“Nhìn mặt mà bắt hình dong” là… có cơ sở

(Dân trí) - Cho dù chúng ta tưởng rằng mình không thể hiện điều gì, thì chỉ riêng những gì hiện diện trên gương mặt ta thôi, đã phản ánh và tiết lộ những trải nghiệm cuộc sống ta từng có.

Một nghiên cứu mới được công bố bởi các chuyên gia tâm lý học xã hội đã kết luận rằng chúng ta có thể nhận ra một người có khả năng kinh tế vững vàng hay không, chỉ đơn giản qua cách quan sát gương mặt họ.

“Mối tương quan giữa chất lượng đời sống và diện mạo con người đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu trước đây. Theo đó, sự khác biệt về diện mạo thực sự phản ánh sự khác biệt về chất lượng cuộc sống của mỗi người”, chuyên gia tâm lý học người Canada - R. Thora Bjornsdottir, người đứng đầu nghiên cứu, vừa chia sẻ trong chuyên mục kiến thức tài chính “Make It” của đài CNBC (Mỹ).

“Nhìn mặt mà bắt hình dong” là… có cơ sở - 1

Nhìn chung, những người có điều kiện kinh tế vững vàng sẽ có khả năng sống vui vẻ hơn, giảm bớt lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống. Điều mà chuyên gia tâm lý R. Thora Bjornsdottir và các cộng sự muốn chứng minh trong nghiên cứu của mình, đó là sự khác biệt về khả năng kinh tế thực sự phản ánh ngay trên chính gương mặt mỗi người.

Bjornsdottir và các cộng sự mời những người tham gia thí nghiệm xem ảnh chân dung đen trắng của 80 người đàn ông và 80 người phụ nữ. Một nửa số người xuất hiện trong ảnh kiếm được hơn 150.000 USD/năm (3,4 tỷ đồng) và được cho là sở hữu chất lượng cuộc sống tốt.

Một nửa còn lại kiếm được dưới 35.000 USD/năm (gần 800 triệu đồng) và là những người lao động trung lưu trong xã hội Mỹ. Khi những người tham gia khảo sát được yêu cầu đoán xem người trong ảnh thuộc nhóm thu nhập nào, họ đã đoán đúng trung bình 68%.

Chuyên gia tâm lý Bjornsdottir chia sẻ: “Những người tham gia khảo sát không thực sự biết điều gì khiến họ đưa ra được những phân loại đó”.

“Nhìn mặt mà bắt hình dong” là… có cơ sở - 2

Khi nhóm nghiên cứu “zoom” cận cảnh đường nét gương mặt của những người xuất hiện trong ảnh, họ thấy rằng người tham gia thí nghiệm vẫn có thể đoán đúng điều kiện kinh tế của nhân vật, dù chỉ được nhìn kỹ đôi mắt.

Khi chỉ được nhìn kỹ khuôn miệng, khả năng đoán đúng còn cao hơn. Nhưng khi được nhìn tổng thể cả gương mặt, khả năng đoán đúng vẫn là cao nhất.

Chuyên gia tâm lý Bjornsdottir cho rằng khả năng phán đoán này nằm ở chính những “vết hằn cảm xúc” đã in dấu trên gương mặt mỗi người theo thời gian. Việc thường xuyên cử động một số bó cơ nào đó trên gương mặt, liên quan tới những xúc cảm nhất định, có thể làm thay đổi cấu trúc gương mặt bạn.

“Nhìn mặt mà bắt hình dong” là… có cơ sở - 3

Những người khác khi nhìn vào gương mặt bạn sẽ nhận ra manh mối từ trong vô thức. Khi nhóm nghiên cứu thử đưa ra những bức ảnh chụp nhân vật đang cười, lúc này, người tham gia thử nghiệm không còn phân biệt chính xác được như trước nữa.

Như vậy, chỉ khi một người để gương mặt ở trạng thái “bình thường”, trung tính, khi đó những “manh mối” trên gương mặt mới bắt đầu “tự kể chuyện” về chủ nhân.

“Theo thời gian, tự gương mặt của bạn sẽ phản ánh và tiết lộ những trải nghiệm cuộc sống của chính bạn. Cho dù chúng ta tưởng rằng mình đang không thể hiện điều gì, thì chỉ riêng những gì hiện diện trên gương mặt ta thôi đã nói lên phần nào những trải nghiệm ta từng có”, chuyên gia Bjornsdottir khẳng định.

>> Tại sao những người có ngoại hình đẹp kiếm tiền giỏi hơn?
>> Trong showbiz, diện mạo hay tài năng quan trọng hơn?
>> Người mẹ bật khóc vì không nhận ra con trai sau phẫu thuật thẩm mỹ

Bích Ngọc
Theo CNBC