NSND Lê Khanh, Trung Anh hoài nghi khi Trần Lực làm kịch phi lý

(Dân trí) - Khi biết Trần Lực dựng "Nữ ca sĩ hói đầu" - vở kịch phi lý đầu tiên của sân khấu Việt, ngay cả NSND Lê Khanh và NSƯT Trung Anh - những người bạn thân thiết của anh trong nghề cũng phải hoài nghi.

Sau những suất diễn đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 20h ngày 9/3 tới, ê-kíp LucTeam tiếp tục đưa vở Nữ ca sĩ hói đầu đến diễn tại “chiếu chèo” của Nhà hát chèo Kim Mã - nơi có thiết kế sân khấu kiểu truyền thống rất phù hợp với phong cách ước lệ - biểu hiện mà đạo diễn Trần Lực và ê kíp của mình đang theo đuổi.

DSC02384.JPG

NSƯT Trần Lực bắt tay dựng vở kịch phi lý đầu tiên của sân khấu Việt Nam.

Trái với lo ngại của nhiều người về một dòng kịch kén khách, vở kịch phi lý đầu tiên trên sân khấu Việt này lại “đắt khách” không ngờ với ba buổi biểu diễn đều chật kín khán giả. Có lẽ vì thế mà đạo diễn Trần Lực tự tin tiếp tục đưa vở diễn tới với khán giả đại chúng với hy vọng sân khấu kịch sẽ ‘cạnh tranh” được với các loại hình giải trí thời thượng khác.

Khi biết Trần Lực dựng Nữ ca sĩ hói đầu - vở kịch phi lý đầu tiên của sân khấu Việt, ngay cả NSND Lê Khanh và NSƯT Trung Anh - những người bạn thân thiết của anh trong nghề cũng phải hoài nghi.

NSND Lê Khanh tiết lộ, chị và NSƯT Trung Anh đều được đạo diễn Trần Lực mời cộng tác nhưng cả hai đều nghi ngờ bởi họ không thể tưởng tượng được khán giả sẽ tiếp nhận dòng kịch phi lý này như thế nào.

“Với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy hấp dẫn nhưng khán giả có chấp nhận không?”, Lê Khanh nói.

Nhưng đến khi xem xong buổi biểu diễn đầu tiên, Lê Khanh đã “yên tâm về những gì diễn ra trên sân khấu sẽ thu hút được khán giả” và thậm chí sau đó chị còn tham gia một vai diễn trong đó là vai bà Smith.

48339930_2219153378353528_8280649105047289856_n.gif

Nữ ca sĩ hói đầu từng công diễn 3 đêm ở Trung tâm Văn hoá Pháp và đều kín chỗ.

Đạo diễn Trần Lực cho biết, lần này, NSND Lê Khanh lại tiếp tục diễn vai bà Smith thay cho diễn viên trẻ Ngọc Trâm. Anh lý giải thay diễn viên luôn là một sự cần thiết để làm mới vở diễn, tạo cơ hội cho nghệ sĩ khai thác khả năng của họ: “Ở thể loại kịch ước lệ - biểu hiện, ngôn ngữ hình thể rất quan trọng, nhân vật nghĩ gì, tâm trạng thế nào đều biểu hiện qua ngôn ngữ hình thể.

Nếu chỉ quen diễn kịch hiện thực tâm lý thì rất khó để nhập cuộc nhưng Lê Khanh không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn là người chịu khó học và tiếp thu cái mới nên “thấm” rất nhanh.

Không chỉ chú trọng hình thể, kịch phi lý còn nhấn mạnh vào thoại, những câu thoại giúp diễn viên bộc lộ cá tính, giao tiếp và đưa đẩy câu chuyện. Thoại của bà Smith “không giống ai” nên việc sử dụng đài từ là mấu chốt. Lê Khanh quá giỏi khi sử dụng đài từ!”.

Đạo diễn Trần Lực cho rằng, vở kịch là sự pha trộn giữa nhiều yếu tố, giữa một thể loại kịch được coi là đỉnh cao của phương Tây và nghệ thuật biểu hiện - ước lệ của Á Đông khiến cho nó rất khác biệt. Là dòng kịch lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt, nó “chống” lại kịch truyền thống bởi xem xong khán giả sẽ thoát khỏi sự nhàm chán của thể loại kịch vốn quen thuộc với họ bấy lâu nay. Được pha trộn vừa đủ yếu tố hài hước, Nữ ca sĩ hói đầu thu hút khán giả trước tiên nhờ yếu tố này.

Tuy chỉ là những câu chuyện không đầu không cuối, những màn đối thoại “ông chằng bà chuộc” nhưng xem xong, ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng như “tào lao” ấy là những thông điệp về cuộc sống, là những thứ mà chúng ta cảm giác nó luôn tồn tại đâu đó trong cuộc sống. Bởi vậy mà với dòng kịch này, tắt đèn hạ màn kịch chưa hết mà vẫn tiếp tục diễn ra trong trí tưởng tượng của khán giả.

IMG_6818.JPG
DSC05112.jpg

Trần Lực chia sẻ: “Muốn làm được một sản phẩm nghệ thuật như vậy, bản thân người nghệ sĩ cũng phải nuôi dưỡng sự hồn nhiên ngây thơ, tin yêu vào cuộc sống này. Sự hồn nhiên ngây thơ có thể khiến chúng ta trở nên bất thường.

Khi mọi thứ đều được tối giản, từ kịch bản, thiết kế sân khấu, ánh sáng, phục trang thì diễn xuất của diễn viên cũng phải đạt đến trình độ cực kỳ hồn nhiên và ngây thơ để tin vào thế giới mà nhân vật của họ đang sống.

Sự hồn nhiên ngây thơ ấy đánh vào góc khuất trong tiềm thức của khán giả, tưởng như đã ngủ quên bởi vô số những niêm luật của cuộc sống gò chúng ta vào những bổn phận. Tại sao khán giả lại thích xem đi xem lại? Vì mỗi buổi biểu diễn là một, là duy nhất!”.

Trần Lực nhìn nhận: “Tôi khẳng định rằng sân khấu không chết, chỉ là chúng ta – những nghệ sĩ lười biếng không hết mình vì sân khấu. Sân khấu là nghệ thuật đỉnh cao nên nó có sự khác biệt. Khi phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác, nó có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng, sự hấp dẫn rất riêng!”.

Hà Tùng Long