Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21

(Dân trí) - Mới đây, tờ tin tức The Guardian (Anh) vừa cho ra mắt danh sách bình chọn top 100 phim điện ảnh xuất sắc nhất thế kỷ 21, trong đó có sự góp mặt của 14 phim Châu Á.

“Burning” (2018) đứng thứ 85/100

Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 - Trailer “Burning” (2018)

Bộ phim tâm lý kỳ bí của điện ảnh Hàn Quốc được biên kịch, sản xuất và đạo diễn bởi Lee Chang-dong. Phim được chuyển thể dựa trên truyện ngắn “Đốt nhà kho” nằm trong tuyển tập truyện ngắn “Con voi biến mất” của nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản Haruki Murakami.

Trong phim, nhân viên đưa hàng Jongsu đang làm việc thì tình cờ gặp lại người bạn từ thuở ấu thơ Haemi. Cô đề nghị anh giúp trông nom chăm sóc chú mèo của cô khi cô có chuyến đi xa tới Châu Phi. Khi quay trở về, Haemi giới thiệu với Jongsu một người đàn ông trẻ tuổi tên Ben mà cô đã gặp trong chuyến hành trình. Một ngày, Ben tiết lộ cho Jongsu biết về một thú vui bất thường của mình…

Phim từng được công chiếu tại LHP Cannes hồi năm 2018 và được đề cử ở hạng mục Cành Cọ Vàng. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi về cách triển khai chuyện phim cũng như diễn xuất của dàn diễn viên.

Phim còn được Hàn Quốc lựa chọn là tác phẩm gửi đi tranh tài tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất ở giải Oscar, dù sau cùng không được đề cử chính thức, nhưng đây là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên lọt vào tới danh sách top 9 phim được ban giám khảo cân nhắc.

Tại các giải thưởng điện ảnh khác, phim giành về nhiều giải và xuất hiện trong danh sách top 10 phim hay nhất năm 2018 của nhiều nhà phê bình điện ảnh, đáng kể nhất là danh sách của những tờ tin tức như New York Times, Los Angeles Times, Associated Press.

“Tropical Malady” (2005) đứng thứ 84/100

Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 - Trailer “Tropical Malady” (2005)

Bộ phim tâm lý tình cảm của điện ảnh Thái Lan được biên kịch và đạo diễn bởi Apichatpong Weerasethakul. Phim có cấu trúc chia đôi, phần đầu kể về mối tình giữa hai người đàn ông, và phần sau kể về một câu chuyện lưu truyền bí ẩn về một người lính mất tích trong rừng sau khi bị một pháp sư thao túng linh hồn.

Phim đã giành được giải thưởng của ban giám khảo tại LHP Cannes 2004 và là phim đầu tiên của điện ảnh Thái Lan tranh tài ở hạng mục chính tại LHP Cannes.

“Ten” (2002) đứng thứ 76/100

Đạo diễn người Iran - Abbas Kiarostami được xem là một trong những bậc thầy làm phim, với “Ten”, ông tạo nên một tác phẩm đơn giản nhưng giàu giá trị nghệ thuật, xoay quanh một nữ tài xế chở những người khác nhau di chuyển quanh thành phố Tehran.

Đạo diễn Abbas Kiarostami và nữ chính Mania Akbari đã tạo dựng nên một chuyện phim với nhiều đối thoại sâu sắc về hôn nhân, gia đình, đức tin và tình dục, khi cô lái xe chở những người khác nhau.

Phim được chia ra thành 10 phân cảnh. Mỗi phân cảnh chứa đựng một cuộc đối thoại giữa nữ tài xế (nữ diễn viên Mania Akbari) và người hành khách mà cô chở. Những hành khách của cô có con trai ruột, em gái ruột, một cô dâu, một gái làng chơi, một người phụ nữ đang đi tới nhà thờ.

“Waltz With Bashir” (2008) đứng thứ 72/100

Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 - Trailer “Waltz With Bashir” (2008)

“Waltz With Bashir” là một bộ phim hoạt hình mang phong cách phim tài liệu chiến tranh của điện ảnh Israel, được biên kịch, sản xuất và đạo diễn bởi Ari Folman. Bộ phim kể về một người đàn ông đi tìm lại những ký ức đã bị quên lãng của mình khi còn là một người lính. Phim từng công chiếu tại LHP Cannes và tranh tài ở hạng mục Cành Cọ Vàng.

