Nhộn nhịp Tết Thanh minh

(Dân trí) - Những ngày qua, người dân Sóc Trăng, Bạc Liêu tất bật đón Tết Thanh minh trong không khí sôi nổi, ấm cúng. Đây được xem như là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần mà người dân lưu giữ được.

Ông Hà Chí Quý (một người dân ở TP Sóc Trăng) cho biết: Trước ngày cúng Thanh minh, hầu như con cháu của cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng, dù đang sinh sống, làm việc ở đâu cũng thu xếp công việc để về quê cùng gia đình cúng Thanh minh, cúng tổ tiên của mình. Thậm chí, nhiều người đang định cư ở nước ngoài cũng chọn dịp này mới về nước, trước là thăm quê, sau đó là được cúng Thanh minh.

Thanh minh là lễ tết hằng năm trong đời sống văn hóa của người Á Đông, phát xuất từ Trung Quốc. Thanh minh có nguồn gốc từ thời Xuân thu, vốn là ngày lễ của người Hán. Tiết Thanh minh tiếng cổ còn gọi là Tết Tam nguyệt, là một trong 24 tiết theo quan niệm của người Trung Quốc. Theo âm lịch, Thanh minh thường rơi vào ngày đầu tháng 3, còn theo Dương lịch thì đúng vào ngày 5/4 (giống như Đông Chí vào ngày 22/12).

Đông đảo người dân đổ về các khu nghĩa địa cúng Tết Thanh minh
Đông đảo người dân đổ về các khu nghĩa địa cúng Tết Thanh minh.

Ở thành phố Sóc Trăng có 3 nghĩa địa nhộn nhịp nhất là nghĩa địa Triều Châu thuộc phường 5, nghĩa địa Phúc Kiến và Quảng Đông nằm ở phường 3. Những ngày này, ở các nghĩa địa trên luôn tấp nập người đến cúng Thanh minh khiến cho nhiều tuyến đường trở nên chật chội, còn bên trong nghĩa địa thì dòng người nô nức như trẩy hội.

Thanh minh còn là dịp để mọi người nhớ ơn công lao của tổ tiên, ông bà thể hiện tính nhân văn của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngay từ nhỏ, trẻ con đã được cha mẹ cho đi theo lên mộ cúng để biết mộ gia tiên. Người lớn kể cho con cháu nghe công lao của người đã khuất. Đây cũng là cách giáo dục trẻ em về lòng hiếu thảo và tình yêu gia tộc rất thiết thực.

Quét vôi...
Quét vôi...

...và dán giấy cho mồ mã thêm mới, có màu sắc hơn.
...và dán giấy cho mồ mã thêm mới, có màu sắc hơn.

Trước ngày cúng, mọi người trong gia đình nhổ cỏ, đắp thêm đất hay quét vôi các ngôi mộ cho sạch, đẹp và mới hơn. Đến ngày cúng, mọi thành viên trong gia đình chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như: nhang, đèn, giấy tiền vàng bạc, giấy dán mã đủ màu sắc, heo quay, gà vịt quay, bánh xôi vị, bánh bò, trái cây, rượu, trà,...rồi cùng ra nghĩa địa cúng.

Các em nhỏ cũng tất bật trang trí cho ngôi nhà của tổ tiên.
Các em nhỏ cũng tất bật trang trí cho "ngôi nhà" của tổ tiên.

Đến mộ, lễ vật cúng được bày biện trước mộ, các thành viên trong gia đình thắp hương rồi dùng giấy vàng mã đủ màu sắc dán lên các ngôi mộ mà theo quan niệm của bà con là để lợp lại nhà cho các ngôi mộ được mới hơn với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên hay cầu nguyện người đã khuất phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt,.... khiến cho tất cả các ngôi mộ có thêm nhiều màu sắc. Không chỉ đốt hương cho mộ của người thân trong gia đình, bà con còn đốt hương cho những ngôi mộ vắng chủ và những ngôi mộ nằm xung quanh.

Một gia đình đang cúng thanh minh.
Một gia đình đang cúng thanh minh.

Tại tỉnh Bạc Liêu, mấy ngày qua, người dân ở các vùng nông thôn cũng tất bật cúng Thanh minh. Dù tiết trời năm nay khá nóng nhưng nhiều người vẫn đổ về các khu nghĩa địa để chỉnh trang lại mộ người thân. Họ mang đến nhiều đồ vật để cúng và cầu mong những người đã khuất phù hộ cho gia đình làm ăn thuận lợi, cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. 

Cao Xuân Lương - Huỳnh Hải