Những nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật

(Dân trí) - Công chúng yêu nghệ thuật đã vinh danh họ như những nữ nghệ sỹ có đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của hội họa.

Judith Leyster

Chân dung tự họa của nữ họa sĩ Judith Leyster vẽ năm 1630.

Chân dung tự họa của nữ họa sĩ Judith Leyster vẽ năm 1630.

Judith Jans Leyster (tên thường gọi là Leister) sinh năm 1609 tại thành phố Harleem, bà là một trong ba nữ họa sĩ có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ vàng son của hội họa Hà Lan. Mặc dù không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ nhỏ tài năng của bà đã được chú ý. Bà đã được họa sĩ Frans Pietersz de Grebber, chủ một xưởng vẽ có uy tín tại Harleem trong những năm 1620 dẫn dắt và giúp bà phát huy tài năng hội họa của mình. Vào năm 1633, bà chính thức trở thành thành viên của hiệp hội mỹ thuật Harleem Guild of St Luke, và cũng là người phụ nữ thứ 2 được đăng ký tham gia hiệp hội này.

Năm 1636 bà kết hôn với đồng nghiệp là Jan Miense Molenaer, sau đó họ chuyển tới sinh sống ở Amsterdam nơi có thị trường nghệ thuật ổn định hơn. Trong khoảng thời gian 10 năm sống ở đó, họ đã có cùng nhau 5 người con nhưng chỉ 2 trong số đó còn sống khỏe mạnh tới tuổi trưởng thành. Năm 1660, họ chuyển đến thành phố Heemstede và cũng tại đây nữ họa sĩ Leyster đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 50.

Tới nay số tác phẩm còn sót lại của bà chỉ còn khoảng 20-30 bức. Hầu hết đều được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1629-1635. Bà gần như đã từ bỏ sự nghiệp sáng tác của mình sau khi kết hôn và sinh con. Duy chỉ có 2 tác phẩm nổi tiếng nhất được sáng tác sau đó là bức Tulip vẽ năm 1643 và một bức chân dung vẽ năm 1652 vốn là hình minh họa cho sách. Mặc dù rất nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ ở thời đại của bà nhưng sau khi qua đời, cái tên Leyster đã dần chìm vào quên lãng. Chỉ đến năm 1893, người ta mới lại vinh danh bà một lần nữa.

Georgia O'Keeffe

Chân dung nữ họa sĩ Georgia O'Keeffe chụp năm 1918.

Chân dung nữ họa sĩ Georgia O'Keeffe chụp năm 1918.

Georgia O’Keeffe sinh năm 1887 tại một nông trại ở bang Wisconsin, Mỹ. Từ khi còn bé tài năng hội họa của bà đã nhanh chóng được nhận ra và ủng hộ bởi nhiều giáo viên trong suốt những năm học trò của mình. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1905, O’Keeffe quyết định trở thành họa sĩ. Bà học tại Học viện Mỹ Thuật Chicago và Liên đoàn sinh viên mỹ thuật New York, nơi bà nhanh chóng nắm vững những điểm chính yếu của phương pháp thực hành, và từ đó hình thành những căn bản mô phỏng trường phái hiện thực.

Năm 1908, bà giành giải thưởng League’s William Merritt Chase với tác phẩm tranh sơn dầu Con thỏ chết và cái nồi đồng. Tuy nhiên, kể từ đó sự nghiệp sáng tác của bà trải qua nhiều bước thăng trầm cùng với những ý tưởng về phương pháp mô phỏng trường phái hiện thực. Năm 1915, bà bắt đầu với loạt tranh vẽ trừu tượng bằng chất liệu than trên giấy- một trong những đổi thay mới nhất đối với toàn bộ nền nghệ thuật nước Mỹ trong giai đoạn ấy. Tranh của bà được nhà tổ chức nghệ thuật Alfred Stieglitz đánh giá cao và cho trưng bày tại phòng tranh nổi tiếng của ông. Sau khi kết hôn với O’Keeffe, từ năm 1923 đến lúc qua đời năm 1946, Stieglitz làm việc không ngừng nghỉ và đầy hiệu quả trong việc quảng bá cho tên tuổi và tác phẩm của vợ mình. Rất sớm từ giữa thập niên 1920, khi O’Keeffee bắt đầu vẽ những bức tranh khổ to miêu tả cận cảnh hoa, một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của bà, O’Keeffe đã trở thành một trong những nghệ sĩ quan trọng và thành công nhất trong nền nghệ thuật nước Mỹ.

Frida Kahlo

Chân dung nữ họa sĩ Frida Kahlo bên cạnh một bức chân dung tự họa.

Chân dung nữ họa sĩ Frida Kahlo bên cạnh một bức chân dung tự họa.