Phim thu về doanh số 11 triệu USD từ kinh phí đầu tư sản xuất 2 triệu USD. “Waltz With Bashir” đã gây tiếng vang tại nhiều giải thưởng điện ảnh, được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar.

Bộ phim nói về chính những trải nghiệm của đạo diễn bởi trước khi đến với điện ảnh, ông từng là một người lính. Phim đề cập tới những khủng hoảng và rối loạn tinh thần xảy ra sau khi một người đi qua chiến tranh, phim mang nhiều chất tự sự.

“Capernaum” (2018) đứng thứ 71/100

Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 - “Capernaum” (2018)

Bộ phim của điện ảnh Lebanon từng ra mắt tại LHP Cannes và tranh tài ở hạng mục Cành Cọ Vàng, rồi giành được giải của ban giám khảo. Phim đã nhận được nhiều sự khen ngợi dành cho nữ đạo diễn Nadine Labaki và diễn xuất của diễn viên chính - cậu bé Zain Al Rafeea.

Bộ phim được thực hiện chân thực như thể một bộ phim tài liệu. Phim được nhiều nhà phê bình lựa chọn là một trong những phim xuất sắc nhất của năm 2018 và được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar.

“Capernaum” kể câu chuyện về Zain El Hajj, một cậu bé 12 tuổi đang sống trong những khu ổ chuột của thành phố Beirut (Lebanon).

Zain được chứng kiến nhiều cảnh đời di cư, tị nạn, trước thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, cậu bé cảm thấy khốn khổ vì không có được sự chăm sóc của cha mẹ. Bộ phim đã làm nên kỳ tích khi có kinh phí sản xuất chỉ 4 triệu USD nhưng thu về 68,6 triệu USD, trở thành bộ phim của điện ảnh Trung Đông đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại.

“Gangs of Wasseypur” (2012) đứng thứ 59/100

Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 - “Gangs of Wasseypur” (2012)

Bộ phim làm về đề tài tội phạm của điện ảnh Ấn Độ do đạo diễn Anurag Kashyap dàn dựng. Đây là phần đầu trong hai phần phim cùng tên, kể về cuộc đấu đá tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng của 3 gia đình mafia xuyên suốt nửa thế kỷ. Dù bộ phim được chia ra thành 2 phần nhưng kỳ thực ban đầu đây là một bộ phim liền mạch với tổng thời lượng 319 phút.

Không rạp chiếu nào chấp nhận chiếu bộ phim dài 5 tiếng nên phim phải chia ra thành 2 phần. Dù vậy, toàn bộ phim đã được công chiếu tại LHP Cannes và một số liên hoan khác. Phần 1 của phim nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình, nhận về nhiều giải thưởng. Bộ phim thường được giới phê bình quốc tế gọi là “The Godfather của Ấn Độ”.

“Crouching Tiger, Hidden Dragon” (Ngọa hổ tàng long - 2000) đứng thứ 51/100

Những phim Châu Á góp mặt trong 100 phim xuất sắc nhất thế kỷ 21 - “Crouching Tiger, Hidden Dragon” (2000)

Bộ phim võ hiệp của đạo diễn Lý An đã chinh phục người xem điện ảnh phương Tây với những thước phim võ thuật tuyệt đẹp. Trước đó, fan phim phương Tây vốn chưa xem nhiều phim võ hiệp và chưa có hiểu biết về thể loại này.

“Ngọa hổ tàng long” có kinh phí đầu tư 17 triệu USD và thu về từ phòng vé quốc tế 213,5 triệu USD, trở thành một hiện tượng thành công bất ngờ của dòng phim võ hiệp. Phim thu về từ thị trường Mỹ 128 triệu USD và trở thành phim nói tiếng nước ngoài được sản xuất bên ngoài nước Mỹ có thành công lớn nhất tại phòng vé Mỹ.

“Ngọa hổ tàng long” là một thành công ngoạn mục xét cả về mặt nghệ thuật và thương mại. Phim nhận về hơn 40 giải thưởng điện ảnh. Đặc biệt tại giải Oscar, phim được đề cử ở 10 hạng mục và giành về giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Phim nắm giữ kỷ lục là phim nói tiếng nước ngoài nhận được nhiều đề cử nhất tại giải Oscar.

Cho tới giờ “Ngọa hổ tàng long” vẫn được xem là một phim có tầm ảnh hưởng với những ghi nhận dành cho cách triển khai chuyện phim, đạo diễn, cách quay phim và các cảnh võ thuật.

(Còn tiếp)

Bích Ngọc

Theo The Guardian