Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: “Bay qua cõi chết”, lao thẳng vào “Hỗn độn”

(Dân trí) - Những ngày này, Nguyễn Khắc Phục đang phải nằm viện điều trị ung thư phổi. Bệnh nan y nhưng lúc nào ông cũng giữ vững tinh thần, không chỉ cho mình mà cho cả nhà, nhất là người vợ trẻ.

Những khi có bạn đến thăm, đang mệt mỏi ông bỗng tươi tắn hẳn, hăng hái nói đủ chuyện văn chương lẫn chính trị xã hội.

Kiếp này ta đã bên nhau…

Ban đầu, sau khi chẩn bệnh, bác sĩ tiên lượng, nếu cơ thể không đáp ứng được với phương pháp điều trị, ông khó có thể qua được sáu tháng. Nếu hóa xạ tốt, cũng chỉ được một năm là bệnh có thể tái phát. Mà với loại ung thư phổi tế bào nhỏ, khi nó đã tái phát là không phương thuốc gì chống đỡ nổi nữa.

Đến thời điểm hiện tại, ông đã trải qua 31 mũi xạ trị và 5 đợt truyền hóa chất. Hóa chất truyền vào người đã đánh bật hai khối u di căn, làm nhỏ khối u nguyên phát nhưng cũng khiến cơ thể ông suy yếu, phát sinh chứng suy tim

Tuy nhiên, không hề bi quan trước tin xấu, Nguyễn Khắc Phục liên tục “động viên ngược” người thân, bạn bè, nhất là với người vợ tha thiết gắn bó, chăm sóc ông.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục:  “Bay qua cõi chết”, lao thẳng vào “Hỗn độn” - 1
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục:  “Bay qua cõi chết”, lao thẳng vào “Hỗn độn” - 2
Tổ ấm hạnh phúc của nhà văn Nguyễn Khắc Phục
Tổ ấm hạnh phúc của nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Nhà báo, nhà thơ Trang Thanh chia sẻ: "Anh Phục luôn nói với tôi, anh sống “ẩu” thế, ngốn thuốc lá như thức ăn, không ung thư mới lạ. Nhưng cuộc đời anh như thế là may mắn, hạnh phúc, vì chính trong những lúc hiểm nghèo như thế này, càng thấm thía tình nghĩa vợ chồng cũng như tình cảm của bạn bè, người thân”.

Suốt thời gian nhà văn vào viện, chị Trang Thanh nghỉ làm không lương để chăm sóc và lo chữa bệnh cho chồng. Chị bảo: "Rất nhiều người tốt lo lắng cho sức khỏe của anh Phục, đến thăm hỏi, chia sẻ và mách nhiều phương pháp chữa bệnh. Nếu anh vượt qua được hết liệu trình hóa – xạ, tôi tin là một phương pháp tập luyện nào đó cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp anh dần ổn định sức khỏe. Giờ tôi nóng lòng chờ anh vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo để có thể tập luyện. Và tôi sẽ tập cùng, để anh có thêm động lực".

Hôm qua thăm nhà văn, tôi cảm động đến lặng người đi khi thấy chị ngồi cạnh chồng, bảo hát cho ông và tôi nghe bài “Dòng sông mây trắng” - chị tự sáng tác  tặng chồng hồi cuối tháng 8, dù chị không hề biết nhạc.

Với trái tim rất đỗi yêu thương của người phụ nữ đa sầu đa cảm, chị khe khẽ hát, nhà văn chìm đắm vào giai điệu thiết tha, sâu lắng, da diết: “Kiếp này ta đã bên nhau/ Những đỉnh núi cao ngất, những vực sâu/ Và thời gian vắn vỏi, phận người cỏ lau, anh ơi!/ Về lại gần nhau đi, hãy nắm tay em/ Lời yêu quấn quýt nói với em như hôm nào/ Ân tình trao nhau ôi bao say đắm/ Còn tiếng thở sâu trên đất này, còn mây trắng bay”.

Quả thật, nhìn cách chị sát cánh bên chồng, người ta đủ hiểu, chị mới chính là liều “thần dược” hiệu quả hơn tất thảy phương thuốc, cho nhà văn sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, bệnh tật và tuổi tác.

