình lúc sinh thời.

NSƯT - Đạo diễn Thành Trí - Người gieo mầm đã về với đất - 3

Nghệ sĩ Thành Hội là học trò của đạo diễn Thành Trí

Trên facebook nghệ sĩ Thành Hội cũng chia sẻ về thầy mình: “Em xin vĩnh biệt thầy Thành Trí. Thầy đã đã trao cho em hạt mầm nghệ thuật đầu tiên. Em đã gieo và cây đã mọc, đã lớn, sống xanh tươi suốt suốt 43 năm qua. Cầu mong thầy an lạc”. Chỉ vài dòng, nhưng ẩn trong những lời ngắn ngủi ấy là biết bao tình nghĩa, ân cảm của thầy trò suốt 43 năm của cuộc đời… Nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn - thầy giáo Thành Trí đã ra đi, nhưng những hạt mầm tốt đẹp mà ông trao lại cho các thế hệ học trò vẫn sẽ nảy mầm, tươi xanh để dâng cho đời những hương sắc lung linh nhất.

Diễn viên Công Hậu cũng dành lời trân trọng khi chia sẻ về nghệ sĩ Thành Trí: “Thầy là người trao gửi tôi những kiến thức đầu tiên trong hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật của mình”.

Anh kể, ngày đó trong lớp có 24 người thì anh là người dở nhất, không hiểu vai diễn, không diễn được. “Tôi khổ tâm lắm, tinh thần xuống dốc một cách trầm trọng, cứ nghĩ sẽ phải bỏ học chuyển sang hướng khác nhưng những lời thầy động viên đã khiến tôi thay đổi. Thầy nói: nghề diễn viên không phải tự nhiên mà thành, đó phải là sự lao động vất vả, tập luyện kiên trì, phấn đấu hết mình kết hợp với năng khiếu trời cho và luôn luôn cố gắng không ngừng mới đạt được. Thầy còn nói, thầy không có ngoại hình đẹp nhưng thầy có thể làm được nghề bởi chịu khó học hỏi, thấy cái hay của người ta thì phải biết dẹp bỏ tự ái mà xem, mà học, để tích luỹ kiến thức và luôn luôn sáng tạo. Muốn nổi tiếng có nhiều con đường nhưng muốn thành công thì chỉ có một bí quyết: cố gắng hết mình cho mỗi việc được nhận”.

NSƯT - Đạo diễn Thành Trí - Người gieo mầm đã về với đất - 4

Nghệ sĩ Công Hậu khẳng định, qua nhiều năm thăng trầm của nghề, anh vẫn luôn nhận thấy lời thầy rất đúng, nhờ sự cố gắng không mệt mỏi Công Hậu đã vượt qua được vài bạn trong lớp của mình và sống với nghề được đến giờ này.

“Tôi thấy biết ơn vô cùng sự tận tâm của thầy đã dành cho tôi và các bạn học trò ngày đó”, Công Hậu xúc động.

Nghệ sĩ Cát Phượng đã chia sẻ: “Thầy Trí! Thầy là bậc Thầy mà con tôn kính dù con chưa được học thầy ngày nào nhưng con biết, thầy là người tận tuỵ, yêu thương học trò và thầy luôn cười, luôn vui vẻ khi nói chuyện với bất kỳ học trò nào. Nay, con xin cúi đầu chào tiễn biệt thầy. Người Thầy đánh kính của con”.

Tang lễ của NSƯT Thành Trí được tổ chức tại nhà tang lễ TPHCM (Số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3). Lễ động quan diễn ra vào lúc 6h ngày 11/5, sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Đạo diễn Thành Trí tên thật Nguyễn Thành Trí, sinh năm 1936 tại Thạnh Trị, Sóc Trăng. Cả cuộc đời ông đã dành cho sự nghiệp sân khấu và ông đã được nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng:

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba năm 1985

- Huy chương "Chiến sĩ văn hóa" năm 1981; Huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt - Hàn" năm 1999

- Huy chương "Vì sự nghiệp văn hóa tư tưởng" năm 2001

- Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993

Băng Châu