Nhà hang gạch Việt Nam thắng giải 2019 ArchDaily Công trình của năm

(Dân trí) - Danh sách chiến thắng giải thưởng Công trình của Năm 2019 do ArchDaily tổ chức đã công bố gồm có 15 công trình được lựa chọn từ hơn 4000 công trình đến từ khắp nơi trên thế giới; Nhà Hang Gạch (Bick Cave) của Việt Nam do H&P Architects thiết kế đã được vinh danh.

Hạng mục Nhà ở (Houses) là hạng mục luôn khó khăn nhất bởi số lượng rất đông đảo với hơn 1000 ngôi nhà tham dự năm nay.

Dưới đây là bản tiếng Việt bài viết “Return To The Cave” của Nhà nghiên cứu Văn hóa-Kiến trúc Nguyễn Trí Thành (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã in trên Tạp chí CUBES của Úc về công trình này:

Brick Cave là ngôi nhà gạch 2 tầng tại một làng nhỏ trồng rau ở ngoại thành Hà Nội. Đây vốn là vườn rau của gia tiên, được chia cho một trong những người con trai - gia đình anh này sống ở xa, nay nghỉ hưu thì trở về quê hương xây nhà để ở bên cạnh mẹ.

Khu đất 175 m2 giáp 2 đường ngõ nhưng có hình dạng méo, quay ra hướng Tây và không có yếu tố thiên nhiên nào đáng kể (cảnh quan, mặt nước,..) để khai thác - ngoài vài cây xanh nhỏ ở các góc vườn.

Thường thì người ta sẽ bán một nửa đất để lấy tiền xây ngôi nhà vuông vắn trên nửa còn lại, nên rất nhiều diện tích xanh trong làng đã bị dồn nén thành những khối hộp liền kề (như nhà ngoài phố) với 2 mặt tường câm (không có cửa sổ), làm mất đi nhiều yếu tố đặc trưng như các sân chung, quan hệ láng giềng, giao tiếp cộng đồng, không khí bình yên & thoáng đãng,..

H&P đã thiết kế ngôi nhà một cách khác thường nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của con người và phù hợp với bối cảnh của địa điểm. Sàn BTCT dày 20 cm cho phép xây tường để bố trí 2 phòng ngủ (kèm khu WC) ở tầng trên và giải phóng kết cấu ở tầng dưới. Vì vậy tầng trệt là các không gian liên hoàn rộng rãi để sử dụng một cách linh hoạt cho đại gia đình (thờ cúng, tiếp khách, nấu nướng, ăn uống, sân vườn, để xe).

Đặc biệt là có nhiều chỗ chơi cho trẻ con của 3-4 gia đình xung quanh.Chủ nhà nói hiện nay các con đều làm việc ở thành phố nên chỉ ở đây cuối tuần, nhưng vẫn muốn 20 năm nữa đến lúc nghỉ hưu thì sẽ về sống tại ngôi nhà này.

Tuy nhiên những cái “wellness” của kiến trúc ở đây không chỉ là những tiện nghi để sinh hoạt- mà có cả sự thích ứng để chung sống lâu dài với những yếu tố bất lợi và có mối quan hệ cộng sinh thân thiện với hàng xóm láng giềng của người trở về quê cũ - những yếu tố làm cho các không gian vật lý trở thành một nơi chốn nhân văn.

H&P đã phát triển nguyên tắc Double Skin thành 2 lớp tường gạch dày (tường ngoài là hàng rào & tường trong là mặt nhà) không song song với nhau, tạo ra những không gian đệm cao & rộng xung quanh nhà để thông gió và chống nóng, đồng thời xóa nhòa ranh giới giữa bên trong & bên ngoài.

Tường ngoài có nhiều lỗ thoáng nhưng không quá trống trải để vẫn cảm thấy an toàn & riêng tư, cũng không quá đóng kín khiến con người bị bức bối & cách ly khỏi bên ngoài.

Tường này cao 8,25m nhưng từ độ cao 2m55 thì nghiêng vào trong để khối tích không quá đồ sộ, đồng thời chia sẻ không gian cho các nhà hàng xóm (phía Đông & phía Nam) để không cản tầm nhìn & chiếu sáng tự nhiên, nhất là giúp cải thiện vi khí hậu.

Các tác động bất lợi (mưa/ nắng/ nóng) được giảm thiểu nên trong nhà luôn mát mẻ (có lắp điều hòa không khí nhưng rất ít khi phải sử dụng; cửa & vách kính chỉ để giữ ấm vào mùa đông). Mái trồng rau xanh cũng có tác dụng làm mát đồng thời gợi lại hình ảnh của mảnh vườn ngày trước.

Vật liệu chủ đạo là gạch nung (được sản xuất tại nhà máy cách đó ~10 km) vốn rất quen thuộc với người dân địa phương về chất cảm - nhưng được nâng cấp về thẩm mỹ & kỹ thuật XD.

Những người thợ xây trước đây chỉ biết dùng vữa trát và quét sơn để hoàn thiện, thì nay đã biết xây những bức tường gạch phức tạp không trát mà vẫn đẹp. Các bức tường gạch thô mộc cũng tìm được sự đối thoại hài hòa với khung cảnh xung quanh (có nhiều nhà chỉ xây bằng vật liệu rẻ tiền và không được hoàn thiện).

Những khoảng trống ở tường ngoài có khung thép bảo vệ & trang trí, sau này khi cây leo mọc lên sẽ tạo thành những mảng vườn treo trên cao, tối đa hóa hiệu quả về môi trường và thẩm mỹ. Vật liệu lát là đá (tầng trệt) và gỗ (tầng trên).

Tông màu chung hơi tối (với màu đỏ thẫm của gạch và màu nâu của các nan gỗ trên trần) nhưng tăng cảm giác mát mẻ và tôn hiệu quả của ánh nắng lọt vào nội thất.

Cuối cùng, nếu như H&P không cố giấu đi mà vẫn để cho các dầm bê tông lộ ra ở bên ngoài thì việc XD sẽ đơn giản hơn và kiến trúc cũng đỡ nặng nề hơn. Và nếu chú ý điều tiết vị trí và độ lớn của các mảng đặc - rỗng trên tường chuẩn hơn thì ý niệm “Brick Cave” sẽ càng thêm hiệu quả.

Ý niệm Brick Cave hình thành từ những tường gạch dày để cách nhiệt và không gian liên thông để hút gió. Những hiệu ứng về không gian & ánh sáng theo kiểu “hang động” - thấp (ở lối vào), rộng & cao (ở bên trong), hẹp (các ngách phụ), mở ra ngoài (cửa sổ); sáng đều (ở bên ngoài), tối dần (vào bên trong), luồng sáng (từ trên cao) tạo ra các góc nhìn sinh động & hình ảnh không lặp lại.

Không có gì tuyệt đối hoàn hảo, không có một lưới cột thống nhất, không có không gian nào hoàn toàn vuông vắn, các cửa sổ & khoảng mở trên 2 lớp tường cũng lệch nhau,.. tạo ấn tượng về một sự “ngẫu nhiên có tổ chức” -> kiến trúc là cái thiên nhiên nhân tạo / cái nhân tạo được hình thành một cách tự nhiên.

 

Nhà hang gạch Việt Nam thắng giải 2019 ArchDaily Công trình của năm  - 1
thiet ke.docx.jpeg
thiet ke.docx.jpeg
thiet ke.docx.jpeg

Brick Cave thắng giải 2019 ArchDaily Công trình của Năm

 

Nhật Hồng