NSND Lê Hùng dựng lại “Thị Nở và Chí Phèo” để lay động lương tri

(Dân trí) - Chiều 19/12 tại Hà Nội, Sân khấu Lệ Ngọc đã khởi công vở kịch “Thị Nở và Chí Phèo”. Đây là vở diễn dựa theo tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao. Những yếu tố mới được đạo diễn, NSND Lê Hùng đưa vào tác phẩm hứa hẹn chạm đến trái tim khán giả.

Theo NSND Lê Hùng, trước đây ông từng dựng tác phẩm “Chí Phèo” cho Đoàn Chèo Thái Bình và tác phẩm này từng đoạt huy chương vàng. Tuy nhiên, tác phẩm này trước đây chỉ mới dừng ở mức độ minh họa cho truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.

Lần này, NSND Lê Hùng không muốn tác phẩm này minh họa hay đơn thuần kể lại câu chuyện đã quá quen thuộc với khán giả mà sẽ thổi vào đó hơi thở của đời sống hiện đại để thức tỉnh hoặc lay động lương tri con người.

Buổi họp báo khởi công vở Thị nở và Chí Phèo. Ảnh: Tùng Long.
Buổi họp báo khởi công vở "Thị nở và Chí Phèo". Ảnh: Tùng Long.

“Xã hội đang có nhiều biểu hiện về sự suy đồi về đạo đức. Anh em chém nhau vì mấy phân đất, con đuổi đánh mẹ vì lỡ tay làm sổng chim… Đừng tưởng bây giờ chúng ta không còn Chí Phèo. Vở diễn trước hết để người ta nhìn nhận vào thực tế cuộc sống mà tự thức tỉnh mình, tự răn sửa mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn thông qua câu chuyện này, để phần nào nói đến hiện thực xã hội Việt Nam giai đoạn thuộc địa nửa phong kiến nhưng cũng qua đó giới thiệu văn hóa Việt. Hy vọng khán giả thế giới cũng biết đến Việt Nam cũng có những nhà văn tài năng như Nam Cao”, NSND Lê Hùng nói.

Thực tế, trong buổi khởi công vở “Thị Nở và Chí Phèo” đã lấy nước mắt khán giả tham dự khi các nghệ sĩ biểu diễn màn mở đầu vở diễn. Bắt đầu từ việc khách du lịch đến tham quan một làng quê Việt Nam, các hướng dẫn viên giới thiệu về Nam Cao, nhà văn tài năng của Việt Nam của dòng văn học hiện thực phê phán. Cũng từ đó, câu chuyện Chí Phèo được kể lại.

Điểm đặc biệt của màn mở đầu vở diễn là hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở chứng kiến sự ra đời của Chí Phèo. Một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, nhiều người phụ nữ nông thôn bắt gặp nhưng không ai có thể đưa nó về nuôi. Bởi vì họ đều quá nghèo. Sự nghèo khó đã đẩy một đứa trẻ thành bơ vơ không cha không mẹ, sự bất lực của những con người trước hoàn cảnh cũng phần nào góp phần sản sinh ra những con người như Chí Phèo. Đó là điều mà khán giả có thể cảm nhận được qua phần mở màn vở diễn.

Không ít khán giả đã rơi nước mắt khi theo dõi cảnh mở đầu vở diễn. Âm nhạc mang đậm không khí dân gian, trong bối cảnh những người phụ nữ bất lực để bảo vệ một đứa trẻ như xoáy sâu vào lòng người xem.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Vở diễn được dàn dựng mang đậm văn hóa dân gian Việt Nam. Những chất liệu dân gian luôn được khán giả khán giả trong nước cũng như nước ngoài yêu mến. Tôi tin với cách tiếp cận như vậy, vở diễn sẽ chạm đến trái tim khán giả”.

Một cảnh trong vở diễn.
Một cảnh trong vở diễn.

Đặc biệt, toàn bộ phần trang phục của vở diễn do NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thực hiện. Nhà thiết kế này cho biết, khi nghe đến vở diễn anh đã có nhiều cảm hứng để tạo ra những bộ trang phục đặc biệt cho các nhân vật. Và anh xem đây như một cuộc chơi để thỏa mãn nhưng cảm hứng tuôn trào của mình với nghệ thuật chứ không nghĩ đến vấn đề tài chính.

“Trước đây tôi toàn phục vụ cho các người mẫu chân dài, chính khách, doanh nhân... nhưng khi nghe đến vở diễn tôi có nhiều cảm hứng làm nảy ra rất nhiều ý tưởng. Khởi công vở kịch là phải có trang phục ngay. Chúng tôi cố gắng trong mấy ngày để kịp có trang phục cho tất cả các nhân vật.

Bá Kiến tôi mới kịp thiết kế lụa La Khê - Hà Đông, chất liệu rất hiếm, cổ áo dát đồng tiền bằng vàng thật, ngực áo kiểu đuổi hình bắt chữ… chứa đựng tính hài hước trong đó. Bộ áo của bà ba Bá Kiến cũng bằng chất liệu nhung Pháp, toàn bộ phần trên áo có dát những đồng tiền vàng. Quần áo cho anh Chí cũng rất kì công”, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.

Vở diễn dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào ngày 10/1/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hà Tùng Long