Nhạc sĩ Dương Thụ: “Viết nhạc là để được sống”

(Dân trí) - Những câu chuyện làm nghệ thuật, làm văn hóa của Dương Thụ- người nhạc sĩ ở tuổi ngoài 70 vẫn đang nỗ lực giành lại công chúng cho dòng âm nhạc tử tế.

Mặc dù bận bịu chuẩn bị cho chương trình “Cửa sổ âm nhạc số 3” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 13/12 tới, ông vẫn dành cho PV Dân Trí một cuộc trò chuyện đầy thú vị!

Chân dung nhạc sĩ Dương Thụ
Chân dung nhạc sĩ Dương Thụ

Mỗi lần mở cửa sổ là một câu chuyện ông muốn kể với mọi người. Lần này sẽ là câu chuyện gì ạ?

Những “câu chuyện kể” lần này có một tên chung: “Bài hát ru mùa đông”; cái ký ức âm nhạc về những năm tháng sống qua của riêng mình: có mất mát, có buồn , có vui, có khao khát, có đắm chìm , có bay bổng  và mơ mơ về một điều gì đó.

Những bài hát có rất nhiều hình ảnh mùa đông, như là một biểu tượng. Ông có thể chia sẻ về điều này, về mùa đông, về Hà Nội ?

Khi còn ở ngoài Bắc, cái đêm từ Tuyên Quang về Hà Nội vào khoảng cuối năm 1975, nằm trên gác xép nhà mình, tôi thấy buồn lắm và cũng thấy thương lắm cái nơi mình đang sống. Lúc ấy nhiều người đang rất hồ hởi khi được chuyển công tác vào Miền Nam.

Tôi nhớ, năm 1972 khi phải học dự thính ở nhạc viện (vì chưa chuyển được hồ sơ cán bộ về trường) tôi đã viết bài Ở lại mùa đông, và cho thầy Chu Minh nghe. Ông rất thích bài này. Tôi nói với thầy mùa đông cái mùa buồn nhất trong năm nhưng nó là tôi, tôi không thể đi ra khỏi tôi.

Năm 1977, tôi được chuyển công tác vào TPHCM. Sống ở thành phố xa lạ này nhưng mùa đông vẫn ở lại trong tâm hồn mình, tôi đã viết bài Gửi mùa đông (các bạn sẽ được nghe Bằng Kiều hát trong chương trình).

Mùa đông là cái ký ức tôi về năm tháng đã sống qua, gian khổ nhưng cực kỳ trong sáng. Mùa đông là Miền Bắc, là Hà Nội. Nó là một biểu tượng tinh thần.

Trong lần mở cửa sổ thứ 3 này, có sáng tác nào mới của ông không? Sự xuất hiện của Bằng Kiều trong liveshow lần này có phải là một cách để thu hút người xem không thưa ông ?

Có nhiều bài mới vì tôi không muốn lặp lại những bài đã diễn trong hai cửa sổ trước. Nếu có thì đó chỉ là trường hợp đặc biệt và sẽ được dựng lại theo một phần phối khác.

Biển mặn, Mây trưa đã ngủ, Xa xăm, Bài hát buồn, Gửi mùa đông… là những sáng tác mới diễn trên sân khấu lần đầu. Tôi muốn mỗi cửa sổ phải có nhiều bài mới, vì tôi viết nhiều mà dàn dựng tuy cũng nhiều nhưng vẫn chưa hết. Còn có thể mở thêm được vài cửa sổ nữa.

Còn việc bạn hỏi: “Sự xuất hiện của Bằng Kiều trong liveshow lần này có phải là một cách để thu hút người xem không?”.  Câu hỏi này bạn nên dành cho một “bầu sô” nào đó thì đúng hơn là hỏi Dương Thụ. Nếu muốn hút khách nên mời anh Đàm Vĩnh Hưng và cô Mỹ Tâm mới đúng chứ Bằng Kiều ăn thua gì. Tôi không phải là người kinh doanh nghệ thuật và cũng đủ tự trọng để không dùng mẹo vặt khi làm chương trình.

