Nổi tiếng thật và nổi tiếng ảo

Hiện nay, rất nhiều những ca sĩ nổi tiếng đình đám trên các trang mạng nhưng thật ra phần lớn đó chỉ là sự ảo tưởng!

Một bầu sô tên T. cho biết anh không ít lần bị “bể sô” chỉ vì mời một ca sĩ đang hot trên mạng với giá rất cao nhưng lại không bán được nhiều vé như mong đợi. Anh cho biết giữa sân khấu thật và trên mạng là khác nhau hoàn toàn, là một khoảng cách rất xa. Một gương mặt có thể rất nổi tiếng trên mạng nhưng ra sân khấu thật thì rất “chán”, đặc biệt nhất là phong cách biểu diễn và giọng hát!

Trang chủ của một trang nghe nhạc trực tuyến ăn khách

Trang chủ của một trang nghe nhạc trực tuyến ăn khách

Thật ra, vấn đề mà bầu sô này đưa ra không gì ngạc nhiên bởi giọng hát trong các ca khúc trên mạng chủ yếu là sản phẩm của công nghệ phòng thu. Tức giọng hát đó đã được chỉnh sửa, “tút tát” sao cho nghe hay nhất. Hơn nữa việc thu âm một ca khúc trong phòng thu là được thu đi thu lại nhiều lần sao cho ra bản ưng ý nhất. Điều này hoàn toàn khác với việc một gương mặt đứng trên sân khấu hát trực tiếp trước khán giả.

Thời gian qua đã có quá nhiều những trường hợp nổi tiếng trên mạng với một giọng hát hay như “họa mi”. Thế nhưng khi lên sân khấu hát “live” thì cũng chính những giọng ca đó khiến người nghe hết sức ngỡ ngàng. Họ hát chênh, phô, lạc nhịp… do không có chuyên môn thanh nhạc, giọng hát chưa được rèn luyện. Và thực tế đã có không ít ca sĩ chuốc lấy sự bẽ bàng, bị ném đá khi buộc phải hát live trên sân khấu là vì thế!

Tập 3 của chương trình The X-Factor - Nhân tố bí ẩn là đêm thi của những “người quen”, một nửa số thí sinh đều là những gương mặt quen thuộc trong giới showbiz với vai trò là ca sĩ như: Đình Nguyên, Tùng Anh, Pha Lê, Giang Hồng Ngọc, nhóm It’s Time…

Họ đều là những gương mặt đã có kinh nghiệm đi hát nhiều năm trên các sân khấu, đã ra nhiều album và có một tên tuổi nhất định. Nhưng điều đáng buồn nhất là những nhân vật này gần như hoàn toàn mờ nhạt về giọng hát so với những nhân tố mới. Và có ca sĩ chỉ được đi tiếp vào vòng trong nhờ vào… vé vớt của Ban giám khảo!

Ca sĩ Pha Lê

Ca sĩ Pha Lê

Ca sĩ Pha Lê thì chọn một ca khúc quá khó so với mình; cô hát ca khúc “Le Temps Des Cathédrales” - một ca khúc trong vở nhạc kịch nổi tiếng “Nhà thờ Đức Bà Paris” bị chệch nhịp, có đoạn bị chới. Chưa kể có lẽ vì quá căng thẳng nên Pha Lê hát đoạn đầu không rõ lời.

Tùng Anh cũng tương tự, anh hát “Nơi nào có em” bị phô, chênh, khác hẳn với những gì mà công chúng nghe trên mạng với cũng chính bản hit đình đám này của anh. Sau nhiều thành công thu được trên cộng đồng mạng, có vẻ Nukan Tùng Anh đang muốn bước ra những sân khấu lớn, và việc dự thi X Factor cũng là một trong những bước đi tìm kiếm danh vọng mới của anh chàng này sau scandal tự tung ảnh giường chiếu lên mạng.

Phần dự thi không có gì ấn tượng nhưng bốn vị giám khảo của chương trình đã đồng ý “vớt” cho Nukan vào vòng trong. Một phần vì sự ủng hộ từ các fan trong thế giới ảo khá nhiều, phần vì muốn tạo cơ hội cho Nukan tiến bộ hơn vị trí một ca sĩ chỉ nổi tiếng trên mạng!

