Nhét tiền vào ngực “cô đồng” là làm méo mó văn hoá

(Dân trí) - Ngày 27/2 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền một cách chóng mặt clip hai thanh niên mặc trang phục hầu đồng đang nhảy múa tưng bừng trước cổng không gian diễn ra lễ hội đền Kỳ Cùng, Tả Phủ - Lạng Sơn thì có nhiều người đến nhét tiền vào ngực.

Rất nhiều người, đặc biệt là những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu đã hết sức phẫn nộ trước những hành động này. Nhiều người cho rằng, hành động của người mang hầu đồng ra biểu diễn mua vui và cả những du khách có hành động nhét tiền vào ngực “cô đồng” là báng bổ thần thánh, làm méo mó nét văn hoá đẹp đẽ truyền đời của đạo Mẫu.

Trong buổi họp báo chiều qua (10/3) tại Bộ VHTT&DL, chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, PGS.TS Từ Thị Loan - Quyền Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ của người Việt, đặc biệt là hầu đồng phải gắn với môi trường tâm linh, không gian thiêng. Người ta thường hầu đồng ở những đền, điện, phủ thờ hoặc trong không gian mang tính linh thiêng. Chuyện mang hầu đồng ra biểu diễn ở hội chợ, đám tiệc hoặc mang tính mua vui là làm cho tín ngưỡng này bị biến tướng.

Hình ảnh cô đồng thản nhiên để cho khách nhét tiền vào ngực ở Lạng Sơn. Ảnh cắt từ clip.
Hình ảnh "cô đồng" thản nhiên để cho khách nhét tiền vào ngực ở Lạng Sơn. Ảnh cắt từ clip.

“Tất cả các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà khoa học, đồng đền thủ nhang, thanh đồng đạo quan cho đến những người theo đạo Mẫu đều rất phản đối hành động này. Họ cho đó là hành động báng bổ thần thánh, làm méo mó tín ngưỡng hầu đồng, làm hoen ố nét đẹp vốn có của đạo Mẫu. Đây cũng được xem là một hình thức lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi vì họ đã cho khách nhét tiền vào ngực mình một cách thô thiển, vô văn hoá.

Việc để cho khách nhét tiền một cách thô thiển vào ngực khi đang biểu diễn là đang hạ thấp văn hoá của chính mình. Nếu các bạn trẻ ấy, muốn biểu diễn để quảng bá cho di sản hoặc để người ta tuỳ tâm ủng hộ thì đã không làm như thế hoặc chấp nhận cho người khác làm như thế.

Đây là một câu chuyện điển hình để chúng ta bàn nhiều hơn đến cách tổ chức thực hành tín ngưỡng hầu đồng. Phải làm sao đó để tín ngưỡng thờ mẫu Tam Tứ phủ nói chung và thực hành tín ngưỡng hầu đồng nói riêng xứng tầm với một di sản. Làm thế nào để việc biểu diễn hầu đồng, kể cả sân khấu hoá cũng phải là một nét văn hoá và việc ủng hộ tiền cũng phải thực sự văn hoá.

Tôi nghĩ tất cả những điều này, nếu ở vai trò quản lý nhà nước thì chỉ có thể nhắc nhở thôi chứ xử phạt thì cũng khó. Tuy nhiên, việc tuyên truyền của các cơ quan quản lý văn hoá và cơ quan truyền thông cũng rất quan trọng. Ngoài ra, bản thân những người theo đạo Mẫu cũng phải có phản ứng trước những hành vi ấy để những người như thế họ ý thức hơn trong việc ứng xử với hầu đồng”, PGS Từ Thị Loan bày tỏ.

Theo PGS Từ Thị Loan, thực ra, ở các nước phát triển, có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì đến tận những cái nhỏ nhất cũng có những chế tài xử lý và mức xử phạt nghiêm. Nhưng ở nước mình, hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện và có những cái cấp bách hơn để họ xử phạt nên chưa có chế tài cho những sự việc như thế này. “Về lâu về dài tôi nghĩ cũng cần phải có những chế tài cụ thể để xử lý nghiêm những hành động lợi dụng tín ngưỡng trục lợi hoặc làm biến tướng di sản đã được nhân loại vinh danh như tín ngưỡng Tam - Tứ phủ. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta nên hướng đến việc giáo dục, tuyên truyền đã”, PGS Từ Thị Loan nhấn mạnh thêm.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Chí Bền cũng cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như các tín ngưỡng khác là bao giờ cũng phải gắn với không gian thiêng. Và tất cả các nghi lễ để thực hành tín ngưỡng ấy đều phải diễn ra trong đúng không gian của nó.

“Tôi nghĩ, các cơ quan văn hoá khi phát hiện ra sự việc này cần phải xử phạt và chấn chỉnh để sự việc không lặp lại. Bởi nó khiến cho di sản này bị méo mó, biến tướng… thảm hại. Tôi cho rằng, có một việc phải làm đó là tổ chức sinh hoạt cho chính bản thân các ông đồng, bà đồng. Vì có nhiều người năm nào cũng hầu đồng, cũng diễn xướng… nhưng họ có hiểu cái đó có ý nghĩa như thế nào đâu. Thậm chí, có nhiều cung văn đi hát văn chầu cho người ta hầu còn hát sai thì làm sao mà giữ gìn được. Cho nên, cần phải tập hợp các ông đồng bà đồng để mà đối thoại, trò chuyện và tuyên truyền cho họ hiểu về giá trị tâm linh cũng như giá trị văn hoá của di sản này. Việc này, từng địa phương, ngành văn hoá phải làm. Vì di tích thờ Mẫu của chúng ta từ phía Bắc cho đến Huế lại khác và từ Huế trở vào trong rất khác. Cho nên phải sớm làm việc ấy”, GS Nguyễn Chí Bền nói.

Vào chiều qua, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên - đại diện cho Bộ VHTT&DL cũng đã công bố chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2022. Một trong những nội dung mà chương trình hành động này đề cập đó là tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục chính thức và không chính thức về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học.

PGS Từ Thị Loan cho rằng, việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi được xem là làm biến tướng di sản. Ảnh cắt từ clip.
PGS Từ Thị Loan cho rằng, việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi được xem là làm biến tướng di sản. Ảnh cắt từ clip.

Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt;

Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng giá trị di sản; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dưới nhiều hình thức cho công chúng trong và ngoài nước.

Và một trong những biện pháp để hầu đồng không bị biến tướng được đề cập đến trong cuộc họp là cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ (thông qua đó là việc trục lợi cá nhân) trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng Thờ Mẫu;

Tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ Thờ Mẫu, có tâm, có đức, không "phán truyền" cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan.

Ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền; lợi dụng niềm tin vào các vị thánh của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam - Tứ phủ và của toàn xã hội.

Hà Tùng Long