NSƯT Chí Trung: “Chỉ có kịch Lưu Quang Vũ mới cho tôi đầy ắp cảm xúc”

(Dân trí) - Đảm nhiệm vai trò biên tập và đạo diễn vở kịch “Lời nói dối cuối cùng”, NSƯT Chí Trung giãi bày: “Thú thật, nhiều lúc tôi cũng giận chính mình khi có nhiều kịch bản khác nhưng không thể rung động. Chỉ những vở của tác gia Lưu Quang Vũ, tôi mới có đầy ắp cảm xúc để dựng”.

Từ “Mùa hạ cuối cùng” đến “Lời nói dối cuối cùng”

Ngày 9/7, Nhà hát Tuổi trẻ đã tiến hành lễ khởi công vở diễn “Lời nói dối cuối cùng” hướng tới tưởng niệm 28 năm ngày mất của của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Khi sân khấu sáng đèn cũng là lúc những thước phim xúc động về ông được chầm chậm phát lại. Việc làm này, theo NSƯT Chí Trung - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ là để các nghệ sĩ luôn nhớ tới một tác gia có vị trí đặc biệt trong thi đàn và sân khấu Việt Nam đương đại. Đồng thời giúp cho dàn diễn viên trẻ hiểu hơn về sự nghiệp của tác giả Lưu Quang Vũ.

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận bồi hồi kể lại mối lương duyên giữa nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với Nhà hát.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận bồi hồi kể lại mối lương duyên giữa nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với Nhà hát.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận bồi hồi kể lại mối lương duyên giữa Lưu Quang Vũ với Nhà hát. Vở diễn đầu tiên Lưu Quang Vũ bắt tay thực hiện là “Sống mãi tuổi 17” được dàn dựng trên chính sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cách đây 37 năm và đã giành Huy chương Vàng. Có thể nói kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã đóng góp quan trọng vào hành trang nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ.

“Anh Chí Trung là người rất yêu thích và dành nhiều tâm huyết với kịch của tác gia Lưu Quang Vũ. Chính vì vậy, tôi và anh Chí Trung đã bàn luận để dựng lại những vở diễn của anh Vũ từ “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9” cho đến “Ai là thủ phạm”… và giờ đây là “Lời nói dối cuối cùng”.

Vở kịch được viết vào năm 1985, đã từng được Đạo diễn NSND Phạm Thị Thành dàn dựng cho thế hệ vàng đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ như: NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Hải,... Hơn 30 năm sau, vở diễn lại được khởi công như một cơ duyên”, Giám đốc Trương Nhuận chia sẻ.

GS Phạm Bằng từng nhận xét: Có thể trong hàng thế kỉ mới có được những tác gia. Ở Việt Nam có lẽ cũng chỉ có một tác gia như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mới tạo ra một festival các tác phẩm với đủ lượng, đủ các nhà hát, các đoàn kịch dựng.

Những tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã giúp Nhà hát Tuổi trẻ gặt hái được rất nhiều huy chương qua các kì liên hoan sân khấu toàn quốc như: Huy chương Vàng cho Đạo diễn, NSƯT Chí Trung với vở “Mùa hạ cuối cùng”. Và đặc biệt là sự khởi sắc của dàn diễn viên trẻ như Duy Nam - Huy chương Vàng với vai diễn trong “Lời thề thứ 9”, Thu Quỳnh giành Huy chương Bạc với vai diễn trong “Mùa hạ cuối cùng”…

“Để đến được với công chúng yêu sân khấu thì cần sự kết lửa, đưa được những tác phẩm có sức lan tỏa lớn. “Lời nói dối cuối cùng” là một vở mang yếu tố hài kịch dân gian, ẩn giấu đằng sau đó là những giá trị không bao giờ phai mờ. Chúng tôi đặt nhiều kì vọng vào lần dàn dựng này”, Giám đốc Trương Nhuận khẳng định.

