Những phát hiện độc đáo về nghi lễ kéo co ở đồng bằng Bắc Bộ

(Dân trí) - Nghi lễ kéo co của Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc không đơn thuần là nghi lễ mang tính tâm linh mà còn chứa đựng rất nhiều nét văn hoá độc đáo, không phải người Việt nào cũng biết.

Kéo co ngồi và kéo mỏ ở Hà Nội

Kéo co ngồi Long Biên diễn ra nhân dịp hội đền Trấn Vũ ngày 3/3 âm lịch hàng năm tại thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Truyền thuyết về kéo co ngồi được các cụ cao niên kể rằng, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng ở nghè Đằng Đông thuộc xóm (gọi là mạn) Đìa còn nước. Trai của mạn Đường và mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước về dùng. Trai mạn Đìa sợ hết nước nên ngăn không cho lấy. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước. Giằng co nhau, có khi đứt cả dây quang. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Một cảnh kéo co ngồi ở Thạch Bàn, Long Biên. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa
Một cảnh kéo co ngồi ở Thạch Bàn, Long Biên. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa

Trước lễ hội, người dân làng Ngọc Trì đã chuẩn bị tuyển lựa người kéo co. Tiêu chuẩn đầu tiên để được lựa chọn là gia đình có năm đời sinh sống ở làng trở lên và có nền nếp, gia giáo chuẩn mực. Ngọc Trì có ba mạn: mạn Đường, mạn Đìa, mạn Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện. Đến ngày hội làng, các mạn dâng lễ vật lên Thánh tại đền Trấn Vũ rồi mới bước vào thi đấu. Khi kéo co chia làm 2 mạn: mạn Chợ và mạn Đường. Trai kéo co mỗi mạn phải đủ 24 người và một Tổng cờ. Trai kéo co đóng khố điều, chít khăn điều. Tổng cờ mặc áo đỏ, đội khăn đỏ. Sau khi lễ Thánh xong, hai phe bắt đầu tiến hành kéo co.

Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột. Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi. Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của song. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô “í a, kéo”. Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của phe mình vừa để làm hiệu khi nào kéo, khi nào nghỉ, vừa để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội kéo.

Điểm độc đáo là mặc dù mỗi mạn có một đội kéo co, song dù là người dân ở mạn nào cũng đều mong đội mạn Đường thắng. Vì họ quan niệm mạn Đường (cộng đồng cốt lõi về trồng trọt) mà thắng nghĩa là năm đó dân làng làm ăn rất tốt, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh... Riêng mạn Đìa không được phép thắng bởi người ta cho rằng đó là điềm không may.

Xưa kia nghi lễ kéo co thường được tổ chức tại ngôi đình thờ thần Linh Lang nhưng do đình sụp đổ nên nhân dân chuyển ngai, bài vị Linh Lang về thờ chung trong đền Trấn Vũ và trò kéo co ngồi cũng được đưa về thực hiện trong lễ hội của đền.

Kéo mỏ ở Sóc Sơn là một trong bốn trò diễn mang tính nghi lễ trong hội đền Vua Bà (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu) tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng Âm lịch để cầu mong mùa màng bội thu. Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng nghi lễ kéo mỏ gần như không bị biến đổi qua thời gian, vẫn là một hội làng mang đậm nét dân dã, tự nhiên với những tính thiêng vốn có của nó.

Theo đó, Xuân Lai có 24 xóm nhưng mỗi năm chỉ có hai xóm được tham gia kéo mỏ. Vì thế cứ 12 năm thanh niên trai tráng của một xóm mới được đến lượt mình tham gia nghĩ lễ này.

