Những phim từng “làm mưa, làm gió” trên màn ảnh nhỏ Việt thập niên 90

(Dân trí) - Thập niên 90 được xem là “thời kỳ hoàng kim” của những bộ phim truyền hình nước ngoài trên màn ảnh VTV. Những bộ phim truyền hình dài tập thời đó đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ mà mỗi lần nhắc đến lại gợi nhớ trong họ bao kỷ niệm.

Tây Du Ký

Là bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân. Phim được công chiếu trên VTV từ năm 1990, phát lại năm 1991 là phiên bản Tây Du Ký của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc sản xuất năm 1986.

Bốn thầy trò Đường Tăng trong phim Tây Du Ký. Ảnh: TL.
Bốn thầy trò Đường Tăng trong phim Tây Du Ký. Ảnh: TL.

Câu chuyện về bốn thầy trò Đường Tăng đi Thiên Trúc thỉnh kinh trải dài qua 25 tập phim đã chinh phục biết bao thế hệ khán giả Việt Nam, nhất là trẻ em. Hình ảnh Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hoá, Trư Bát Giới háu ăn hám gái, Hồng Hài Nhi cứng đầu, Bồ Tát Quan Âm giúp thầy trò Đường Tăng thoát nhiều kiếp nạn và những con yêu quái gây bao cản trở bị Tôn Ngộ Không tiêu diệt… đã trở thành ký ức kinh điển với hàng triệu người Việt Nam.

Đặc biệt, trong 31 năm qua, phim đã nhiều lần phát sóng lại tại các kênh truyền hình Việt Nam, mỗi lần cả người lớn và trẻ em đều háo hức đón xem. Có đài phát sóng đến gần 10 lần và trình chiếu đi và chiếu lại suốt nhiều năm liền. Mặc dù trong những năm gần đây, câu chuyện này đã được các đạo diễn Hoa ngữ sản xuất lại với nhiều phiên bản mới, có kỹ xảo hoành tráng, công phu nhưng Tây Du Ký 1986 vẫn là phiên bản ấn tượng nhất.

Đơn giản tôi là Maria

Vào những năm đầu của thập niên 90, những bộ phim truyền hình Nam Mỹ kéo dài hàng trăm tập như: Người giàu cũng khóc, Cuộc đời cô bé Sabelita, Nhật ký của Daniela, Nô tì Isaura... đều luôn khiến khán giả Việt “đứng ngồi không yên”. Trong số đó không thể không nhắc tới Đơn giản tôi là Maria, bộ phim nổi tiếng của Mexico sản xuất, được phát sóng trên VTV từ năm 1991 đến 1993.

Nàng Maria và con gái, hình ảnh quen thuộc với nhiều khán giả Việt khi xem Đơn giản tôi là Maraia. Ảnh: TL.
Nàng Maria và con gái, hình ảnh quen thuộc với nhiều khán giả Việt khi xem Đơn giản tôi là Maraia. Ảnh: TL.

Đơn giản tôi là Maria kể về cuộc đời của một cô gái nghèo rời ngôi làng thân yêu để lên thành phố kiếm sống. Maria làm giúp việc cho một gia đình giàu có và phải lòng gã công tử Juan Carlos. Lúc khiến Maria có thai, gã rũ bỏ và đẩy cô nuôi con một mình. Sau này, Maria trở nên giàu có và làm chủ một hãng thời trang danh tiếng. Phong cách thời trang trong Đơn giản tôi là Maria với váy xòe, tóc tết từng được nhiều phụ nữ Việt Nam ngày trước yêu thích.

Oshin

Oshin là một bộ phim truyền hình dài 297 tập tập của Nhật Bản được chiếu trên sóng VTV từ năm 1994. Bộ phim ngay sau khi công chiếu đã tạo nên cơn sốt rộng rãi vì gây xúc động mạnh mẽ đối với nhiều đối tượng khán giả Việt Nam thời bấy giờ.

Phim là câu chuyện có thật về cuộc đời của một phụ nữ tên là Oshin được sinh ra trong gia đình bần nông ở Nhật. Người phụ nữ này đã phải trải qua nhiều tủi nhục, nghiệt ngã của cuộc sống trước khi đạt được thành công. Phim chiếu ở Nhật vào đầu thập niên 1980 khi nền kinh tế nước này bắt đầu đi lên.

Phim Oshin từng lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả Việt. Ảnh: TL.
Phim Oshin từng lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả Việt. Ảnh: TL.

Oshin nổi tiếng đến nỗi tên của bộ phim này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống con người Việt Nam, trở thành một danh từ chỉ nghề giúp việc. Khi Oshin chiếu trên truyền hình ngày trước vào buổi tối, các gia đình lại ngồi quây quần bên chiếc tivi nhỏ và cùng theo dõi cuộc đời của người phụ nữ nghị lực này từ khi còn bé đến lúc về già. Với khán giả nhỏ tuổi khi ấy, ký ức về phim Oshin còn là đoạn quảng cáo máy điều hòa với những chú chim cánh cụt ngộ nghĩnh trong thời gian nghỉ giữa hai tập phim.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên

Bộ phim được chiếu lần đầu tiên trên sóng VTV vào năm 1995, khung giờ 18h hàng ngày với thời lượng 200 tập. Bộ phim đã gắn liền với nhiều gia đình Việt Nam trong những bữa cơm chiều. Phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Laura Ingalls Wilder, nội dung phim kể về cuộc sống của gia đình Ingalls và nhân vật chính Laura, cô con gái thứ 2 trong gia đình khi đi tới một thị trấn khai hoang.

