Nhà văn thành danh trước 1975 tái xuất văn đàn

(Dân trí) - Trần Thị NgH, một cái tên nổi đình đám trong làng văn từ trước 1975, tái xuất với “Ác tính” đầy hơi thở đương đại.

Bắt đầu sáng tác từ năm 1965, tập truyện “Những ngày rất thong thả” của Trần Thị NgH được NXB Trí Đăng ở Sài Gòn in năm 1975. Nhưng trước khi in tập sách này, Trần Thị NgH với cá tính nổi bật đã được biết đến rộng rãi trên văn đàn Việt.

Nhà văn thành danh trước 1975 tái xuất văn đàn - 1

Nhà văn Trần Thị NgH (trái) tại buổi giới thiệu sách.

“Khi tôi chưa viết lách gì, “Nhà có cửa khóa trái” của Trần Thị NgH đã mê hoặc tôi. Cùng tầm tuổi nhau nhưng NgH thành danh quá sớm. Nguyễn Thị Hoàng và Trần Thị NgH là hai nhà văn nữ tôi âm thầm sùng bái” - Nhà văn Dạ Ngân kể về Trần Thị NgH, nữ nhà văn thành danh trước năm 1975.

“Khoảng năm 1979, cháu ruột của nhà văn Trần Thị NgH công tác chung Hội Văn Nghệ Cần Thơ với tôi. Thế là tôi được gặp nhà văn thần tượng và gọi bằng Dì Út. Khi đó Dì Út đang đi làm gia sư, đẹp, sang và buồn. Tôi vẫn còn nhớ cái dáng buồn buồn mà vẫn sang của Dì Út Trần Thị NgH khi đó” - Nhà văn Dạ Ngân kể. 

Sau tập sách đầu tiên là quãng thời gian đi ra nước ngoài và định cư. Phải mãi sau đó rất lâu, tập “Truyện ngắn Trần Thị NgH” mới được NXB Văn Nghệ (California, Mỹ) ấn hành năm 1999; “Lạc đạn và 10 truyện ngắn” được NXB Thời Mới (Toronto, Canada) in năm 2000; “Nhăn rúm” do NXB La Fresmilerie (Paris, Pháp) in năm 2012.

Lần xuất hiện đầu tiên trở lại với văn đàn Việt Nam của Trần Thị NgH là “Nhà có cửa khoá trái”, “Lạc đạn” và “Nhăn rúm” cùng được Phương Nam Book ấn hành năm 2012. Mặc dù in cùng lúc các tập sách nổi tiếng nhất, nhưng bạn đọc trong nước vẫn chưa biết đến nhiều về sự trở lại của nhà văn thành danh trước 1975.

Xuất hiện ở Sài Gòn hôm qua 27/4, Trần Thị NgH ra mắt tập truyện ngắn “Ác tính” gồm 24 truyện ngắn: “Telecom”, “Mãn dục”, “Cinema Paradiso”, “Đường vòng”, “Phục chế ảnh cũ”, “Giếng cạn dây dài”, “Ác tính”, “Lệch một khấc”, “Thứ thất”…

Nhà văn thành danh trước 1975 tái xuất văn đàn - 2

Nhân vật của Trần Thị NgH vẫn vậy, những người đàn ông bèo nhèo, bệ rạc, ôm trong mình những khối u ác tính nặng nề, có chân cắm sâu vào từ quá khứ thơ ấu bi kịch đến thời thanh niên hốc tối, mặc cảm, và đeo đẳng bên mình một hiện tại u nang ẩn núp, chống trả, ranh ma, khôn lỏi, biết suy nghĩ và có thể di động.

Khi được hỏi về khối u ác tính trong người dẫn đến căn bệnh phải phẫu thuật trong truyện ngắn “Ác tính” có phải sự thật hay không? Nhà văn Trần Thị NgH trả lời: “Tôi cho rằng trong mỗi con người ai cũng có một khối u nào đó, không nhất thiết phải là thực tế mà nhiều khi là những ẩn ức. Lựa chọn thực tế nào để đưa vào tác phẩm thì phải rất cẩn thận. Biển chữ rất mênh mông. Cho nên tôi phải kỹ tính với từng chữ”.

“Tôi nói về văn, về sự rời rạc, sự tuôn tràn, những nhịp thở, những lỗ trống, nói về dấu phẩy, dấu chấm; phẩy là đòi đoạn, chấm là chưng hửng, lôi tuột xuống như rớt đến trống không đến sợ. Và câu khác trồi lên, kéo lên như một ân huệ, như một phép mầu để lại dìm trong đòi đoạn. Hãy lắng nghe, đừng đọc!” - Nhà văn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền viết về Trần Thị NgH.

Bìa của cuốn “Ác tính” sử dụng bức tranh sơn dầu khổ lớn do chính Trần Thị NgH vẽ. Sách do NXB Hội Nhà văn và Domino Books ấn hành. “Bà sắc sảo quá, kỹ lưỡng quá. Tôi khích Dì Út viết tiểu thuyết đi, nhà văn bảo thong thả đã. Gừng già, chúng ta đành đợi vậy” - Nhà văn Dạ Ngân nói vui.

Đi đi về về giữa Paris và Sài Gòn, vừa dạy tiếng Việt vừa dạy tiếng Anh, dạy vẽ, dạy piano, Trần Thị NgH cho rằng, có thể bà sẽ viết tiểu thuyết, nhưng không hứa trước, vì đối với bà, văn chương nghĩa là rất tự nhiên, không cần phải có bất cứ một sự cố gắng nào.

Hoà Bình