Những phát hiện độc đáo về nghi lễ kéo co ở đồng bằng Bắc Bộ - 2
Cảnh kéo mỏ ở Sóc Sơn. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cảnh kéo mỏ ở Sóc Sơn. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việc chuẩn bị cho nghi thức kéo mỏ hết sức công phu. Nghi lễ kéo mỏ được tổ chức tháng Giêng nhưng từ trong năm Ban Khánh tiết, Ban Hương lão đã phải làm công tác chuẩn bị. Người Xuân Lai chọn hai cây tre bánh tẻ đẹp, mỗi cây cao từ 7 m đến 8 m. Người được chọn đi chặt tre phải là người song toàn, gia đình đề huề con cháu. Cây tre chặt xong được nghinh về đền thờ Vua Bà để báo cáo sau đó mới “làm mỏ”. Các cụ phải tính đốt, đếm theo các chữ Thịnh, Suy, Bĩ, Thái. Đốt cuối chỉ được phép lấy chữ Thịnh hoặc chữ Thái.

Người làng thường lấy chín đốt (rơi vào chữ Thịnh). Đến đốt thứ chín tính thêm ba đốt nữa dùng để bẻ quặt mỏ lại. Chuẩn bị công phu và thi đấu đầy nhiệt huyết nhưng sau khi kết thúc chưa bao giờ các cụ tuyên bố bên thắng bên thua mà chỉ tuyên bố đồng giải. Người xem phải tự đoán ra bên thắng - bên thua.

Trong quan niệm của người dân thôn Xuân Lai, đội đứng ở hướng Nam thắng thì đại đa số là được mùa, mưa gió thuận hòa. Đội đứng ở hướng Bắc thắng thì chỉ được mùa đỗ trắng (cây đậu trắng) còn các thứ khác đều kém. Nghi thức kéo mỏ được duy trì hàng trăm năm nay, kể cả thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, điều kiện khó khăn nhưng người dân vẫn cố gắng tổ chức.

Kéo song ở Vĩnh Phúc

Nghi lễ kéo co (còn gọi kéo song) ở Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc thường được diễn ra vào 15, 16 và 17/2 âm lịch trong hội 3 làng kẻ Cánh. Trước khi thi đấu sẽ diễn ra nghi lễ lễ Thánh được thực hiện tại đình Hương Canh. Lễ vật gồm thủ lợn, bánh giầy, xôi, rượu, hoa quả, cháo se, bánh hòn. Quan viên tế gồm 14 vị được chọn theo phong tục của làng. Sau lễ tế, các đội kéo song của 3 làng vào làm lễ Thánh. Sau phần nghi lễ, các đội tập trung tại bãi kéo song. Cụ Chủ tế lấy dây song luồn qua lỗ cột trụ, chia đều khoảng cách dây và đánh dấu bằng vôi trắng.

Các làng cử ra 2 cụ cao tuổi, có chức sắc, uy tín cầm hai đầu dây kéo đi kéo lại trong khoảng 3 phút. Đây được gọi là “kéo nghi lễ.” Sau nghi thức kéo nghi lễ, “tướng, sĩ” của mỗi đội cầm cờ đuôi nheo, mặc áo đỏ, chít khăn đỏ, đứng bên phải để chỉ huy đội mình. Sau hiệu lệnh của cụ Chủ tế, từng cặp song thủ vào vị trí hố đã định sẵn. Mỗi hố 2 song thủ, hố cuối cùng 1 song thủ, 2 song thủ đứng đầu mỗi đội phải là người khỏe mạnh nhất đội gọi là “trụ song”.

Những phát hiện độc đáo về nghi lễ kéo co ở đồng bằng Bắc Bộ - 4
Kéo song ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Kéo song ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hai trụ song không ngồi trong hố mà đứng sát vào cột. Khi kéo, các song thủ dùng chân đạp thẳng vào thành hố, ngả mình ra, họ có thể ngồi hay nằm trong hố của mình hoặc cũng có thể cùng nhổm dậy để lấy lực kéo. Riêng hai trụ song khi kéo đứng một chân, một chân đạp vào cột để lấy lực giữ chắc dây, có khi họ dùng cả hai chân đạp vào cột để tăng thêm lực kéo. Sợi song bị ghì quyết liệt, kéo đi kéo lại sát lỗ cột đến mức nóng bỏng, bốc khói. Đội thắng là đội kéo được sợi song quá vạch sơn 50cm. Đội yếu khi bị kéo dây nhiều về phía bên đội mạnh, các song thủ phía cuối dây sẽ không còn dây nữa, các cụ gọi là “mất lỗ”. Đội nào mất 3 lỗ cũng coi như bị thua.