Em gái tác gia Lưu Quang Vũ rưng rưng khi kể về anh trai

Trước những chia sẻ của Giám đốc Trương Nhuận, PGS.TS lí luận Lưu Khánh Thơ - em gái cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ không giấu nổi niềm xúc động: “Anh chị tôi với Nhà hát Tuổi trẻ rất thân thiết. Tôi đã dự lễ khởi công ở rất nhiều đoàn, kể cả những đoàn địa phương khi anh Vũ còn sống nhưng không được hoành tráng như bây giờ. Hôm nay tôi đến và nhìn thấy những clip, panô về anh Vũ, tôi rất xúc động. Mọi thứ khiến tôi có cảm giác anh Vũ và chị Quỳnh cũng có mặt ở đây”.

PGS.TS Khánh Thơ - em gái cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rưng rưng khi kể những kỉ niệm về anh trai.
PGS.TS Khánh Thơ - em gái cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rưng rưng khi kể những kỉ niệm về anh trai.

“Đúng là vở kịch đầu tiên của anh Vũ như anh Nhuận nói có chị Minh Hằng, Lê Khanh, anh Đức Hải - thế hệ vàng của Nhà hát tham gia diễn xuất. Chị Minh Hằng ở cùng khu với anh Vũ. Tôi còn nhớ, ngày đó, có hôm 11, 12 giờ đêm chị vẫn sang đứng ở cửa trò chuyện, bàn luận với anh Vũ về vở diễn.

Ngày còn sống, anh Vũ rất mong những vở kịch của mình đến được vùng sâu, vùng xa, với những khán giả không có điều kiện, không có tiền mua vé đến nhà hát. Sau khi anh mất thì những ước nguyện của anh đến nay đã trở thành hiện thực. Điều đó khiến gia đình tôi vô cùng hạnh phúc.

Tôi còn nhớ ở vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”, khi các bạn diễn viên trẻ bước lên, những cánh hoa phượng rơi xuống và nói “chúng em nhớ anh” thì tôi không thể đứng lên đi về được vì quá xúc động. Tôi cũng rất chờ mong và tin tưởng vở diễn “Lời nói dối cuối cùng” cũng đạt được hiệu quả nghệ thuật như vậy. Tôi rất cảm ơn Nhà hát Tuổi trẻ - ngôi nhà thứ 2 của anh Vũ, chị Quỳnh”, PGS.TS Khánh Thơ bày tỏ.

NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Chỉ có kịch Lưu Quang Vũ mới cho tôi đầy ắp cảm xúc”.
NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Chỉ có kịch Lưu Quang Vũ mới cho tôi đầy ắp cảm xúc”.

Trước câu hỏi có sợ phải vượt qua cái bóng quá lớn khi dàn dựng rất nhiều vở của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, NSƯT Chí Trung khẳng định: “Không hiểu sao gần đây chỉ với những vở của anh Lưu Quang Vũ tôi mới có đầy ắp cảm xúc để dựng. Hỏi tôi có sợ phải đối diện với cái bóng của chính mình không thì với tôi làm nghệ thuật là không bao giờ phải lo sợ có bóng hay không có bóng.

Đơn giản mình không phải làm cho mình, mà làm cho một thế hệ khán giả hoàn toàn mới. Điều quan trọng là tôi vẫn cảm, vẫn tìm được những giá trị nhân văn từ những tác phẩm của anh Lưu Quang Vũ. Trước gia đình anh Vũ, Chí Trung và êkip hứa sẽ làm một vở diễn tốt để đem đến một sự tồn tại, một dáng hình của anh Vũ hiện diện trong cuộc sống của chúng ta”.

Toàn bộ ban lãnh đạo và dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ quyết tâm làm nên một vở kịch thể hiện những giá trị nhân văn mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã gửi gắm để hướng tới tưởng niệm 28 năm ngày mất của ông.
Toàn bộ ban lãnh đạo và dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ quyết tâm làm nên một vở kịch thể hiện những giá trị nhân văn mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã gửi gắm để hướng tới tưởng niệm 28 năm ngày mất của ông.

Dự kiến vở diễn “Lời nói dối cuối cùng” sẽ được tổng duyệt vào ngày 25/8, sau đó sẽ công diễn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Vở diễn do NSƯT Chí Trung biên tập và đạo diễn, trợ lý đạo diễn: NS Quỳnh Dương với dàn diễn viên: Thanh Sơn, Mạnh Dũng, Nguyệt Hằng, Minh Hằng, Sĩ Tiến, Đức Khuê, Thu Quỳnh…

Phương Nhung
Ảnh: Bằng Đoàn