Frida Kahlo (1907-1954) là một nữ họa sĩ người Mexico, người đã giành được danh tiếng toàn cầu với các tác phẩm hội họa mang phong cách phối màu rực rỡ với ảnh hưởng đậm nét của văn hóa bản địa Mexico cũng như những ảnh hưởng của châu Âu như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Cuộc đời của bà là một chuỗi tai ương. Mới 6 tuổi, nữ họa sĩ đã bị bệnh đậu mùa, hậu quả là cho đến cuối đời, bà phải đi khập khiễng. Trong một lần bị đâm xe, bà bị thương ở chân và vùng xương chậu, vì thế, họa sĩ tài năng đã không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Rất nhiều tác phẩm của bà là dạng chân dung trong đó biểu hiện nỗi đau của bản thân tác giả. Kahlo kết hôn với họa sĩ vẽ tranh tường người Mexico gốc Tây Ban Nha Diego Rivera và chịu nhiều hưởng về phong cách của họa sĩ này. Từ thập niên 1970, tiếng tăm của Frida Kahlo đã nhanh chóng nở rộ và bà hiện được công nhận là một trong những họa sĩ xuất chúng nhất của thế kỷ 20. Ngôi nhà "xanh" của bà tại Coyoacán, thành phố Mexico là một bảo tàng rất nổi tiếng, sau khi Kahlo mất thì bà đã trao quyền sở hữu ngôi nhà cho Diego Rivera.

Grandma Moses

Chân dung nữ họa sĩ Grandma Moses chụp năm 1953.

Chân dung nữ họa sĩ Grandma Moses chụp năm 1953.

Anna Mary Robertson Moses (1860-1961) thường được gọi là “Grandma Moses” là một nữ nghệ sĩ dân gian nổi tiếng người Mỹ. Bà chỉ bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh của mình khi bước sang tuổi 76, ở cái tuổi xưa nay hiếm sau khi bệnh viêm khớp buộc bà phải bỏ nghề chính của mình là thêu thùa. Các tác phẩm của bà thường xoay quanh chủ đề cuộc sống nông thôn và sự nghiệp hội họa cũng đến với bà một cách rất tự nhiên. Ban đầu phong cách của bà thường ít mang tính cá nhân mà khá là thực tế với những tác phẩm đầu tay là những tấm thiệp dành cho người thân trong gia đình. Trong suốt ba thập kỷ bà đã sáng tác được một lượng tranh khá đồ sộ với tổng cộng 1600 bức. Trước khi thực sự nổi tiếng, các bức tranh được bà bán với giá chỉ khoảng 2 đến 3 đô la Mỹ. Đến năm 1938, một nhà sưu tầm nghệ thuật đã vô tình phát hiện ra tài năng của bà và ngay sau đó 2 năm, nữ nghệ sĩ cao tuổi này đã có buổi triển lãm cá nhân đâu tiên tại một phòng tranh của thành phố New York. Tên tuổi của bà nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật trên toàn thế giới. Sau khi bà qua đời, các tác phẩm của bà vẫn được chào đón trong các buổi triễn lãm lưu hành trên khắp Châu Âu và Nhật Bản. Vào năm 1960, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của bà, thống đốc New York, ông Nelson Rockefeller đã tuyên bố lấy ngày này là “ngày Grandma Moses” để vinh danh những đóng góp của bà đối với nền nghệ thuật dân gian Mỹ. Tháng 11 năm 2006, bức tranh Sugaring Off (sáng tác 1943) đã trở thành tác phẩm đắt giá nhất của bà sau khi được mua với giá 1.2 triệu đô la.

Artemisia Gentileschi

Tranh tự họa của Artemisia Gentileschi vẽ trong những năm 1630.

Tranh tự họa của Artemisia Gentileschi vẽ trong những năm 1630.

Artemisia Gentileschi sinh năm 1593, tại La Mã với thiên phú về hội họa từ khi còn nhỏ. Là con gái của Orazio Gentileschi, một hoạ sĩ tài danh lẫy lừng thành Rome, Artemisia không những thừa hưởng di sản dòng máu nghệ sĩ của cha, bà còn được ông khai sáng, chỉ dẫn và huấn luyện kỹ thuật hội hoạ thật tường tận. Khi ấy, Artemisia đang sống trong một xã hội trọng nam, khinh nữ. Phụ nữ không được ghi danh vào trường hội hoạ, không được bén mảng đến các xưởng vẽ hay nơi làm việc của các tay danh họa đương thời. Artemisia không được học, đọc và viết cho tới khi trưởng thành. Bà may mắn được cha cho làm việc chung và giới thiệu bà vào thế giới màu sắc của các chuyên gia tạo hình nức tiếng. Do đó bà chịu ảnh hưởng lối vẽ của Caravaggio. Ông là một cây cọ lừng danh tại Châu Âu giai đoạn Phục Hưng.

Tuy Artemisia có những hoạ phẩm nổi tiếng, gây tranh luận cho đến bây giờ. Những hoạ phẩm Judith Beheading Holofemes, Caravaggio‘s Canonical Interpretation và Judith and her Maidservant là những tác phẩm đã đưa tên tuổi bà trở nên nổi tiếng. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được gia nhập The Accademia del Disegno năm 1616 dưới tư cách hội viên. Ðây là một vinh dự lớn lao cho bà nói riêng và cho giới phụ nữ thời ấy nói chung. Có thể nói bà là một trong những nữ họa sĩ trường phái Ba-rốc đầu tiên có ảnh hưởng lớn trong hội họa Tây phương và cho tới nay, cuộc sống đời tư của bà vẫn là một ẩn số đối với công chúng yêu nghệ thuật.

Phan Hạnh

Tổng hợp