Trường hợp có đội bị kéo mất hết cả dây, các cụ gọi là thua theo kiểu xâu táo, tức là thua trắng. Khi kéo, kéo đến bao giờ có đội thắng thì mới dừng chứ không quy định thời gian kéo. Chỉ huy mỗi đội kéo là ông Trịch song. Trịch song phải là người mưu mẹo, có kinh nghiệm sử dụng quân của mình biết khi nào ghìm, khi nào kéo để đảm bảo thắng lợi.
Kết thúc hội, làng Hương Canh rước kiệu từ đình Hương Canh trở về miếu Thượng để Thánh yên vị. Dẫn đầu đoàn rước là một cờ thần, 2 lá cờ tuyết mao, 8 lá cờ trắng. Đội kéo song đi cùng đoàn rước đến miếu làm lễ tạ Thánh.

Lễ hội kéo co Bắc Ninh

Lễ hội kéo co Bắc Ninh diễn ra ở làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc.

Hội kéo co Bắc Ninh được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết hàng năm trong đó, buổi sáng là hoạt động tế lễ, buổi chiều thi kéo co. Để tổ chức lễ hội này người dân làng Hữu Chấp phải chuẩn bị từ hơn một tháng trước đó. Trước hết, người ta phải lựa chọn kỹ càng những ông Quan đám, ông Hóa và những người đi lựa chọn mua tre. Những người được chọn phải là những người đàn ông mạnh khỏe, có tuổi đời ngoài 40 tuổi, gia đình không có tang, sinh được đủ cả trai lẫn gái. Riêng những người tham gia kéo co phải từ 30 - 37 tuổi mới được tham gia.

Tre được chọn phải dài trên 20m, thân thẳng, không bị kiến, không bị sâu, không bị lợn cọ và phải của gia đình trong năm không có tang. Sau khi chọn được tre sẽ đánh dấu lại, đến ngày 30 Tết sẽ cử trai làng khỏe mạnh đi chặt mang về cạo sạch vỏ, đục lỗ rồi lồng hai chiếc đòn gánh vào để nối hai cây lại với nhau.

Keo co Bắc Ninh. Ảnh: Cinet.
Keo co Bắc Ninh. Ảnh: Cinet.

Muốn thêm sự chắc chắn, người dân lấy lạt quấn chặt chỗ nối rồi tết lạt lại thành hình ba con nhện, một con to ở giữa, hai con nhỏ ở hai đầu. Sau đó, cây kéo được treo lên trước cửa đình để thờ, chờ đến ngày khai hội.

Chiều mùng 4 Tết, sau khi hoàn thành việc tế lễ, 70 người kéo chia làm hai đội bên Đông và bên Tây, mỗi bên 35 người, bốn người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh, tất cả đều cởi trần, đóng khố, thắt lưng nhiễu điều, đầu chít khăn lụa những người còn lại bám vào thân tre chờ hiệu lệnh của các ông Hóa mà kéo.

Theo quy định từ xa xưa, các đội sẽ kéo ba keo, bên nào kéo được hai keo bên đó thắng. Đặc biệt, tới keo thứ ba thì người xem được quyền vào kéo giúp. Điều độc đáo trong trò chơi không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo quy tắc.

Theo đó, phía Đông (hướng của mặt trời mọc) thắng thì mùa màng tốt tươi, người dân khỏe mạnh, điềm tốt quanh năm… Phía Tây (hướng mặt trời lặn) thắng là không may. Vì thế, đến keo thứ ba, dân làng sẽ vào giúp bên Đông để bên Đông chiến thắng. Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của cộng đồng cư dân trồng lúa nước mang trong mình tín ngưỡng thờ thần mặt trời.

Trong những năm qua, do việc tổ chức tốn kém nên nhân dân chỉ tổ chức trò chơi kéo co hai năm một lần vào những năm chẵn, không gian lễ hội cũng phải chuyển qua vùng đất rộng trước đình chứ không còn tổ chức trong sân đình như trước.

Hà Tùng Long