Nhà văn Di Li: "Bún mắng cháo chửi là một thứ văn hóa quái gở..."

(Dân trí) - "Bún mắng, cháo chửi" là thứ văn hóa xấu xí, quái gở, theo nhà văn Di Li cần phải bài trừ.

Chiều 19/12, nhà văn Di Li giao lưu ra mắt hai cuốn sách tùy bút ẩm thực "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" và "Nửa vòng trái đất uống một ly trà" tại TPHCM. Phải nói, đến thời điểm này, Di Li là cây viết nữ hiếm hoi theo đuổi đề tài về ẩm thực. 

Nhà văn Di Li ví von nhiều người "ăn phải bị chửi mới đạt được khoái cảm"

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Di Li cho hay Việt Nam có thứ "độc nhất vô nhị" mà trên thế giới không có là món "bún mắng cháo chửi", vô cùng phản văn hóa tồn tại ngay ở đất Thủ Đô. Nhiều người còn tự cho đó là đặc sản, trong đó "bún mắng cháo chửi" là một thứ văn hóa quái gở, rất cần phải bài trừ. 

"Bún mắng cháo chửi là thứ văn hóa rất xấu xí mà tôi không hiểu tại sao con người lại có thể bỏ tiền ra ngồi ăn để  nghe chửi như vậy", chị nói và ví von, phải chăng đây cũng giống như việc rối loạn hành vi, ăn cũng phải bị chửi mới sướng, mới đạt được khoái cảm? Với chị “Mỗi một món ăn là một thông số mà có thể đọc lên được rất nhiều thông điệp, hồn cốt của một dân tộc”. 

Trong một bài viết của mình, Di Li kể lần chị ăn phở ở chợ người Việt tại Đức, món phở phải gọi là "chắp tay vái phở làng hay phở huyện nhà ta". 

Nhà văn Di Li: Bún mắng cháo chửi là một thứ văn hóa quái gở... - 1

Buổi sáng đó, chị được nghe "cô hàng phở róng riết kể, chửi tục và nguyền rủa một kẻ nào đó suốt nửa tiếng đồng hồ. Kẻ khốn khiếp ấy không biết cách cư xử, coi thường, lợi dụng cô ta... ". Món phở nuốt không trôi nhưng cô bán phở làm nhà văn dợm lên nỗi nhớ nhà. 

Là một người đi nhiều, thưởng thức đồ ăn thức uống của nhiều quốc gia khác nhau, có thể bay cả ngàn cây số đến tận nơi để nếm cho bằng được một món ăn nào đó, nhà văn Di Li nhận xét, khẩu vị đồ ăn của Việt Nam phong phú hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới. 

Thế nhưng, chúng ta, do tiếp thị kém và không chuyên nghiệp trong nấu ăn, phong độ rất trồi sụt khiến cho ẩm thực của Việt Nam không đạt thứ hạng cao trên thế giới. Và điều này, chị nhận định không riêng với ẩm thực mà ở nhiều lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, thể thao. 

Nhà văn đa tài này mê món ăn Việt Nam, nhất là Hà Nội nhưng chị tỉnh táo hiểu điều này ảnh hưởng từ xuất thân của mình. Món ăn thế giới mà chị yêu thích nhất, kể cả khi hấp hối vẫn có thể ăn là tom yum của Thái Lan.  

Hoài Nam