1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Nói bìa sách Truyện Kiều dung tục, phản cảm… là không công bằng”

(Dân trí) - Cho đến thời điểm này, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội vẫn chưa ngớt những cuộc tranh cãi liên quan đến bìa cuốn sách “Truyện Thúy Kiều” do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành.

Được biết, bức vẽ được Nhã Nam sử dụng để làm bìa cho cuốn sách “Truyện Thuý Kiều” lần này do hoạ sỹ Lê Văn Đệ vẽ. Ông là một họa sĩ tiền bối nổi tiếng của Việt Nam từ thời đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức vẽ này từng được in trong cuốn “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Trị - Huế, với sự hỗ trợ của hội Khai trí Tiến Đức và hội Khuyến học vào dịp ngày giỗ Nguyễn Du xuất bản năm 1942.

Cận cảnh bìa sách “Truyện Thuý Kiều” đang gây tranh cãi.
Cận cảnh bìa sách “Truyện Thuý Kiều” đang gây tranh cãi.

Ông Dương Thanh Hoài - đại diện đơn vị phát hành sách Nhã Nam cho biết, bức vẽ mà Nhã Nam sử dụng làm bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” lấy ý tưởng từ câu tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”.

“Rõ ràng, nếu minh họa câu thơ này, họa sĩ Lê Văn Đệ (vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam) được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác. Thế nhưng, như mọi người có thể thấy, ông cũng vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Tựu trung, đây là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào. Và dĩ nhiên là càng không nhuốm điều gì gọi là dung tục ở đây.

Chúng tôi phải nói rằng họa sĩ thiết kế cũng đã rất thận trọng với bìa sách, cho nên còn đẩy việc gián cách, ước lệ lên một mức nữa: hình Thúy Kiều trong bức vẽ còn được tạo hiệu ứng “trang kim” như là phủ một lớp bụi vàng lên người vậy”, đại diện đơn vị phát hành nói.

Tuy nhiên, hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, hình ảnh trên bìa cuốn sách “Truyện Thuý Kiều” chỉ phù hợp với tranh minh hoạ trang trong cuốn sách chứ không phù hợp làm bìa. Theo hoạ sỹ Trần Khánh Chương thì Truyện Kiều không thiếu gì những câu thơ đẹp, hình ảnh đẹp… có thể hoạ để làm ảnh bìa. Trong khi cuốn sách in để kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du thì lại càng cần phải được trau chuốt cẩn trọng, không chỉ đạt tính nghệ thuật mà còn mang nhiều giá trị văn hoá.


Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, bức tranh này sử dụng minh hoạ phía trong cuốn sách phù hợp hơn làm bìa.

Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, bức tranh này sử dụng minh hoạ phía trong cuốn sách phù hợp hơn làm bìa.

Dưới góc độ mỹ thuật, hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng cho rằng, ông đã nhìn thức bức vẽ này của hoạ sỹ Lê Văn Đệ cách đây khá lâu. Ngày xưa, những bức vẽ như thế này tồn tại khá nhiều trong dân gian. Tuy nhiên, tuỳ theo quan niệm của mỗi người mà cho rằng những bức tranh như thế này tục hoặc không tục.

Ông không nhận định bức ảnh này đúng hay sai, tục hay không tục bởi đúng - sai trong nghệ thuật rất mơ hồ, thanh - tục cũng rất cảm tính. Với ông, nghệ thuật đạt đến tính thẩm mỹ là khi nó đúng luật. Luật ở đây là luật pháp và thuần phong mỹ tục. Một tác phẩm đạt được giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ khi nó phù hợp với thuần phong mỹ tục, nghĩa là được nhiều người công nhận và yêu thích.

Theo hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng, nếu bìa cuốn sách “Truyện Thuý Kiều” do Nhã Nam phát hành vừa qua gây nhiều tranh cãi có thể do chưa phù hợp với tập quán của số đông.

Riêng hoạ sỹ Lê Thiết Cương lại cho rằng, đây là bức tranh quá nổi tiếng của hoạ sỹ Lê Văn Đệ, bậc thầy của trường Mỹ thuật Đông dương và ông không hề thấy bức tranh này có bất kỳ vấn đề gì cả.

“Nói bức tranh này dung tục, phản cảm, gợi dục… là không công bằng. Xưa nay, chúng ta cứ quen với việc hễ thấy ảnh, tranh, tượng… khoả thân lại gắn cho nó chứa đựng sự dung tục, phản cảm, gợi dục. Đây là một cách thức tiếp cận rất sai lệch. Vì cách thức tiếp cận này mà chúng ta hay đổ lỗi cho tác phẩm thế này thế kia làm giảm đi tính nghệ thuật của tác phẩm. Nguyên nhân của cách thức tiếp cận sai này phần lớn là do phông văn hoá quá thấp. Tất nhiên, việc này không tồn tại nhiều mà chỉ ở một bộ phận nhưng đôi khi nó làm cho sự việc rối tung lên.

Tại sao không xem bức ảnh được sử dụng làm ảnh bìa cuốn “Truyện Thuý Kiều” là một tác phẩm hội hoạ của một bậc thầy hội hoạ Việt Nam mà cứ chăm chăm nhìn vào chuyện “nude”. “Nude” trong bức tranh chỉ là đề tài thôi còn bức tranh có đạt tính thẩm mỹ, có toát lên được tinh thần của cuốn sách hay không lại bị bỏ qua”, hoạ sỹ Lê Thiết Cương nói.

Hà Tùng Long