Những người “phiêu” với ánh thiếc nghệ thuật

(Dân trí) - Một nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng của Trung Quốc lần đầu thao tác trên nền chất liệu mới lạ là thiếc đã tạo nên một bộ tượng Quan Công – Quan Âm – Tam Đa truyền thống mà sống động, đầy hơi thở đương đại. Những người “phiêu” với thiếc sẽ mang bộ sưu tập ấn tượng này tới Việt Nam.

Bộ sưu tập Celestial Blessings được giới thiệu tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 10/9 vừa qua. Bộ sưu tập gồm những bức tượng điêu khắc về vị thánh tướng Quan Công, tượng Quan Âm và bộ tượng Tam Đa quen thuộc đối với nền văn hoá Á Đông.

Dù vậy, những nét phá cách cũng in đậm dấu ấn trong các thiết kế khi tượng Quan Âm được thể hiện trong dáng ngồi thư thái, tay phải đặt lên đầu gối phải dâng cao, chân trái buông duỗi một cách thoải mái, khác hẳn thế ngồi thiền định nghiêm trang hay thế đứng trang trọng, bao phủ thường thấy. Bức tượng phật cũng được thiết kế với tóc bới cao, một chiếc áo choàng mềm rủ bám theo bờ vai, trang sức với vòng cổ, vòng tay và núm tua của thắt lưng với từng chi tiết tỉ mỉ, tinh xảo. Từ nét biểu cảm của khuôn mặt tới đường nét mềm mại của trang phục thể hiện sự chau chuốt, kỹ xảo của nhà điêu khắc.

anh-su-dung-2-1442282580742

Tượng phật bà Quan Âm với thiết kế phá cách được chế tác thủ công tại xưởng sản xuất của Royal Selangor ở Malaysia.

Tượng Quan Công thể hiện sự kết hợp giữa triết lý sống Phương Đông với tinh thần nghệ thuật hiện đại. Chiếc đao trong tay Quan Công được cách điệu hoá với đề đao hình rồng ngậm lưỡi đao vẹt cong, sáng bóng như một mảnh trăng non. Với hình ảnh này, Quan Công trang nghiêm, oai vệ như cây tùng dũng mãnh, hiên ngang trước sức mạnh của gió tuyết. Chòm râu dài, ống tay áo lộng bay trong gió. Vẻ mạnh mẽ vừa đối lập mà lại cân bằng với những chi tiết rất mảnh, mềm mại. Hình ảnh Quan Công với phong cách cách tân trên nền quan điểm truyền thống.

Bộ tượng Tam Đa (ba ông Phúc-Lộc-Thọ) được thiết kế với dáng hình ô van, dựa trên nguyên lý của “vòng tròn vô tận” – một yếu tố cốt lõi trong văn hoá, truyền thống của Trung Quốc nói riêng và quan điểm nhân sinh nói chung của Phương Đông. Nó thể hiện vòng quay liên hoàn, không có điểm dừng theo những thay đổi, biến thiên trong nhịp điệu của tự nhiên.

Đến từ Malaysia – đất nước có truyền thống là một trong những quốc gia khai thác, chế tác thiếc hàng đầu thế giới, BENjamin Tan đã kết nối nhà điêu khắc danh tiếng Trung Quốc Xu Xiao Yong với nhà sản xuất đã tên tuổi có hơn 100 năm làm đồ gia dụng, quà tặng cao cấp Royal Selangor để tạo ra bộ sưu tập Celestial Blessings.

Từ trái qua, ông Benjamin Tan, nghệ nhân Xu Xiao Yong và Giám đốc điều hành Yong Yoon Li tại buổi ra mắt bộ sưu tập ở Thượng Hải.
Từ trái qua, ông Benjamin Tan, nghệ nhân Xu Xiao Yong và Giám đốc điều hành Yong Yoon Li tại buổi ra mắt bộ sưu tập ở Thượng Hải.

Trao đổi với PV Dân trí tại Thượng Hải, Giám đốc điều hành của Royal Selangor Yong Yoon Li cho biết, qua hơn 1 năm hợp tác với Vietinbank Gold&Jewellery để đưa các sản phẩm đồ gia dụng, trang trí, quà tặng làm từ thiếc vào Việt Nam, sự tiếp nhận rất tích cực vì những yếu tố văn hoá, truyền thống gần gũi. Yếu tố văn hoá đặc trưng của mỗi quốc gia được đặc biệt chú ý trong quy trình sản xuất sản phẩm, nhất là ở khâu thiết kế mẫu mã.

“Quan Công, Quan Âm hay ba ông Phúc-Lộc-Thọ đều gần gũi trong văn hoá phương Đông và mỗi người Việt Nam đều có thể dễ dàng nhận ra, tương tác với những tượng trang trí này trong không gian ngôi nhà, văn phòng của mình” – ông Li nói.

Cũng trong cuộc gặp, nghệ nhân Xu Xiao Yong chia sẻ, khi thiết kế mẫu tượng, câu hỏi chủ đạo đặt ra với ông là làm sao sử dụng nghệ thuật hiện đại để thể hiện tinh thần truyền thống. Xu thế hiện đại hoá nghệ thuật cũng là yêu cầu đặt ra khi mỗi người đều đang sống trong kỷ nguyên của sự đa dạng và giao thoá văn hoá sâu sắc. Thế giới giống như một ngôi làng và nghệ thuật không có biên giới khi giữa Châu Âu cũng dễ dàng gặp những bảo tàng, công trình trưng bày tượng phật bà Quan Âm tương tự như việc kiến trúc Phương Tây đã du nhập các nước Châu Á bấy lâu nay.

Nghệ nhân Xu chia sẻ về lần đầu chế tác bộ tượng điêu khắc trên chất liệu thiếc.
Nghệ nhân Xu chia sẻ về lần đầu chế tác bộ tượng điêu khắc trên chất liệu thiếc.

Kể lại quá trình chế tác khi lần đầu tiếp cận với chất liệu thiếc, ông Xu cho biết, có những khó khăn ban đầu để tìm hướng phù hợp thể hiện những hoạ tiết của sản phẩm cũng như lo ngại về việc đảm bảo chất lượng tượng so với việc điêu khắc trên gỗ nhưng sau đó nghệ nhân người Trung Quốc đã nhận ra những đặc tính độc đáo của thiếc đối với việc thực hiện những tác phẩm tượng trang trí có thiết kế tinh tế, tỉ mỉ. Thiếc là kim loại mềm, dễ dát mỏng, phù hợp cho việc tạo hình những chi tiết mềm mại, sống động, ánh trắng xám đẹp và gần như không bị oxy hoá nên qua thời gian dài trưng bày, tượng vẫn giữ nguyên vẹn những “nét tinh” như khi mới hoàn thành.

“Sự băn khoăn của tôi tan biến và tôi hoàn toàn có thể “phiêu” với mẫu chế tác của mình với thiếc, như bạn thấy đấy” – ông Xu đáp lời.

Để phù hợp với thị hiếu của khách hàng Việt, Giám đốc điều hành Yong Yoon Li cũng cho biết, các sản phầm hoàn toàn có thể mạ vàng, bạc theo yêu cầu khi Vietinbank Gold&Jewellery chính thức đưa bộ sưu tập về Việt Nam.

P.T

 

Những người “phiêu” với ánh thiếc nghệ thuật - 4