“Nhạc sĩ An Thuyên đã nương tựa Ví, Giặm trong tất cả nỗi niềm”

(Dân trí) - "Nhạc sĩ An Thuyên luôn nói về Ví, Giặm với tất cả niềm tự hào, trân trọng, bởi anh hiểu Ví, Giặm như đã nói được cái buồn, vui của hồn người", nhạc sĩ Phan Thanh Chương đã nói về tác giả của "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" như vậy.


Clip nhạc sĩ Phan Thanh Chương - tác giả của ca khúc "Thao thức miền Trung" chia sẻ nỗi niềm về sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên


Gặp nhạc sĩ Phan Thanh Chương trong một ngày tháng 7 nắng như đổ lửa, trò chuyện cùng PV Dân trí, nhạc sĩ xứ Nghệ không khỏi ngậm ngùi: “Cả đêm qua tôi không sao ngủ được. Tôi chợp mắt thì lại thấy anh An Thuyên hiện về trước mắt. Nhớ anh ấy quá”.

“Ai chứ, nhạc sĩ An Thuyên thì tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Tôi học hỏi ở anh ấy được rất nhiều trong cách sống, trong sáng tác, trong phương pháp tư duy, tìm ý tứ đến cấu trúc một tác phẩm ca khúc…đặc biệt là trong ca từ của anh. Đó là sự giản dị mà rất thơ, rất uyên bác và gần gũi với cuộc đời, con người, làng quê, xóm mạc... đến từng nét giai điệu phảng phất, dịu ngọt của dân ca chan chứa tình xứ Nghệ quê mình. Anh An Thuyên như một là tượng đài trong tôi. An Thuyên mất đi, với bạn bè, anh em, với tôi hẫng hụt lắm”, nhạc sỹ Phan Thanh Chương nói.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương chia sẻ cùng PV
Nhạc sĩ Phan Thanh Chương chia sẻ cùng PV Dân trí.

“Với các ca khúc Em chọn lối này cho mãi đến hôm nay tôi thường tâm niệm rằng đây chính là một tuyên ngôn của anh An Thuyên. Anh đã chọn và hiến thân vào con đường nghệ thuật đầy gian khổ này mà như anh đã nói: “Dẫu rừng nhiều đường lắm lối…”! Người ta nhận thấy rằng các sáng tác của ông đa phần đều mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ và những miền quê ông đã đến và cảm nhận thật sâu sắc đến da diết nỗi nhớ. Với tôi, tôi rất kính trọng nhiều nhạc sĩ, nhưng ở xứ Nghệ có hai người cùng thời với tôi mà tôi yêu và kính trọng nhất đó là An Thuyên và nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Đây là những con người đã phả vào hồn tôi, cho tôi nhiều cảm xúc thi ca. Trong các tác phẩm ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên, ca từ của ông như một bài thơ”, nhạc sĩ Phan Thanh Chương nói.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương  không thôi xúc động khi kể về những kỷ niệm với nhạc sĩ An Thuyên.
Nhạc sĩ Phan Thanh Chương  không thôi xúc động khi kể về những kỷ niệm với nhạc sĩ An Thuyên.

Theo cảm nhận của nhạc sĩ Phan Thanh Chương, nhạc sĩ An Thuyên như là cuốn từ điển bách khoa của các thể loại âm nhạc. Từ ca khúc thuần túy cho đến ca khúc hợp xướng… ông đều có những thể nghiệm. "Cả cuộc đời anh đã lao động sáng tạo không ngưng nghỉ. Anh An Thuyên đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc khá đồ sộ từ các tác phẩm ca khúc, nhạc không lời cho các vở diễn quy mô, cho phim đến cả những vở nhạc kịch lớn. Tài năng của anh ít nhạc sĩ nào sánh được. Mới sơ qua vậy thôi hẳn mọi người phải ngưỡng mộ và kính trọng ông".

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương xúc động kể tiếp.“Anh An Thuyên có động viên và hứa với tôi sắp tới sẽ cùng với bạn bè ngoài Hà Nội giúp tôi tư vấn, mời các ca sỹ, nhạc sỹ…lo cho tôi hòa âm phối khí, thu thanh một số tác phẩm ca khúc tiêu biểu để tổ chức đêm nhạc cho tôi tại TP Vinh. Anh còn dặn thêm: Chờ dịu dịu trời, ra đây rồi mình giúp cho!  Anh Thuyên nói với tôi cách đây chưa đầy 1 tháng. Thì nay, anh ấy đã ra đi. Lòng tôi như thắt lại, thương anh vô cùng”.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương bảo rằng: “Anh An Thuyên như một tượng đài trong tôi.
Nhạc sĩ Phan Thanh Chương bảo rằng: “Anh An Thuyên như một tượng đài trong tôi".

Theo nhạc sĩ Phan Thanh Chương, với nhạc sĩ An Thuyên đã nhiều lần trong cuộc đời sáng tác ông đã có những lần viết nhạc bằng nước mắt. Lần đầu tiên là lần viết bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Lần thứ hai là khi viết bài “Neo đậu bến quê”. Lần thứ ba là khi viết bài “Mẹ Việt Nam anh hùng” vào năm 1994. Và một lần nữa, ấy là khi viết “Tiếng đàn” khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa.

“Với nhạc sĩ An Thuyên ông luôn nói về Ví, Giặm quê mình với tất cả niềm tự hào, trân trọng. Bởi An Thuyên hiểu hơn ai hết về ca từ trong Ví, Giặm như đã nói lên được cái buồn, vui đến tận đáy của hồn người, chạm đến cái buồn chung của nhiều người Việt Nam. Dân ca Ví, Giặm vì thế sẽ trường tồn. Chính điều đó, An Thuyên đã nương tựa vào Ví, Giặm trong tất cả những nỗi vui, buồn riêng có của ông ấy”, nhạc sĩ Phan Thanh Chương chia sẻ.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương bảo rằng: “Anh An Thuyên như một tượng đài trong tôi.
Nhạc sĩ An Thuyên trong một lần về thăm quê xứ Nghệ chụp ảnh với anh em làm báo tại Nghệ An (Ảnh: Như Lành).

Bây giờ thì trái tim đã ngừng nhịp đập. Nhưng những cảm xúc, yêu thương vô bờ trong tâm hồn người nhạc sỹ An Thuyên vẫn đọng lại trong tâm trí không chỉ những người yêu nhạc mà cả những người con Việt luôn dành tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với ông lúc này.

Nguyễn Duy