Những bìa báo gây sốc từng bị chỉ trích dữ dội

(Dân trí)- Bức ảnh đăng bìa có sức nặng, kịch tính hoặc… gây sốc được coi là lựa chọn hoàn hảo để bán báo, nhưng, hệ lụy của nó là sự mạo hiểm khôn lường. Những bìa báo dưới dây đã hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ dư luận chỉ vì thích... mạo hiểm.

Bìa báo là hình ảnh đầu tiên đến với người đọc nên rất được quan tâm đầu tư. Tìm ra một hình minh họa ấn tượng cho bìa báo là một nhiệm vụ khó khăn và rất dễ "gặp tai nạn". Những bìa báo dưới đây là một vài minh chứng cho những “sơ sẩy” của ban biên tập các tờ báo giấy.

Tờ Time, số ra ngày 2/1/1939: Adolf Hitler là “Người đàn ông của năm”

Những bìa báo mạo hiểm gây tranh cãi


Tạp chí Time có lẽ đã cố gắng thể hiện tính công bằng của báo chí khi ghi nhận Hitler là một người “dù gây ra nhiều hậu quả khủng khiếp nhưng là nhân vật quan trọng đưa tới những sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong năm 1938”.

Hitler đã khiến 3 vị chính trị gia của 3 nước Châu Âu là Anh, Pháp, Ý phải cùng ngồi xuống để thống nhất lại về đường biên giới của các quốc gia tại Châu Âu trong năm 1938. Kẻ độc tài Phát xít còn tiến hành xâm lược Ba Lan, khơi mào Thế chiến II và thực hiện những chương trình khủng bố, tiêu diệt người Do Thái.

Tạp chí Time bị phản ứng dữ dội khi đưa hình ảnh Hitler là- “Người đàn ông của năm 1938”.
 
Tờ National Lampoon, số ra tháng 1/1973: “Nếu bạn không mua tờ tạp chí này, chúng tôi sẽ giết chú chó”
 

Những bìa báo mạo hiểm gây tranh cãi


Đa số mọi người sẽ cười và thấy bức ảnh này thật ngộ nghĩnh nhưng nó lại khiến những nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền lợi của động vật và những người yêu chó cảm thấy khó chịu bởi bìa báo này chẳng khác nào tuyên truyền, cổ động cho thái độ và cách đối xử độc ác đối với động vật.

Tạp chí Time, số ra ngày 27/6/1994: O.J. Simpson – Một bi kịch của nước Mỹ

Những bìa báo mạo hiểm gây tranh cãi


Đây là một trong những vụ án được quan tâm nhất trong lịch sử tội phạm Mỹ hồi thập niên 1990, trong đó cầu thủ chuyên nghiệp kiêm diễn viên O.J. Simpson lại chính là kẻ giết người. Nạn nhân là vợ của Simpson và một người bạn trai của cô.

Một vấn đề nhạy cảm khi đó là hai nạn nhân đều là người da trắng còn kẻ thủ ác là người da đen, điều này đã từng gây ra hệ lụy không mong muốn trong dư luận xã hội Mỹ lúc đó – sự phân biệt chủng tộc.

Tờ TIME như đã khoét sâu hơn vào vấn đề này khi tấm hình minh họa của họ đã được xử lý để màu da của Simpson trở nên tối hơn nhiều và bức hình cũng mang đầy vẻ đe dọa.

Tờ The Economist, số ra ngày 10/9/1994: “Rắc rối của việc sáp nhập”

Những bìa báo mạo hiểm gây tranh cãi


Đây là một hình minh họa hài hước nhưng lại bộc lộ sự thô thiển không thể chối cãi. Hình ảnh hai con lạc đà đang… làm tình được dùng để minh họa cho quá trình các doanh nghiệp sáp nhập. Bìa báo đã khiến người đọc rất khó chịu và lên tiếng phản đối.

Tờ Vogue, số ra tháng 4/2008: LeBron James và Giselle Bundchen

Những bìa báo mạo hiểm gây tranh cãi


Dù rằng tờ Vogue có mục đích tốt đẹp là khuyến khích người đọc hãy quan tâm tới tình trạng sức khỏe của bản thân. Họ nhấn mạnh thông điệp này bằng cách khắc họa thân hình khỏe khoắn, săn chắc của những người nổi tiếng nhưng hình bìa này lại gây ra những tranh cãi không ngờ.

Hình ảnh cầu thủ bóng rổ LeBron James “nhe nanh” bên người mẫu Giselle Bundchen khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh trong phim “King Kong” (2005). Ngoài ra cũng phải nói thêm rằng biệt danh của cầu thủ LeBron James ngoài đời cũng chính là “King Kong”.

Hình minh họa này đã khiến những nhà hoạt động xã hội thấy đó là một sự xúc phạm, gợi ra sự phân biệt chủng tộc và gợi nhớ lại một quan niệm sai lệch trước đây rằng những người đàn ông da đen là mối đe dọa đối với những phụ nữ da trắng.

Tạp chí Time, số ra ngày 21/5/2012: Nuôi con bằng sữa mẹ?

Những bìa báo mạo hiểm gây tranh cãi


Để bán được báo giấy trong thời đại báo mạng, yếu tố gây sốc là một trong những tiêu chí được quan tâm. Hình minh họa này chắc chắn gây sốc nhưng nó không phù hợp thậm chí quá tục tĩu để dùng làm ảnh bìa.

Số báo này sau khi ra mắt đã khiến nhiều bậc phụ huynh cùng các nhà giáo dục lên tiếng phản đối bởi tính chất khiêu khích của nó. Thực chất bức hình này hoàn toàn vô nghĩa so với chủ đề mà nó đề cập tới - việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng như những vấn đề xung quanh việc làm cha mẹ.

 
Pi Uy
Theo Policy Mic & NY Daily News