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương khi nhận xét về “sao ảo” Nukan Tùng Anh đã nói rằng: Nhiều sản phẩm trên mạng vẫn chưa phải là sản phẩm thực tế vì qua thu âm đã khác, có những cái rất ảo! Vì thế ca sĩ phải tỉnh táo để xem mình được bao nhiêu phần trăm của sự thành công trên mạng ấy là thật còn về giọng hát cũng phải trau dồi hơn nữa nếu muốn thành công.

Sao ảo Nukan Trần Tùng Anh

"Sao ảo" Nukan Trần Tùng Anh

Rõ ràng, từ việc nổi tiếng trong thế giới ảo qua những bài hát được thu âm, chỉnh sửa nhờ kỹ thuật phòng thu đến sân khấu thật là một khoảng cách khá xa. Càng xa hơn nữa khi không ít gương mặt còn nổi tiếng thêm bằng những chiêu trò, sex, sốc được tung ra trên các trang báo mạng, như anh chàng Nukan là một ví dụ.

Tuy nhiên, ngày nay có nhiều gương mặt vì khát khao nổi tiếng, muốn thu lợi nhanh nhất nhưng lại không có năng lực, không muốn đổ công sức nên chỉ lo tạo dựng vinh quang trong thế giới ảo và tin vào những vinh quang ấy là thật.

Nắm bắt được nhu cầu nổi tiếng ảo đó của một bộ phận không nhỏ ca sĩ trẻ hiện nay nên các nhóm chuyên làm công tác bình chọn, ấn “like” xuất hiện rầm rộ và ăn nên làm ra.

Rất nhiều ca sĩ trẻ được chào hàng rằng: “Em có ê-kíp đẩy bài hát, MV, album cho ca sĩ với giá 3,5 triệu đồng/1 triệu view (tặng 500 “like”, comment, lượt share Zing và thêm share Facebook nữa), đẩy 1 bài hát trong Top 40 sẽ là 2 triệu đồng/tuần (tặng “like”, comment, lượt share Zing và Facebook), top 10 giá 4 triệu đồng/tuần”.

Và rất nhiều ca sĩ trẻ đã gật đầu bám vào “thành quả” của thế giới ảo này thay vì đi tìm khán giả của mình trên các sân khấu thật và sự nỗ lực trong ca hát. Điều này có thể thấy hằng ngày trên các trang nghe nhạc trực tuyến khi một ca khúc hay một video clip ca nhạc lạ nào đó bỗng dưng xuất hiện trong top được yêu thích nhất, được nghe nhiều nhất. Trong khi không ai từng biết đến ca sĩ đó, nội dung và chất lượng bài hát thì quá kém nhưng lại thu hút được con số triệu người truy cập, “like”! Thực tế toàn bộ đều là ảo, là mua bằng tiền.

Bích Phương, Trương Quỳnh Anh

Bích Phương, Trương Quỳnh Anh

Ngoài ra, cũng có nhiều ca sĩ là ăn khách thật trên thế giới ảo, tức họ có một ca khúc nào đó thật sự hot, thu hút được nhiều số lần “like” hay lượt người truy cập trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Khi đó, ca sĩ đó nghiễm nhiên trở thành một “ngôi sao”. Hiện tượng “Con bướm xuân” của Hồ Quang Hiếu gần đây hay trước đó là Arika Phan với “Mùa đông không lạnh”, Bích Phương với “Có khi nào rời xa”, Khánh Phương với “Chiếc khăn gió ấm”, Thùy Chi “Con đường hạnh phúc”, Trương Quỳnh Anh với ca khúc hit "Đơn côi"...

Tuy nhiên, họ khá chật vật khi chính thức bước ra những sân khấu lớn thực tế vì khả năng hát live, kỹ năng trình diễn hạn chế. Cũng chính vì thế mà sự ồn ào trên mạng của họ nhanh chóng đi qua, tên tuổi họ cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Rõ ràng, thời của âm nhạc trực tuyến chỉ có thể giúp cho các sản phẩm của người ca sĩ đến với công chúng nhanh hơn, rộng khắp hơn chứ hoàn toàn không thể thay thế cho năng lực cũng như giọng hát thực tế.

Theo Lê Vân
Petrotimes