Ngoài những ca sĩ đã gắn bó với âm nhạc của Dương Thụ, chương trình lần này có rất nhiều cái tên mới như Hà Linh, Nhật Thủy, Vũ Thắng Lợi, Trần Nguyễn Minh Đức. Họ đã đến với âm nhạc của ông như thế nào. Ông có hy vọng gì vào những người trẻ đó.

Cả 4 người đều là những triển vọng, theo nhận xét của riêng tôi. Hà Linh có tính cách của một nghệ sĩ, giàu cảm xúc và sự sáng tạo nhưng vốn bài còn quá ít, Nhật Thủy có kỹ thuật và tham vọng, tôi  đã nghe cô ấy hát với dàn nhạc giao hưởng trong chương trình Toyota Classic xuyên Việt. Vũ Thắng Lợi là giọng nam cao trữ tình sáng giá của dòng thính phòng đương đại. Trần Nguyễn Minh Đức là một trí thức trẻ đến với âm nhạc bằng những tìm tòi mới mẻ thiên về phong cách Jazz thính phòng  với chất giọng đẹp và một tâm hồn trong sáng.

Tôi đã trực tiếp nghe Hà Linh, Nhật Thủy, Vũ Thắng Lợi trên sân khấu, riêng Minh Đức tôi nghe qua album cậu ấy tự làm với Sơn “Mozart”, một nhà soạn nhạc trẻ đang du học ở Đức.

Cả 4 người được hát với 4 ca sĩ đã nổi tiếng: Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Khánh Linh, hát cùng một tác giả, trên cùng một mặt bằng âm nhạc. Đây là một cơ hội, cũng là một thử thách.

Từ trái qua: Ca sĩ Nhật Thủy, nhạc sĩ Anh Quân, Dương Thụ, ca sĩ Mỹ Linh, Khánh Linh và Vũ Thắng Lợi
Từ trái qua: Ca sĩ Nhật Thủy, nhạc sĩ Anh Quân, Dương Thụ, ca sĩ Mỹ Linh, Khánh Linh và Vũ Thắng Lợi

Trong một cuộc trò chuyện, ông có nói rằng, ca sĩ xứng danh diva không chỉ nổi tiếng mà phải là tiếng hát của thời đại mình đang sống. Nhưng bây giờ các ca sĩ đua nhau đi hát nhạc xưa, nhạc thị trường. Ông có buồn không. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Buồn chứ!

Như tôi đã nói : Diva là những nữ ca sĩ không phải chỉ nổi tiếng mà còn phải là tiếng hát của thời đại mình đang sống, có đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc (trong lĩnh vực thanh nhạc)và có ảnh hưởng lớn tới đồng nghiệp. Họ có tính chất một biểu tượng, là giọng điệu của một thời . Bây giờ, nổi tiếng thì nhiều nhưng liệu có ai được như thế?

Người nghe hiện nay, đa phần là nghe giải trí. Nghe cái gì cho đỡ nặng đầu. Thực chất là đi xem hát chứ không phải là nghe hát. Xinh đẹp, sexy nóng bỏng, có múa phụ họa, có khói nặng bồng bềnh hát mà như đi trong mây, thế là ok. Giọng hát ư, bài hát ư đâu có quan trọng lắm. Nhạc xưa là diễm tình nhất, nhạc thị trường là sôi động nhất. Nhạc mới, nhạc tử tế, cái tiếng hát của thời đại mình đang sống, không phải là không có, nhưng mấy người hát, mấy người nghe.

Bạn cứ ngồi xem/nghe các chương trình ca nhạc trên TV, trên radio, hoặc trên xe Bus, xe khách đường dài, các văn phòng, quán ăn, bar-cafe, tụ điểm , phòng trà ca nhạc và cả các chương trình diễn trân sân khấu nữa thì sẽ hiểu điều tôi nói.

Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến Cà phê thứ Bảy với rất nhiều sự kiện văn hóa thú vị, mang hơi thở đương đại. Đến nay, sau nhiều năm hoạt động, ông thấy mong ước về một “Việt Nam tinh hoa” của mình đã thu được những gì?

Tôi làm nghệ thuật và làm văn hóa vì mình là một phần ở trong đó. Đất nước này là của mình, mình không thể là một kẻ ngoại cuộc.

Tôi đã nhận ra khi làm việc với các bạn trẻ thông qua Cà Phê Thứ Bảy và các hoạt động âm nhạc của mình. Tôi nhận ra khi tham dự các cuộc triển lãm mỹ thuật các cuộc trình diễn nghệ thuật và các hoạt động nghệ thuật khác của một số ít các bạn trẻ và một số rất ít những người lớn hơn.

Họ là những kẻ tự trọng, tự nghĩ, tự làm, không dựa dẫm vào ai, họ theo đuổi những giá trị khác chứ không phải là tiền bạc, danh tiếng hay quyền lực. Những người thuộc số ít này biết yêu mình và yêu đất nước theo cái cách riêng của họ...

Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Nhật Thủy Idol
Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Nhật Thủy Idol

Nhưng tôi băn khoăn, ông bảo, thế hệ nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Dương Thụ mang trong mình giấc mơ gãy cánh ? Ông nhớ gì về thời đó?

Tôi đã viết trong một bài báo Tết năm 1999: “...Khi còn trẻ, tôi hay nằm mơ thấy mình vẫy tay, bay như chim. Ở đâu đó, người ta nói rằng giấc mơ bay là biểu thị những khát vọng không thực hiện được trong đời sống. Có lẽ thế kỷ 20 mà tôi sắp phải giã từ, với riêng tôi là thế kỷ của những giấc mơ bay...”.

Hiểu như Nguyễn Cường gãy cánh là khát vọng không thực hiện được trong đời sống, cũng đúng, nhưng không phải là giấc mơ gãy cánh mà là thực tế gãy cánh. Tôi và Nguyễn Cường cùng thi vào Đai học âm nhạc khoa sáng tác cùng năm (1972) , cùng đỗ với số điểm rất cao. Nhưng rốt cuộc với tôi chỉ là một sự nghiệp dở dang.

Tôi còn nhớ thời kỳ 68-72, lúc ấy tôi mới ngoài hai mươi tuổi, đang nổi máu phá phách. Không có chỗ dựng bài, không có ai hát giúp (tôi hát dở), mình làm gì cũng chẳng ai biết, vậy mà cứ âm thầm viết. Viết nhạc là để được sống, giống như chuyện ăn cơm uống nước vậy.

Thiếu điều kiện đi sâu vào khí nhạc, tôi dồn hết năng lực của mình vào viết bài hát. Viết để hát lên cái nội tâm đầy ắp, viết để vượt ra ngoài ảnh hưởng của một tên tuổi là thần tượng thuở thiếu thời (ông Phạm Duy), viết để không giống những gì mình đã nghe.

Tôi loay hoay làm những điều lúc bấy giờ chẳng mấy ai quan tâ : viết nhạc một mô-típ, nhạc theo hệ thống ba âm, điệu thức lưỡng tính. Bài nào cũng chuyển điệu như điên, vùng vẫy cố thoát ra khỏi vòng hòa thanh T-S-D (cách gọi trong giới về vòng hòa thanh cổ điển) để tìm ra cái “mạch đập” cho riêng mình. Cực đoan và cô độc nhưng trong sáng.

May mắn lúc ấy tôi có một người tri kỷ: anh Nguyễn Cường. Cường hiểu được và thích thú công việc viết lách của tôi. Một người bạn như thế, tôi nghĩ mình phải hàm ơn suốt đời.

Còn ở tuổi này, ông hay nghĩ về điều gì nhất ?

Tôi nghĩ về sức khỏe. Sợ bệnh tật sẽ cướp đi những ngày cuối của đời mình. Tôi cần khỏe mạnh vì còn nhiều việc đang dở dang.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ!

Quỳnh Nguyên