Những điều 9x chưa từng biết về Tết

Đã bao đời nay, Tết luôn là sự kiện được mong đợi nhất và không thể nào thiếu vắng của dân tộc Việt. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu vẫn luôn hướng về nguồn cội và truyền thống. Tết là dịp để nhà nhà quây quần bên nhau, trao tặng những lời chúc chân thành, ấm áp. Nhưng liệu Tết nay có còn giống Tết xưa?

Thực trạng Tết Việt hiện nay

Trong những ngày cận kề Tết, nhiều người trong chúng ta không khỏi xót xa cho những hoàn cảnh khó khăn bắt gặp đâu đó trên đường phố. Đó là những người nhặt ve chai xuyên đêm, người quét rác miệt mài đến tận khuya, người bán hàng rong lướt đi trong đêm đông rét mướt khiến ta không khỏi chạnh lòng. Dù Tết đã cận kề, nhưng những người lao động tha hương vẫn cật lực mưu sinh để kiếm tiền về lo cái Tết, về đoàn tụ gia đình.

Ngược lại có nhiều người có điều kiện đầy đủ để sum vầy bên gia đình nhưng họ lại chọn tận dụng những ngày nghỉ dài để đi du lịch, thư giãn. Không còn nữa chuyện sum vầy ngày Tết, cũng chẳng còn chuyện cả nhà kéo nhau sang chúc Tết họ hàng quyến thuộc. Tết giờ đây chỉ còn cái “vỏ” với mai đào, bánh mứt… còn “linh hồn” Tết thật sự đã chẳng còn vẹn nguyên trước những chuyển dời của nhịp sống hiện đại.

Những hình ảnh Tết quen thuộc giờ trở thành xa xỉ
Những hình ảnh Tết quen thuộc giờ trở thành xa xỉ

 

Cuộc sống thay đổi từng ngày, hương vị Tết trong mỗi gia đình ngày nay cũng vì thế mà thay đổi. Chẳng hạn như cuộc “chia tay cuối năm” với ông Táo đã được giản lược đi rất nhiều, lũ trẻ 9X lớn lên giữa thời đại mới cũng chẳng được hưởng niềm vui trong trẻo được tự tay thả cá chép xuống sông để chú hóa rồng đưa Táo quân về trời.

Tết nay ngày càng được “tiện lợi hoá” khi chỉ cần một cú nhấp chuột là nhà cửa được dọn đẹp sạch bóng, chỉ vài tiếng vòng vèo ngoài đường là đã có cái Tết “tàm tạm” với bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, giò lụa, bánh mứt kẹo, mâm ngũ quả, thậm chí những tấm thiệp điện tử hay gọi điện thoại chúc Tết họ hàng bạn bè đã trở thành “phong tục” phổ biến của thời đại internet “sống nhanh sống vội”.

Cha mẹ nghĩ khác, chúng ta nghĩ khác

Nhiều người trẻ cho rằng, Tết là thời gian họ dành cho mình cơ hội được trải nghiệm những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, hoặc đơn giản là cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập, làm việc vất vả.

Nhiều người chọn cách du lịch để… trốn Tết
Nhiều người chọn cách du lịch để… trốn Tết

 

Bạn H.Khoa (25 tuổi - Hà Nội) tuy chỉ cách nhà 100km nhưng vẫn chọn cách đi du lịch mà không về nhà. H.Khoa chia sẻ về quyết định của mình: “Năm nào Tết cũng vậy, đi chúc Tết hết người này đến người kia, nghe những câu hỏi năm nào cũng hỏi, năm nay tôi đi du lịch xa nhà để… trốn Tết”. Còn bạn Nhung An (21 tuổi – TPHCM) thì cho biết, “Năm cuối nên mình muốn đi chơi Tết với các bạn hơn là ở nhà, anh chị em mình ai cũng đi du lịch hết, chỉ có ba mẹ là ở nhà đón Tết thôi”.

Thật vậy! chúng ta dễ dàng nhận ra, trong những ngày nghỉ Tết, nhiều công ty du lịch “ăn nên làm ra” với việc bán các tour nội địa và trong nước cho những người “trốn Tết” như bạn H.Khoa ở trên. Nhưng với người lớn, tư tưởng Tết truyền thống vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm thức. Ông Hoàng (60 tuổi – TPHCM) cho biết: “Tết là thời gian để cầu mong bình an đến với gia đình trong năm mới, đồng thời cũng là dịp để lắng nghe và chia sẻ với thế hệ trẻ những câu chuyện chân thật và ý nghĩa về Tết, để Tết Việt thực sự Tết hơn, vui hơn”.

Khác biệt trong suy nghĩ giữa hai thế hệ là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên điều quan trọng nhất để cảm thấy Tết lúc nào cũng ý nghĩa dù xưa hay nay chính là hướng đến những tình cảm gia đình và bằng hữu tốt đẹp, trân trọng từng khoảnh khắc sum vầy để Tết nào cũng là cái Tết đáng nhớ!

Một năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới, mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra. Hãy cùng Saigon Special lắng nghe và chia sẻ thêm những kỉ niệm đáng nhớ về một cái Tết sum họp đủ đầy, trọn vẹn niềm vui tại đây.

Vũ Phong