NSND Thanh Tòng những ngày cuối đời qua lời kể của con gái

(Dân trí) - “Sáng nay, mẹ cũng làm vệ sinh cho ba như mọi ngày. Xong xuôi hết, mẹ vẫn còn ở cạnh bên để lau mình cho ba thì thấy ba nhắm mắt như đang ngủ, rồi đi luôn…”, nghệ sĩ Quế Trân nghẹn ngào khi nhớ về người cha vừa ra đi.

NSND Thanh Tòng vừa ra đi vào sáng ngày 22/9 tại nhà riêng khiến cho cả người thân, đồng nghiệp và khán giả bất ngờ lẫn thương tiếc. Ông là một trong những nghệ sĩ tên tuổi lừng lẫy của nên cải lương Hồ Quảng. Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam.

Tối 22/9 tại nhà riêng, tang lễ của ông được cử hành trong không khí trang nghiêm với sự có mặt của gia đình và những nghệ sĩ cải lương tên tuổi nhất hiện nay.

Nghệ sĩ Quế Trân, con gái của NSND Thanh Tòng đã gác bỏ hết công việc riêng để lo chu toàn hậu sự cho cha. Cô khá bình tĩnh khi tổ chức đám tang cho cha, nhưng khi ngồi lại nhắc lại những kỷ niệm niệm về cha cô không thể nào ngăn được nước mắt, òa khóc nức nở.

Quế Trân khóc nức nở khi nhắc về người cha đáng kính vừa ra đi
Quế Trân khóc nức nở khi nhắc về người cha đáng kính vừa ra đi

Chia sẻ về bệnh tình của cha, cô cho biết: “Ba tôi mắc bệnh di truyền từ ông nội, kéo dài cho đến bây giờ càng lúc càng nặng thêm. Gia đình có đi chữa trị rất lâu năm nhưng không khỏi. Trước đây, khi ba đi lưu diễn ở Mỹ, ở Pháp,… cũng có đến bệnh viện nhưng chỉ có thể uống thuốc cầm chừng chứ không thể chữa dứt. Sau này bệnh còn ảnh hưởng qua tới tim, thận.

Ba nhập viện từ ngày 1/6, từ đó đến nay cũng đã mấy lượt ra vô, tuy nhiên, khi khám tổng quát thì không có một căn bệnh nan y nào hết, chỉ là do ba đã lớn tuổi nên không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật.

Thời gian sau này, ba tôi không muốn vào bệnh viện nữa mà chỉ muốn ở nhà, ba cũng biết được sức của mình không còn nhiều. Gia đình thì cũng có năn nỉ bác sĩ khuyên ba ở lại nhưng ba nhất quyết không đồng ý. Ba nói có sống chết gì thì cũng muốn ở nhà thôi”.

Quế Trân cho biết thêm, bệnh tình của nghệ sĩ Thanh Tòng những ngày sau càng trở nặng, ông không ăn được nhiều, gia đình cũng động viên, năn nỉ nhưng ông không ăn được.

“Ba tôi từ trước tới giờ đã "chết hụt" nhiều lần, có khi còn kêu con cháu đến để dặn dò, trăn trối nhưng đều qua khỏi. Lần này cả nhà không nghĩ ba sẽ ra đi đột ngột như vậy vì bệnh không hành nhiều, ba cũng không hề đau đớn gì hết. Sáng nay, mẹ cũng làm vệ sinh cho ba như mọi ngày. Xong xuôi hết, mẹ vẫn còn ở cạnh bên để lau mình cho ba thì thấy ba nhắm mắt như đang ngủ rồi đi luôn…” Quế Trân khóc nghẹn không nói nên lời khi nhắc về nỗi đau và sự mất mát to lớn trong cuộc đời của mình.

Cô cũng cho biết, nghệ sĩ Thanh Tòng bị bệnh gout nên đi lại khó khăn rồi, sau này khi từ bệnh viện về thì ông nằm suốt luôn, không ngồi dậy được. Khi ông bệnh, cả nhà đều lo lắng, chăm sóc cho ông, nhưng nghệ sĩ Thanh Tòng trước giờ sống khép kín, không muốn mọi người biết mình già, mình bệnh. “Ba luôn muốn hình ảnh của ba lúc nào cũng như những nhân vật trên sân khấu”, Quế Trân chia sẻ.

