Nhạc giao hưởng “kén” khán giả Việt đến mức nào?

(Dân trí) - Có một thực tế rằng, thể loại âm nhạc hàn lâm như giao hưởng thính phòng gần như… xa lạ, thậm chí có phần xa xỉ với số đông người nghe nhạc ở Việt Nam.



Phía bên ngoài nhà hát Lớn nơi trình diễn giao hưởng thính phòng vào tối ngày 17/4 khác xa với phía bên ngoài địa điểm tổ chức một liveshow nhạc trẻ. Ở đây không có phe vé, không tấp nập người mua kẻ bán, không có những lời mời chào, và càng không có những câu hét giá trên trời dành cho 1 cặp vé VIP. 

Có một thực tế rằng, thể loại âm nhạc hàn lâm như giao hưởng thính phòng gần như… xa lạ, thậm chí có phần xa xỉ với số đông người nghe nhạc ở Việt Nam.

Một số người có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng để vào nghe Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà hay Bằng Kiều hát. Nhưng, họ sẽ vẫn cứ phân vân, băn khoăn, thậm chí lắc đầu trước đôi vé mời đi nghe giao hưởng thính phòng kể cả ở hạng ghế VIP tại nhà hát Lớn.

Chắc chắn rất ít người biết đến đêm nhạc giao hưởng diễn ra tại nhà hát Lớn tối 17/4. Đây là đêm nhạc kỷ niệm tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam- Nauy. Điều đặc biệt nhất tại đêm nhạc này, nhạc sĩ Đặng Hồng Anh sẽ mang đến cho khán giả sự cảm nhận khác biệt về tác phẩm truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du qua bản giao hưởng Thơ Kiều. 

Đây là tác phẩm được nhạc sỹ Đặng Hồng Anh sáng tác, chuyển soạn dựa trên những cảm xúc có được khi đọc và nghiên cứu về tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du. 

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, và mỗi thể loại âm nhạc đều có đối tượng khán giả riêng. Hy vọng, đến một lúc nào đó, âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam sẽ đến được với đông đảo công chúng hơn. Người ta sẽ đặt vé trước hàng tháng trời, sẽ ăn mặc thật đẹp và ngồi lặng yên trong nhà hát Lớn nghe giao hưởng.

Xuân Ngọc- Hiền Hương