Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong nặng tình với dân ca Ví, Giặm

(Dân trí) - Nguyễn Trung Phong không chỉ là người đã góp phần đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên thành kịch hát dân ca, ông còn luôn chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cho nhiều thế hệ nhạc sĩ, diễn viên của ngành văn hóa Nghệ An.

Ngày 24/9, tại Hà Nội, NXB Văn học đã ra mắt cuốn sách “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm”. Đây là cuốn sách nhằm tri ân một con người tài năng đã dành cả một đời tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hóa Nghệ Tĩnh nói chung.

Cuốn sách gồm 2 phần. Ở phần 1 giới thiệu cùng bạn đọc 9 tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong mà đỉnh cao nghệ thuật gồm 2 tác phẩm đó là “Cô gái sông Lam” và “Khi ban đội đi vắng”. Trong đó, vở chèo “Cô gái sông Lam” là kiệt tác được ra đời năm 1961 nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Nghệ trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931).

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong nặng tình với dân ca Ví, Giặm - 1

Bìa cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm".

Thông qua tác phẩm, ngọn lửa căm hờn của người dân nô lệ được tác giả Nguyễn Trung Phong tái hiện trên sân khấu chèo Nghệ An và hội diễn toàn quốc năm 1962, tác phẩm đã dành 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc cá nhân. Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch, tối 27/5/1962. Sau khi diễn xong, đoàn chèo Nghệ An được Bác biểu dương và tặng quà, riêng tác giả Nguyễn Trung Phong được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Đến năm 1973, tác phẩm “Cô gái sông Lam” được chuyển thể thành kịch hát dân ca và từ đó đến nay liên tục được biểu diễn trên sân khấu.

Còn với vở “Khi ban đội đi vắng” được ra đời năm 1967 thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt. Tác giả đã xây dựng hình ảnh người nông dân với vai trò làm chủ tập thể, đấu tranh tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vở kịch ra đời được đông đảo công chúng đón nhận. Sau đó tác giả Nguyễn Trung Phong đã phát triển thành làn điệu “Giận mà thương” để biểu thị hết sắc thái tình cảm của nhân vật. Làn điệu “Giận mà thương” về sau còn là đề tài cho nhiều nhạc sĩ sáng tác về xứ Nghệ, tiêu biểu là “Trông cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận, “Người về thăm quê” của Thuận Yến...

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong nặng tình với dân ca Ví, Giặm - 2

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (Ảnh: Tư liệu)

Phần 2 là những bài viết, bài tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày tại hội thảo “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm”.

Ở đó, các tác giả đã dành tình cảm chân thành, phân tích, đánh giá vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm, các bài tham luận đã làm sáng tỏ sự đóng góp to lớn về lĩnh vực sân khấu nước nhà nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh nói riêng, khẳng định những tác phẩm của Nguyễn Trung Phong đã góp phần lớn để UNESCO vinh danh dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể của nhân loại...

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, chủ biên cuốn sách “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm”, chia sẻ: “Các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 30-31; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời xây dựng Chủ nghĩa xã hội; trong một số tác phẩm đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh cho cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu.

Tôi gọi bác Nguyễn Trung Phong là bác ruột. Gia đình bác có 4 anh em trai, bác Phong thứ 2 và bố tôi là út. Bác Nguyễn Trung Phong là một người đam mê nghệ thuật từ bé. Bác hầu như không để ý tới những những việc nhỏ nhặt, khi tiếp xúc với bà con lúc nào cũng đặt nghệ thuật lên hàng đầu. Tôi còn nhớ, mỗi lần sáng tác xong, bác thường biểu diễn, xin ý kiến mọi người để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm. Ông cũng là người có khiếu hài hước, nói rất truyền cảm”.

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong nặng tình với dân ca Ví, Giặm - 3

Từ trái qua: Giám đốc NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ, NSND Lê Tiến Thọ và nhà báo Nguyễn Minh Đức.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì “Cô gái sông Lam” là vở diễn đặc sắc nhất của tác giả đã góp phần xây dựng được mô típ trong sân khấu truyền thống luôn nhắc đến. Tác phẩm hội tụ được cái kịch tính, chữ tình và tính tự sự. Không những vậy, tính tự sự, kể truyện và ngôn ngữ thơ, tính chữ trình trong các tác phẩm đã hòa quện đưa tác phẩm đến với khán giả. Chính những yếu tố của tính học thuật ấy đã đưa tác phẩm “Cô gái sông Lam” là một trong những điểm nhấn.

NSND Lê Tiến Thọ cũng bày tỏ: “Nhà nước đang phát động hoặc cho các cơ quan chức năng, ban, ngành để đánh giá những giá trị tác phẩm này được tặng những giải thưởng cao quý. Tôi tin rằng những đóng góp có giá trị của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sẽ được những giải thưởng của Nhà nước”.

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 - 1990) tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1950 và cũng từ đó ông bắt đầu cầm bút. Gần 40 năm với sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại trên 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở các thể loại chèo, cải lương, kịch hát, hoạt cảnh dân ca Nghệ Tĩnh.

Những tác phẩm tiêu biểu còn nguyên bản gốc đã được NXB Văn học in trong cuốn sách “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm”, đó là: “Ép duyên”, “Cô gái sông Lam”, “Cô gái thôn Đông”, “Khi ban đội đi vắng”, “Ngọn lửa không bao giờ tắt”...