Quế Trân khóc nghẹn khi chia sẻ về cha

Ba tôi còn tâm huyết và ham hát lắm

Trước khi mất, ông có gửi gắm gì đến các con?

Ba tôi còn tâm huyết và ham hát lắm, chỉ có điều chân ba bị gout nên đi lại hơi khó. Trước đây khoảng 3-4 năm, ba có trở lại sân khấu hát một vai chạy ngựa thôi. Lúc đó khi lên diễn thì ba sung lăm, thần sắc rất oai phong nhưng mải mê quá nên bị trẹo cột sống rất nặng, chính vì vậy gia đình có khuyên ba vì sức khỏe nên hạn chế đừng đi diễn nhiều.

Tuy nhiên, nói vậy chứ ba còn khao khát lắm, mỗi khi nhắc đến nghề là nhiệt huyết lại bừng lên.

Quế Trân và NSND Thanh Tòng trên sân khấu
Quế Trân và NSND Thanh Tòng trên sân khấu

Từng đứng chung sân khấu với ba, vậy có vai diễn nào làm Quế Trân không thể nào quên?

Khi tôi lớn lên thì ba đã không còn hoạt động sân khấu nhiều. Chỉ khi tôi đi thi giải Trần Hữu Trang năm 18 tuổi ba mới dạy cho vai Thiên Kiều Công chúa để đi thi, may mắn là nhận được Huy chương vàng. Từ vai diễn đó tôi bắt đầu đi diễn nhiều hơn và được đóng chung với ba trong nhiều trích đoạn ngắn. Hai ba con cũng không có cơ hội hợp tác nhiều vì thời gian sau này sân khấu đã không còn diễn những vở dài như trước mà chỉ là trích đoạn thôi.

Tôi đóng với ba nhiều nhất là vở Triệu Thị Trinh, rồi Hoa Mộc Lan tùng chinh, Điêu thuyền bán nguyệt,… Có những chương trình tôi giao lưu với sinh viên các trường đại học ba cũng có đi theo.

Sự đam mê của Quế Trân là do ba truyền lại?

Gia đình tôi có truyền thống làm nghề ca hát, ai cũng yêu nghề, gắn bó và nguyện sống chết với nghề hết. Tôi nhìn thấy những tấm gương đó, không chỉ ba tôi mà các cô chú cũng vậy, dù đã 60, 70 tuổi nhưng khi lên sân khấu vẫn cứ nhiệt huyết và làm những động tác rất khó, rất cực, dù chân cẳng của ba với các cô chú đều đã yếu hết rồi.

Có lúc tôi đứng trong cánh gà nhìn các cô chú diễn rồi nép vào một góc mà khóc, bởi thấy thế hệ tiền bối của mình sao mà lăn xả với nghề quá. Mình tự thấy bản thân đang làm một nghề thiêng liêng lắm, được nhiều thế hệ cùng nhau gìn giữ. Nhìn lại bản thân chưa làm được gì, nhiều khi tôi cảm thấy rất xấu hổ…

Ba tôi mất đi có nhiều người thương tiếc lắm bởi cải lương tuồng cổ đã mất đi một cây đại thụ lớn. Cô Bạch Tuyết, cô Lệ Thủy,… rồi mấy cô chú trong nhà ai cũng đều kính nể, quý trọng ba bởi cách sống, cách đối nhân xử thế của ông. Tôi thương và ngưỡng mộ ba lắm vì cả đời làm nghệ thuật ba được rất nhiều người yêu mến!

Ông đã dạy các con cách đối nhân xử thế ra sao?

Lúc nào ba tôi cũng nói nghề của mình phải tôn sư trọng đạo, phải quý những người thầy đã dạy mình, dù ít dù nhiều cũng là bậc tiền bối nên phải luôn ghi nhớ. Sống lễ phép, đàng hoàng với tất cả mọi người, giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp,… Nói chung không có gì to tát nhưng có sự giản dị và chân thành trong đó.

Đối với Quế Trân thì ông là người như thế nào?

Ba vừa là người cha, vừa là người thầy, đồng thời còn là thần tượng trong nghề của tôi nữa. Tôi có thể lớn lên được là nhờ gương của ba mẹ. Cô chú cũng hay khen ngợi tôi nên người là do được ba mẹ dạy dỗ, nhắc nhở mọi điều trong cuộc sống.

