Những bộ phim “bọc đường” ở Triều Tiên

(Dân trí) - Trong phim Triều Tiên, người ta thấy những nhân vật vui vẻ, hoạt bát và… béo tốt. Họ làm việc trong hầm mỏ, ngoài công trường, luôn cười đùa, tếu táo. Họ có thể đang phải cõng trên lưng cả chồng gạch nhưng nụ cười vẫn lấp lánh trên môi…

Những bộ phim “bọc đường” ở Triều Tiên


Mới đây, hãng tin BBC của Anh vừa đăng tải một bài viết bình luận về những bộ phim của Triều Tiên, họ gọi đó là những bộ phim “bọc đường”.

Trong đó, bộ phim điện ảnh “Comrade Kim Goes Flying” (Đồng chí Kim bay lên) là một trong những ví dụ dẫn chứng được đưa ra. Đây là một bộ phim điện ảnh hiếm hoi của Triều Tiên được đem giới thiệu với công chúng thế giới.

Trong phim, người ta thấy những nhân vật vui vẻ, hoạt bát và… béo tốt. Họ làm việc trong hầm mỏ, ngoài công trường, luôn cười đùa, tếu táo. Họ có thể phải lao động vất vả nhưng nụ cười luôn lấp lánh trên môi…

“Đồng chí Kim bay lên” là một bộ phim hợp tác giữa Anh - Bỉ - Triều Tiên, kể về câu chuyện của một cô gái có tên Kim Yong Mi, một công nhân mỏ trẻ trung, xinh đẹp, ước mơ trở thành nghệ sĩ xiếc nhào lộn. Vượt qua mọi khó khăn, đồng chí Kim đã thực hiện được ước mơ.

Một bộ phim có nội dung giản dị như vậy nhưng “Đồng chí Kim bay lên” được coi là chứa đựng nhiều yếu tố mới lạ so với những phim Triều Tiên từng sản xuất trước đây. Yếu tố mới lạ nhất chính là nhân vật nữ chính kiên trì theo đuổi ước mơ không phải vì ai khác mà vì chính bản thân mình.

Hay như trong bộ phim “Urban Girl Comes to Get Married” (Cô gái thành thị đi lấy chồng - 1993), một cô gái làm nghề thiết kế thời trang đi về vùng nông thôn để có thêm thực tế, cô bất ngờ yêu một anh nuôi vịt vụng về, từ đó, cô từ bỏ những áo quần xa hoa, phù phiếm, để có thể trở nên giản dị, hòa đồng, cô lao động cần cù và tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình trong cuộc sống cần lao.

Nếu so với hai bộ phim kể trên thì “Đồng chí Kim bay lên” xứng đáng được coi là một sự đột phá của điện ảnh Triều Tiên.

“Đối với khán giả Triều Tiên, đây là lần đầu tiên họ được thấy một cô gái đặt ham muốn cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Làm một bộ phim mà không hề đề cập gì tới các vị lãnh đạo cấp cao, không tuyên huấn, tuyên truyền, đó là một giới hạn thứ hai mà Đồng chí Kim bay lên đã thực hiện được”, đạo diễn Brit Nick Bonner của Anh chia sẻ (ông là một trong 3 vị đạo diễn được tham gia hợp tác sản xuất bộ phim Triều Tiên này).

Xem phim là để “học tập và tiến bộ”

Những bộ phim “bọc đường” ở Triều Tiên


Ở Triều Tiên, điện ảnh từ lâu đã là một công cụ phục vụ tuyên truyền. Nhà làm phim người Úc Anna Broinowski đã từng được có cơ hội thâm nhập vào giới làm phim Triều Tiên để thực hiện bộ phim tài liệu “Aim High in Creation!” (Đặt mục tiêu cao về sáng tạo - 2013), Broinowski chia sẻ rằng: “Tiêu đề của bộ phim - Đặt mục tiêu cao về sáng tạo - được dịch ra từ cương lĩnh phát triển lĩnh vực điện ảnh mà cố Chủ tịch Kim Jong-il từng vạch ra”.

Điện ảnh Triều Tiên đã trải qua thời kỳ hoàng kim ở thập niên 1970-1980, khi đó mỗi năm nền điện ảnh nước này cho ra khoảng 30-40 phim.

Kẻ thù của quốc gia

Những bộ phim “bọc đường” ở Triều Tiên


Trên tất cả, phim Triều Tiên phải có sự xuất hiện của “kẻ thù”. “Kẻ thù” luôn là những thế lực bên ngoài rất ngốc nghếch, nực cười và đảm bảo sẽ “tự mình giết mình” bởi sự ngạo mạn, hiếu thắng.

Cho đến nay, “Đồng chí Kim bay lên” vẫn là một bộ phim mang tính “hiện tượng” không chỉ tại Triều Tiên mà còn đối với công chúng thế giới. Kể từ khi phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng năm 2012, tới nay nó vẫn được chiếu tại nhiều nước trên thế giới, thu về doanh số 1,2 triệu đô la.

Ở quê hương Triều Tiên, “Đồng chí Kim bay lên” vẫn tiếp tục “công phá” các phòng vé và trở thành bộ phim gây sốt nhất trong những năm gần đây. Tuy vậy, việc “Đồng chí Kim bay lên” liệu có phản ánh một sự đổi thay tư duy trong nền điện ảnh Triều Tiên hay không vẫn còn cần thời gian trả lời.

Bích Ngọc
Theo BBC