Những hình ảnh từng in đậm trong tâm trí của nhiều khán giả. Ảnh: TL.
Những hình ảnh từng in đậm trong tâm trí của nhiều khán giả. Ảnh: TL.

Mỗi tập phim lại là 1 câu chuyện riêng biệt đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống: từ tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu đến những thứ mang tính xã hội như phân biệt chủng tộc, chiến tranh, nạn trộm cắp, kỳ thị… nhưng trên hết vẫn là đề cao nghị lực và niềm tin vào cuộc sống dù phải tồn tại trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn.

Nhiều khán giả vẫn chưa thể quên được cảm giác xúc động động khi xem đến cảnh cô chị cả Mary bị mù, hoặc từng ôm bụng cười khi thấy cô bé Laura lấy tóc làm giẻ lau nhà hay từng căm phẫn khi chứng kiến sự phân chia giai cấp giàu nghèo quá rõ rệt.

Cô gái đại dương

Giai đoạn từ năm 1996 - 2001 là quãng thời gian bùng nổ của phim truyền hình giả tưởng Úc tại Việt Nam. Những series phim như: Nhiệm vụ tối mật, Khinh khí cầu của giáo sư Poopsnaggle, Cô gái Robot… đã từng khiến khán giả Việt phải dán mắt vào màn hình tivi lúc 18h00 hàng ngày. Trong số đó không thể không nhắc đến Cô gái đại dương đã được chiếu lại 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 1997.

Nhân vật chính trong Cô gái đại dương là Neri - một thiếu nữ đến từ hành tinh Đại Dương xa xôi được giao nhiệm vụ tới Trái Đất để bảo vệ nguồn nước. Neri có thể nín thở được dưới nước và nói chuyện với cá voi. Một lần tình cờ, cô bé gặp gỡ và kết thân với 2 anh em Jason và Brett - 2 thành viên thuộc trung tâm nghiên cứu khoa học dưới biển có tên là Orca.

Cả 3 người đã cùng có những chuyến phiêu lưu đầy hấp dẫn như đi tìm em gái của Neri hay chống lại những thế lực xấu xa đến từ hành tinh Đại Dương. Phim được chia làm 4 phần với độ dài 78 tập. Cô gái đại dương được coi là một bộ phim đầy ý nghĩa với thông điệp bảo vệ môi trường.

Bao Thanh Thiên

Bao Thanh Thiên là phim truyền hình của Đài Loan có độ dài 236 tập với thời lượng 60 phút mỗi tập, mỗi câu chuyện về một vụ án thường diễn ra trong khoảng 4 đến 5 tập. Phim được phát sóng trên VTV lần đầu tiên vào năm 1994 và người thuyết minh phim Nguyễn Ngọc Thạch. Ngay sau khi công chiếu, bộ phim đã đạt được thành công vang dội ở nhiều nước châu Á như: Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Những nhân vật chính của phim Bao Thanh Thiên.
Những nhân vật chính của phim Bao Thanh Thiên.

Phim kể về ông quan thanh liêm Bao Chửng, vốn là một nhân vật lịch sử có thật trong đời Tống, được các nhà làm phim Đài Loan đưa lên màn ảnh nhỏ từ năm 1993 với diễn xuất của Kim Siêu Quần. 41 vụ án với nhiều câu chuyện từ bí ẩn, ly kỳ (Huyết vân phan, Ly miêu hoán chúa, Người cá) cho tới bi tráng, xúc động (Vương Tôn kẻ ăn mày, Mộng uyên ương hồ điệp, Anh em sinh đôi) một thời đã níu chân bao khán giả Việt Nam ngồi trước tivi ở nhà mỗi buổi tối.

Với sự phá án tài tình của vị quan “thiết diện vô tư” đã tạo nên sức hấp dẫn cho Bao Thanh Thiên. Ngoài Bao Chửng, những nhân vật thân thiết bên cạnh như: Triển Chiêu, Công Tôn Sách, bộ tứ Vương Triều – Mã Hán – Trương Long – Triệu Hổ cũng rất được yêu thích. Bài hát chủ đề của phim Mộng uyên ương hồ điệp cũng là một giai điệu âm nhạc kinh điển trên sóng truyền hình Việt Nam những năm 90.

Trở Về Eden

Trở về Eden là một series phim truyền hình kinh điển của gồm 2 phần: phần 1 được sản xuất vào năm 1983 còn phần 2 vào năm 1986. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nền văn học Australia. Phim đã từng được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên sóng truyền hình Việt Nam vào những năm 90 và trở thành một cái tên không thể phai nhòa trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả.

