Lâm Đồng:

Nối nhịp cồng chiêng trên cao nguyên Lâm Đồng

(Dân trí) - Cồng chiêng là loại nhạc cụ biểu trưng cho nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, tuy nhiên hiện nay nhiều lớp trẻ không còn hứng thú với loại nhạc cụ này. Đứng trước nguy cơ mai một văn hóa truyền thống, một ngôi trường ở Lâm Đồng đã mở “lớp học cồng chiêng” để giữ gìn bản sắc dân tộc mình.

Chúng tôi ghé thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Di Linh (Lâm Đồng), giống như bao ngôi trường khác về cơ sở vật chất cũng như cách quản lý giáo dục. Tuy nhiên, có một điều riêng biệt mà chỉ có ở ngôi trường này, đó là lớp học cồng chiêng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trường, thầy K’Brôl- Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Di Linh (Lâm Đồng) chia sẻ, trường được thành lập năm 1997, hiện tại đang có 346 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Xuất phát từ ý tưởng mở ra các lớp ngoại khóa dành cho học sinh trong trường, năm 2005, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Di Linh đã quyết định thành lập lớp dạy đánh cồng chiêng.

Già làng K’Bon đang hướng dẫn cho nhóm học sinh nam tập lại bài chiêng
Già làng K’Bon đang hướng dẫn cho nhóm học sinh nam tập lại bài chiêng

Ban đầu, nhà trường đi khắp các buôn làng K’Ho trong vùng mời những già làng, nghệ nhân cồng chiêng đứng tham gia lớp học đặc biệt này. Kể từ đó, cứ hai buổi mỗi tuần, những già làng trở thành "giáo viên" đều đặn lên lớp truyền dạy cho các em học sinh cách đánh chiêng.

Dưới mái trường, học sinh được các già làng dạy cho những nét cơ bản nhất trong biểu diễn cồng chiêng, từ cách đeo dây chiêng đúng hướng, cách kê tay trong lòng chiêng, cách tiếp xúc giữa bàn tay và bề mặt chiêng làm sao tạo ra những âm thanh trầm bổng đặc trưng của từng điệu chiêng.

Bên cạnh việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh nam, các học sinh nữ cũng được dạy về các điệu múa truyền thống của người K’ Ho
Bên cạnh việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh nam, các học sinh nữ cũng được dạy về các điệu múa truyền thống của người K’ Ho

Ân cần chỉnh từng động tác nhỏ cho nhóm học sinh tập đánh chiêng, già làng K’Bon (70 tuổi, thôn Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết, ngày nay các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng liên quan tới cồng chiêng ngày càng ít được sử dụng trong đời sống cộng đồng. Các thế hệ trẻ vì thế cũng ít có điều kiện được học hay chơi chiêng.

“Cồng chiêng đối với con em dân tộc K’ Ho tưởng chừng như quen thuộc nhưng lại chưa từng được ai truyền dạy, nên cũng phải mất thời gian khá lâu các cháu mới có thể làm quen với nó. Ban đầu chúng tôi chỉ dạy cho các học sinh một bài chiêng truyền thống sử dụng trong lễ hội. Tuy lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau này các cháu đều rất hào hứng”, già làng K’Bon tâm sự.

Em K’Minh, học sinh lớp 9A , nói: “Trước đây em không biết đánh cồng chiêng, ở trường được các già làng dạy bảo nên giờ thì em đã đánh được những điệu chiêng cơ bản như các bài tấu chiêng trong nghi lễ mừng lúa mới, đón khách hay các ngày hội làng”.

Còn em K’Mrom đã có 3 năm tham gia trong đội cồng chiêng của trường hào hứng chia sẻ: “Ban đầu em cảm thấy rất khó vì chưa được tiếp xúc với cồng chiêng bao giờ, nhưng được các “thầy” dạy rồi em cũng quen. Đánh được rồi thì mê, buổi học nào em cũng có mặt và thích nhất là chờ đến dịp cùng các bạn trong nhóm biểu diễn trên sân khấu lớn”.

Văn hóa cồng chiêng - loại hình văn hóa được xem là “báu vật” của các dân tộc Tây Nguyên, thường được thấy trong các lễ hội của địa phương
Văn hóa cồng chiêng - loại hình văn hóa được xem là “báu vật” của các dân tộc Tây Nguyên, thường được thấy trong các lễ hội của địa phương

Bên cạnh việc truyền dạy đánh cồng chiêng đối với các nhóm học sinh nam, nhà trường cũng nhờ các nghệ nhân hướng dẫn từng nhóm nữ học sinh các điệu múa truyền thống của người K’ Ho. Từ những điệu múa tập thể cho đến múa đôi, hiện các nữ học sinh của trường cũng thực hiện uyển chuyển không thua những thế hệ lớn tuổi đi trước.

Được biết, định kỳ hàng tháng nhà nội trú huyện Di Linh (Lâm Đồng) tổ chức các buổi giao lưu cồng chiêng giữa các lớp để chọn ra những học sinh có “khiếu” nhất đi tham dự các sự kiện văn hóa tại địa phương. Tuy nhiên, hơn hết vẫn là lớp học cồng chiêng được duy trì, lan toả trong cả trường và góp phần gìn giữ nét văn hoá đặc sắc của con em người K’Ho.

Thầy K'Brôl cho biết thêm: “Việc đưa cồng chiêng vào trường học có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác giáo dục của nhà trường. Hoạt động này vừa tạo ra sân chơi bổ ích giúp các em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng ngoại khóa.

Chúng tôi hy vọng từ những “mầm non” được truyền dạy cồng chiêng khi theo học trên ghế nhà trường, sau này các em sẽ về cộng đồng tiếp tục đam mê và gìn giữ nét truyền thống của dân tộc mình. Góp phần gìn giữ và tiếp nối văn hóa cồng chiêng - loại hình văn hóa được xem là “báu vật” của các dân tộc Tây Nguyên”.

Ngọc Hà