“Tôi nghĩ mình có thể phải vất vả hơn, vì anh đau ốm thì chúng tôi phải ngược xuôi chạy chữa, ít có thời gian thảnh thơi ríu rít với con, nhưng chúng tôi luôn hạnh phúc, ấm áp bên nhau. Có anh, tôi mới cảm thấy thực sự cuộc sống là thế nào”- chị Trang Thanh ngậm ngùi.

“Cắt rốn” cho “Hỗn độn” ngay trên giường bệnh

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vốn nổi tiếng về viết khỏe. Ông đã viết 13 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu, vài chục kịch bản lễ hội, trong đó có các kịch bản chính cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là đêm bế mạc Thành phố Rồng bay 10/10 trên sân vận động Mỹ Đình. Sau Đại lễ, ông tiếp tục viết các kịch bản lễ hội văn hóa quan trọng nhất của đất nước… Chả thế mà ông được mệnh danh là “vua kịch bản lễ hội văn hóa” tầm cỡ quốc gia.

Thế nhưng, với việc cho ra mắt “Hỗn độn” ngay trên giường bệnh trong tinh thần ngày vào viện truyền thuốc, đêm về cặm cụi sửa bản thảo, thì đến cả vợ ông biết là những việc ông đang làm rất có hại cho sức khỏe nhưng không làm sao cản ông được!

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục:  “Bay qua cõi chết”, lao thẳng vào “Hỗn độn” - 4

Chị Trang Thanh chia sẻ: “Hàng ngày ở viện về, việc đầu tiên là anh khởi động máy tính rồi mới ngồi xuống thở dốc. Kể cả khi phải chống gậy, vừa đi vừa dừng để lấy hơi, thậm chí vừa truyền máu, truyền albumin xong, anh vẫn đòi về nhà. Trong lòng anh dường như luôn có điều gì đó không yên. Có lẽ vì anh quá thương vợ con và luôn cảm thấy trọng trách người đàn ông của mình quá lớn nên luôn muốn phải làm được điều gì đó cho vợ con bớt khổ”.

“Hỗn độn” gây ấn tượng mạnh với độc giả không chỉ bởi được chăm chút những khâu cuối cùng khi nhà văn ở trên giường bệnh mà đây là tiểu thuyết tâm đắc của Nguyễn Khắc Phục.

Nhà văn chia sẻ, ông phải mất đến 10 năm để hoàn thành đứa con tinh thần này. Thông qua những nhân vật đau khổ, Nguyễn Khắc Phục vẽ ra một hiện thực xã hội chua xót, đưa ra những dự cảm bất an về sự tha hóa của nhân phẩm con người. Ông mô tả cái xấu như một đại dịch đang xâm thực, sự tăm tối đang phình ra chiếm lĩnh nhân tính.

Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết cuốn sách đồ sộ như thế, thì ông điềm tĩnh trả lời: “Tôi sống và chuẩn bị cho cái khoảnh khắc này lâu lắm rồi. Cái khoảnh khắc mà tôi dồn hết cảm hứng, kinh nghiệm sống, niềm tin, niềm vui và cả nỗi buồn trang trải hết trong một cuốn tiểu thuyết. Bất chấp mọi khó khăn, thử thách, tôi quyết định, bằng mọi giá phải đưa tiểu thuyết “Hỗn độn” đến với công chúng vào đúng thời điểm hệ trọng này”.

Cứ thế, nhà văn nguyễn Khắc Phục đã “Bay qua cõi chết” cùng với những nhân vật của mình trong chiến trường khu V và Huế, để đi tìm “Ngôi đền” Krâyo ở chân trời, nhưng không thấy. Thay vì làm một con tê giác lầm lũi đi một mình trong cánh rừng nhiệt đới, ông lao thẳng vào “Hỗn độn”…

​Chiều ngày 30/11, chị Trang Thanh chia sẻ với PV Dân trí, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa nhập viện trở lại sau chỉ 5 ngày được về nhà, do tác dụng phụ của hóa chất khiến bạch cầu trong máu giảm quá mạnh và bệnh phổi tắc nghẽn lại trỗi dậy.  Hiện ông vẫn đang nằm phòng cấp cứu và thở bình oxy.

Quỳnh Nguyên