Những ngôn ngữ sắp bị “biến mất” vĩnh viễn

(Dân trí) - Giữa cuộc sống hội nhập toàn cầu, tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới. Và nhân loại còn có những thứ tiếng chỉ còn vài người sử dụng.

Tiếng Lemerig

Những ngôn ngữ sắp bị “biến mất” vĩnh viễn


Tiếng Lemerig từng được sử dụng ở hòn đảo xa xôi Vanuatu, cách bờ biển miền bắc nước Úc khoảng 1.600 km. Hiện giờ, tiếng Lemerig chỉ còn hai người duy nhất biết sử dụng một cách thành thạo. Ngôn ngữ thổ dân này đang bên bờ “tuyệt diệt”.

Trước sự phát triển và “xâm lấn” của thế giới hiện đại, giờ đây, những ngôn ngữ thổ dân như tiếng Lemerig đã mất dần. Tiếng Lemerig được phát hiện lần đầu tiên bởi một nhà ngôn ngữ học khi người này đến thăm hòn đảo Vanuatu hồi năm 2003.

Tiếng Taushiro

Những ngôn ngữ sắp bị “biến mất” vĩnh viễn


Taushiro vốn là ngôn ngữ của người dân bản địa Peru. Những người sử dụng tiếng Taushiro trước đây chủ yếu sinh sống dọc bờ sông Aguaruna. Giờ đây, chỉ còn có một người đàn ông duy nhất tên là Amadeo Garcia biết nói thứ ngôn ngữ này.

Rất may cho anh Amadeo là ngoài tiếng Taushiro, anh còn biết sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha để giao tiếp với những người xung quanh. Một bật mí thú vị là trong tiếng Taushiro, không có con số nào lớn hơn 10, vì vậy, khi bạn muốn thể hiện một con số nào đó lớn, bạn chỉ cần nói “ashintu” và chỉ vào một ngón chân.

Tiếng Chamicuro

Những ngôn ngữ sắp bị “biến mất” vĩnh viễn


Tiếng Chamicuro cũng từng được sử dụng phổ biến ở Peru. So với những ngôn ngữ sắp “tuyệt diệt” khác cùng xuất hiện ở đây, tiếng Chamicuro dường như may mắn hơn khi có 8 người vẫn còn sử dụng thứ ngôn ngữ này, tuy vậy, sớm muộn gì tiếng Chamicuro cũng sẽ biến mất vĩnh viễn vì không có đứa trẻ nào ở Peru học sử dụng thứ ngôn ngữ này.

Lo lắng trước tương lai ảm đạm của tiếng Chamicuro, 8 người nói thứ tiếng này đã cùng nhau lập ra một cuốn từ điển tiếng Chamicuro để dù sau này không còn ai nói được tiếng Chamicuro nữa thì vẫn còn có những tài liệu lưu giữ về ngôn ngữ này.

Tiếng Tanema

Những ngôn ngữ sắp bị “biến mất” vĩnh viễn


Tiếng Tanema là một trong những ngôn ngữ bản địa của người dân sinh sống tại quần đảo Solomon thuộc Châu Đại Dương. Tuy vậy, cho tới ngày nay, tiếng Tanema chỉ còn được một người duy nhất sử dụng thành thạo. Tiếng Tanema được cho là một trong những ngôn ngữ có cách phát âm kỳ lạ nhất bởi nó là ngôn ngữ tổng hợp của vài hệ ngôn ngữ khác nhau.

Những người từng sử dụng tiếng Tanema đều đã dần chuyển sang sử dụng hai thứ tiếng bản địa khác là Pijin và Teanu. Giờ đây, chỉ còn rất ít từ vựng của tiếng Tanema còn được người dân ở quần đảo Solomon sử dụng. Hai từ có nguồn gốc từ tiếng Tanema được sử dụng rộng rãi nhất cho tới hôm nay là “wekini” nghĩa là chạy và “munana” nghĩa là nằm nghỉ.

Tiếng Liki

Những ngôn ngữ sắp bị “biến mất” vĩnh viễn


Tiếng Liki hiện giờ chỉ còn được sử dụng bởi 5 người Indonesia. Ngôn ngữ này từng được sử dụng trên những hòn đảo nằm ở phía bắc đất nước Indonesia. Tiếng Liki có xuất xứ từ những nhà thờ địa phương, các giáo sĩ ở đây thường sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp với nhau và với các chức sắc tôn giáo khác.

 
Bích Ngọc
Theo ATI