Poster của phim Trở về Eden. Ảnh: TL.
Poster của phim Trở về Eden. Ảnh: TL.

Vùng đất Eden chính là một thiên đường hoang dã với nhân vật chính là Stephany Harper được thừa hưởng gia tài khổng lồ từ người cha quá cố. Nhưng cũng ngay tại Eden này, trong tuần trăng mật của cô với người chồng đẹp trai tài hoa, cô đã bị chính người chồng nhẫn tâm và cô bạn thân ra tay sát hại. May mắn sống sót, Stephany đem theo trái tim tan nát với bao hận thù trở về Eden để trả thù những kẻ đã lừa dối cô...

Trở về Eden có cốt truyện đầy hấp dẫn và đầy kịch tính với nhiều cảnh quay rùng rợn. Hình ảnh nhân vật chính Stephany bị cá sấu cắn nát mặt đã trở thành kinh điển và từng gây ám ảnh đối với nhiều khán giả xem truyền hình. Ngày trước, mặc dù có phần sợ hãi nhưng rất nhiều khán giả nhí vẫn ngồi "co ro" trong lòng bố mẹ để theo dõi đầy đủ diễn biến của các tập phim. Vĩ lẽ đó, phim gắn bó rất sâu đậm trong ký ức thời ấu thơ của nhiều khán giả Việt.

Người giàu cũng khóc

Người giàu cũng khóc là bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mexico sản xuất năm 1979 có sự tham gia của nữ diễn viên tóc vàng Veronica Castro trong vai nàng Mariana. Castro đồng thời cũng chính là ca sĩ hát bản nhạc phim “I learned to cry”. Phim phát sóng lần đầu tiên trên VTV vào đầu những năm 90 và từng là món ăn tinh thần của nhiều thế hệ người Việt thuở phim truyền hình còn phát sóng rất hạn chế.

Nhân vật Mariana Villareal tội nghiệp trong Người giàu cũng khóc. Ảnh: TL.
Nhân vật Mariana Villareal tội nghiệp trong Người giàu cũng khóc. Ảnh: TL.

Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính, nàng Mariana Villareal bị đuổi ra khỏi nhà sau khi cha cô qua đời, mẹ kế chiếm hết phần gia sản để lại. Cô tới thành phố Mexico mong sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những người bạn cũ của cha năm xưa. Một cha xứ trong vùng thương cho hoàn cảnh của cô, đã nhắn nhủ tới ngài triệu phú Alberto Salvatierra, xin ông này quan tâm giúp đỡ cô gái trẻ.

Ban đầu Mariana xin vào làm người giúp việc cho gia đình ngài Alberto nhưng ông khăng khăng nhận cô làm con gái nuôi. Ông cảm thấy tự hào vì mình mình có thể cưu mang, dạy dỗ nhiều điều cho cô gái trẻ, một cô con gái xinh xắn mà vợ ông đã không thể cho ông. Tuy nhiên, con trai ông Luis Alberto lại là một người lăng nhăng, anh ta tìm mọi cách quyến rũ Mariana. Người cha ra lệnh cho con trai phải tránh xa Mariana. Sự lôi cuốn của Mariana là lý do làm người đàn ông lăng nhăng thay đổi và tình yêu đã đến với Mariana...

Hoàn châu cách cách

Là một bộ phim truyền hình cổ trang Hoa ngữ nổi tiếng của Đài Loan được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả Quỳnh Dao . Cả bộ phim có 3 phần, sản xuất trong khoảng các năm 1997, 1998 và 2003. Phim ngay khi phát sóng tại Việt Nam những năm 1998-1999 đã tạo thành một "cơn bão". "Cơn bão" này đã càn quét từ truyền hình, báo chí, băng đĩa nhạc cho đến những vật dụng của các khán giả tuổi teen như: balô, sách vở, thước kẻ, sổ ghi chép,…

Chuyện tình của Triệu Yến Tử với Ngũ A Ka từng làm ngẩn ngơ nhiều khán giả Việt. Ảnh: TL.
Chuyện tình của Triệu Yến Tử với Ngũ A Ka từng làm ngẩn ngơ nhiều khán giả Việt. Ảnh: TL.

Ngay từ khi phần 1 mới ra mắt, những cái tên như: Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng… bỗng chốc trở thành những ngôi sao được giới trẻ yêu thích. Người xem không khỏi ấn tượng trước một Tiểu Yến Tử nghịch ngợm, hào hiệp; Tử Vi dịu dàng, nhu mì; Ngũ A Ca chung tình hay Nhĩ Khang phong độ. Những câu thoại dí dỏm, hài hước của Tiểu Yến Tử cũng rất thu hút người xem, thậm chí còn tạo thành trào lưu với các câu nói như "Cách cách cát tường".

Ngày trước cứ đến buổi tối khán giả trẻ nào cũng đều cố gắng hoàn thành xong bài tập để không bỏ lỡ bất kỳ tập phim nào. Câu chuyện tình "xì tin" giữa Tiểu Yến Tử với Ngũ A Ca cũng đã từng khiến cho không ít người xem phải ngẩn ngơ.

Hà Tùng Long