Quế Trân chia sẻ, cha cô luôn nghiêm khắc với nghề nhưng trong gia đình lại là người cha rất tình cảm và chu đáo với vợ con
Quế Trân chia sẻ, cha cô luôn nghiêm khắc với nghề nhưng trong gia đình lại là người cha rất tình cảm và chu đáo với vợ con

Ông có phải là người nghiêm khắc?

Ba tôi nghiêm khắc cũng là vì muốn nghề nối nghề, đời truyền đời. Ngày xưa ông nội còn nghiêm khắc với ba hơn như vậy, từ lúc 4 tuổi ba đã lên sân khấu diễn nhiều vai, trong đó có các vai quan trọng nữa. Chểnh mảng, lơ là một chút trong lúc thoại tuồng hay biểu diễn là ông nội đứng dưới phang dùi trống lên ngay để nhắc nhở. Đến bây giờ ba tôi còn nguyên vết sẹo ở tay. Ba kể là do sự nghiêm khắc của ông nội nên ba mới thành công được!

Sau này, khi chỉ dạy lại các em hay con cháu, ba tôi cũng luôn nghiêm khắc như vậy nhưng đã đỡ hơn. Ba hiểu “thương cho roi cho vọt” nhưng cũng phải giảng giải để con cháu hiểu, bên cạnh những lời nhắc nhở luôn có những lời động viên, an ủi, nhất là trong thời điểm cải lương đã không còn được như xưa nữa.

Ông có còn tâm nguyện nào dở dang chưa làm được?

Năm 1975, ra đời bộ môn cải lương tuồng cổ của gia đình, trước đó là cải lương Hồ Quảng. Đây là công trình nghiên cứu của ba khi kết hợp cải lương Hồ Quảng với vũ đạo của hát bội rồi tích tuồng lịch sử Việt Nam. Ba tôi vô cùng tâm huyết với bộ môn cải lương tuồng cổ và được mọi người công nhận như vậy thực sự là điều đáng quý. Tôi nghĩ đó là niềm tự hào lớn nhất trong sự nghiệp của ba rồi.

Trước khi mất, ông đang dự định tổ chức một liveshow kỉ niệm cuộc đời làm nghề?

Không phải, thật ra nếu muốn làm thì ba tôi đã làm từ rất lâu vì gia đình có truyền thống làm bầu gánh hát mà.

Sau này ba tôi cũng dần rút lui không muốn xuất hiện nhiều nữa nên ý định tổ chức một chương trình kỉ niệm cho riêng ba thì không có. Chỉ có năm 2009 là chương trình chung cho cả gia đình, cùng nhìn con đường hoạt động nghệ thuật của các nhánh trong gia tộc tôi thôi.

Ba luôn sống cho gia đình, anh em, đồng nghiệp chứ chưa bao giờ ba nghĩ sẽ làm gì cho bản thân hết.

Lần cuối cùng ông đứng trên sân khấu là lần nào?

Lần gần nhất ba đứng sân khấu là trong lễ cúng Kỳ yên của cô tư Xuân Yến, cách đây chưa đầy 1 năm. Lễ Kỳ yên thường hay hát những tích tuồng xưa nên mọi người rất quý ba, tuy nhiên lúc đó ba đã yếu lắm rồi mà hát ở đình thường sẽ không đảm bảo vì nóng, ngộp và rất đông. Tuy nhiên, vì quá đam mê cũng như không muốn phụ tình cảm của mọi người nên ba nhận lời.

Sức khỏe của ông bắt đầu chuyển xấu khi nào?

Chỉ mới cách đây 2-3 tháng, sức khỏe của ba xuống một cách nhanh chóng mà không ai ngờ được.

Quế Trân đã làm gì để duy trì nghề truyền thống của gia đình?

Thật ra làm cải lương trong thời điểm này chúng tôi đã phải cố gắng nhiều lắm, vì cải lương không còn được như xưa. Bây giờ đi diễn mình cũng phải nghĩ cách lôi kéo mọi người đến với mình nên hoạt động rất khó khăn. Tôi có một điều may mắn là được khán giả thương nhiều, đi đến đâu mọi người cũng yêu quý.

Khi làm chương trình, dù ở bất cứ đâu, ở bất cứ vai trò gì tôi đều cố gắng hát vài câu để nhắc nhở mọi người nhớ về bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Mình xây dựng được hình tượng đẹp thì cải lương sẽ còn tiếp tục sống.

Băng Châu

Clip: Minh Thái

NSND Thanh Tòng những ngày cuối đời qua lời kể của con gái - 4