Việt Nam thân thương:

Những hàng cây đi cùng năm tháng

(Dân trí) - Đi trong bóng mát của hàng sấu hai bên đường Phan Đình Phùng, hàng xà cừ lực lưỡng trên đường Hoàng Diệu, hay hàng cây sao đen cao vút trên phố Lò Đúc, đã bao giờ bạn tự hỏi về xuất xứ hay tuổi đời của chúng?

Những hàng cây hàng trăm năm tuổi ấy đã trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội bây giờ.

Trồng cây thuần Việt lên phố Tây

Năm 1873, kể từ khi bắt đầu chiếm đóng Hà Nội, người Pháp không ngừng đô thị hoá thành phố nhỏ bé xứ An Nam này. Họ rất chú trọng đến cây xanh đô thị. Ngoài việc giữ lại và phát triển vườn cây cổ thụ trong Bách Thảo, người Pháp trồng cây cối trên các đường phố theo hàng lối, loại cây rất quy củ, các vườn hoa cũng được trồng mới rất nhiều.

Những hàng cây đại diện cho mỗi con phố. Lò Đúc chót vót sao đen, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú xanh rì lá sấu, xuân tới chồi xanh bật lên nõn nà cả một dãy phố. Lý Thường Kiệt mỗi khi thu đến thì cả phố vàng rực lá cây cơm nguội, Hoàng Diệu là ba hàng xà cừ um tùm bóng mát…. Trưa hè nắng như trút lửa, nhưng đi dưới những tán cây ấy, ai cũng thấy mát mẻ, dễ chịu.

Một góc phố Hoàng Diệu hôm nay

Một góc phố Hoàng Diệu hôm nay

Thế kỷ 19, Phố Phan Đình Phùng nguyên là dãy hào chạy mé ngoài bức tường phía Bắc của thành Thăng Long. Thời Pháp, đây là đại lộ Boulevard Carnot, sau 1945 mới đổi thành tên phố Phan Đình Phùng (một chí sĩ yêu nước chống Pháp) như bây giờ. Hàng trăm năm trôi qua, những cây sấu già im lìm chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Tán cây cứ dầy mãi lên, nhiều đoạn nắng không xuyên đến mặt đất. Phan Đình Phùng trở thành một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà Nội.

Không biết thời ấy ai là người đề xuất trồng sấu trên các phố lớn Hà Nội, chỉ biết rằng người Pháp đã quá tinh ý khi chọn giống cây thuần Việt này trồng hai bên các con phố khi ấy. Sấu lớn chậm nên ít phải cắt tỉa cành, xanh tốt quanh năm, không bị sâu hại. Người Pháp đã trồng sấu rất nhiều trên những con đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo... Từ một giống cây hết sức bình dân, phổ biến nhiều ở đồng bằng Bắc bộ, nhưng qua con mắt tinh đời của thực dân, sấu biến những đường phố trở nên cổ kính, đẹp đến mê hoặc. Có ai không nao lòng khi đi qua con đường trải đầy lá vàng lóng lánh sau cơn mưa rào bất chợt, ai không xao xuyến khi đứng dưới gốc cây sấu già trú mưa đêm, nhìn lên tán lá chỉ thấy những hạt mưa rơi xuyên đều qua ánh đèn đường vàng vọt… Tất cả những hình ảnh ấy đã đi vào ký ức không thể phai nhoà của người yêu Hà Nội.

Trăm năm còn lại chút này

Ai đi qua phố Lò Đúc cũng thấy hàng sao đen cao vút đến 15- 20m. thân đen đúa, khẳng khiu, mọc đều tăm tắp. Đi giữa hai hàng cây bách niên, bạn bỗng thấy như lạc vào quá khứ, như sống trong cái buổi hừng hực khí thế ra mắt đội Quyết tử quân ở Cây đa Nhà Bò năm nào (1946). Ai sống ở đây mà không thấy lòng xốn xang khi đi qua nhà hộ sinh B (hộ sinh Cây Đa Nhà Bò), tất cả những ký ức về một thời Hà Nội xưa đã ăn vào máu thịt, vào tiềm thức của họ.

Thời Pháp, phố Lò Đúc có tên là Avenue Armand Rousseau. Nhưng cho đến bây giờ, giới trẻ hầu như không biết gì nhiều về một con phố mang cái tên Tây rất dài. Lịch sử của Lò Đúc gắn với hàng sao đen và câu chuyện kỳ thú như thế.

Ông Nguyễn Trung Thành trú ở ngõ Cẩm Hội- Lò Đúc là người nắm được khá nhiều thông tin về con phố đặc biệt này. Năm nay đã thất thập, sinh ra ở đây, ông Thành luôn nhớ về quá khứ với tất cả niềm tự hào của một ông già đã sống qua bao cuộc tao loạn.

Một góc phố Lò Đúc năm xưa

Một góc phố Lò Đúc năm xưa

Ông Thành kể, sao đen ở đây được người Pháp trồng vào đầu thế kỷ 20. Thân cây thẳng tắp, cao vút, lá xanh, bốn mùa rợp bóng mát và khi đó được trồng duy nhất trên phố Lò Đúc. Xưa kia phố có tên Tây dài, nhưng người ta thì gọi đây là phố chim, bởi từ khi cây lớn lên, chim muông không biết ở những đâu kéo về làm tổ trắng cả một dãy phố. Ông Thành kể: “Ngày chúng tôi còn bé, sáng ra là thường chạy ra phố, mang theo cái rá con hoặc cái vỏ lon sữa bò, đi quanh các gốc cây nhặt nhạnh cá nhỏ để về cho mèo ăn. Cò diệc từ những đâu đi kiếm mồi mang về nuôi con, rơi xuống đầy gốc. Ngước nhìn lên chỉ thấy các loại cò đậu chi chít cành, kêu chí choé. Trẻ con thích lắm nhưng không đứa nào dám trèo lên bắt vì cây rất cao và thẳng tăm tắp”. Ngày đó, người ta gọi phố Lò Đúc là phố “cò ỉa”, bởi cò nhiều quá, phân trắng gốc…

Những người Hà Nội cũ như ông Thành, đến giờ vẫn giữ nguyên cho mình một hình ảnh về con phố trắng xoá chim muông. Đến bây giờ thì những hình ảnh đó chỉ còn trong hoài niệm. Mỹ bắn phá Hà Nội, cò vạc bỏ đi hết, chúng không bao giờ quay trở lại nữa. Trở về để thấy hàng sao đen vẫn lừng lững giữa trời, bao nhiêu chuyển biến, thăng trầm, cây đa Nhà Bò vẫn um tùm bóng mát, dù rằng chim muông không kéo đến hàng đàn như xưa nữa.

Hàng sao đen ở Lò Đúc nay đã già cỗi. Nhiều cây tự chết, cũng có cây bị những kẻ tầm thường cơm áo bức tử, hoặc chặt trộm, hoặc dùng thủ đoạn ép cho chết dần mòn, những “cụ cây” vẫn im lìm lặng lẽ. Bây giờ Lò Đúc không còn là phố duy nhất trồng sao đen nữa, nhưng trăm năm còn lại chút này, mấy chục cây sao đen ở Lò Đúc bây giờ như những chứng tích sống về phố Hà Nội, người Hà Nội một thời. Giá trị của những hàng cây đi cùng năm tháng như thế, có lẽ không thước đo nào đánh giá được.

Bảo Trung