1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Người Chứt không chỉ hôn nhân “cận huyết”...

(Dân trí)- Người Chứt được tìm thấy và định cư ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã hơn nửa thế kỷ. Thế nhưng câu chuyện giữ gìn nét văn hóa của một tộc người vừa mới được hồi sinh cũng còn lắm chuyện vui buồn…

Từ 1 nhóm người, giờ đây cộng đồng người Chứt đã phát triển thành bản với 31 hộ và 118 nhân khẩu. Từ lâu người ta chỉ biết tục hôn nhân cận huyết của đồng bào nơi đây mà quên rằng tộc người này cũng có những nét văn hóa đặc sắc riêng biệt.

Tiếng đàn dưới chân núi Ka - đay

 Bằng những chất liệu thô sơ, người Chứt từ lâu đã tự tạo cho mình một vài nhạc cụ đàn, sáo… đơn giản nhưng độc đáo. Trước đây, mỗi dịp hội hè, tiếng nhạc làm cho bản thêm rộn ràng, sôi nổi. Và cũng nhờ tiếng sáo, tiếng đàn và con trai, con gái của bản tìm đến và ăn đời ở kiếp với nhau.

Thiếu tá Dương Thanh Tịnh – đội trưởng tổ công tác Rào Tre thuộc đồn biên phòng 575, dẫn chúng tôi vào tận nhà của vợ chồng ông bà Hồ Thị Sen và ông Hồ Phương – một trong hai gia đình còn lưu giữ cây đàn truyền thống của người Chứt.

“Trong nét văn hóa tộc người Chứt trước đây, có sáo Pi, đàn Muôi (đàn môi), đàn Trơ bon (đàn nứa), từ con trai con gái đều biết cách làm và sử dụng. Nhất là đối với những đôi trai gái yêu nhau dùng sáo, đàn thay cho lời nói để hiểu nhau và trở thành vợ chồng. Bên cạnh đó đàn, sáo được dùng trong lễ hội như đám cưới, lễ hội xuống giống, lễ cúng hồn lúa...” anh Tịnh cho biết.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hồ Phương ở giữa bản. Bước vào cổng chúng tôi đã nghe tiếng lộp cộp của những âm thanh vừa lạ, vừa quen. Ông Hồ Phương cầm một bộ mõ lên khoe với chúng tôi: “Mõ bò đấy, đeo vào cổ để không lạc mất bò mình”. Ông Hồ Phương một thời nức tiếng là người khéo tay. Những cây đàn Trơ bon (đàn môi) trong bản cũng được làm từ đôi bàn tay này.

Cả bản chỉ còn sót lại 4 người còn biết làm cây đàn. Cây đàn Muôi của ông cũng vừa mới gãy, nên chũng tôi không có dịp được thưởng thức được tiếng đàn. “Nghe làm gì, có còn ai nhớ để mà nghe nữa đâu. Có cái máy nó làm hết rồi”. Nằn nì mãi, bà Hồ Thị Sen mới cầm cây đàn, dạo vài khúc cho chúng tôi nghe.

Ông Hồ Phương bên bộ mõ của mình
Ông Hồ Phương bên bộ mõ của mình
Thỉnh thoảng bà Sen mới lấy cây đàn Trơ bon ra đàn cho khách nghe
Thỉnh thoảng bà Sen mới lấy cây đàn Trơ bon ra đàn cho khách nghe

Bà Hồ Thị Sen kể: "Ngày xưa yêu nhau cũng bằng tiếng đàn, tiếng sáo. Trai gái cứ thấy tiếng đàn, tiếng sáo ai nghe bùi tai, ưng cái bụng thì tìm đến nhau thôi.".

Đã có nhiều lần vợ chồng ông Hồ Phương đem những làn điệu, bản nhạc từ cây sáo, cây đàn dân tộc đi dự hội diễn văn nghệ ở huyện, giao lưu với bộ đội biên phòng… Khi nghe xong ai cũng tán thưởng "không chê vào đâu được".

Nhưng giờ đây, khi về ở bản Rào Tre tiếng đàn, tiếng sáo đã vắng bóng đối với tộc người Chứt. Tiếng đàn dưới chân núi Ka đay cũng theo bước chân của từng thế hệ trẻ mà mai một. Vào bản Rào Tre không còn nghe những tiếng đàn ấy nữa, những dàn âm thanh loa máy hiện đại dần dần thay thế những âm thanh mộc mạc của núi rừng. Khi hỏi về những ai biết làm và biết thổi sáo đánh đàn hay, người trong bản cũng nói "còn bốn người nữa thôi".

Cây đàn Trơ bon đã bị mối mọt do không dùng đến
Cây đàn Trơ bon đã bị mối mọt do không dùng đến

 “Thanh niên giờ chỉ thích nghe thế này thôi, không ai biết làm, biết đánh đàn nứa, đàn Muôi nữa đâu. Đàn dễ làm lắm nhưng có lẽ vì thế mà cũng bị dần lãng quên”, trưởng bản Hồ Kính vừa cười vừa nói, nhưng chúng tôi nhìn ánh mắt ông buồn lắm.

Cây đàn Trơ bon của bà Hồ Thị Niềm được bọc rất kỹ và có lẽ từ lâu rồi bà cũng không còn dùng đến nó nữa. Trên ống nứa, những vết mốt mọt đang gặm dần cây đàn một thời bà vẫn thường hay thổi.

Bó củi nên duyên

Một trong những tục cưới xin mà bao thế hệ người Chứt vẫn gìn giữ là tục để bó củi trước nhà. Anh Tịnh  cho chúng tôi biết: “Trai gái người Chứt đã biết tìm hiểu nhau con gái từ 13 - 14 tuổi, 15 -16 tuổi trở thành vợ, thành chồng”.  Trong cái mênh mông của núi rừng ấy, họ có thể rủ nhau đi chơi, có thể qua đêm với nhau trong rừng nhưng họ rất tôn trọng nhau mà không bao giờ vượt quá giới hạn cho phép.

Trong câu chuyện tình yêu của người Chứt thì bó củi là một vật linh thiêng và hết sức quan trọng. Bó củi được coi như lời tỏ tình của người con trai với người con gái. Sau khi tìm hiểu và cảm nhận được tình cảm của cô gái, người con trai mang một bó củi đến trước nhà cô gái thay cho lời cầu hôn. Giữa đêm thanh vắng, chàng trai sẽ lặng lẽ đến đặt bó củi trước cửa nhà người con gái và giữ bí mật, không cho các chàng trai khác trong bản biết.

 Quan niệm của người Chứt từ bao đời nay là vậy. Bó củi càng đều, càng đẹp, bó ngay ngắn thì đó là chàng trai chăm chỉ, cẩn thận. Nếu bố mẹ cô gái và cô gái đồng ý lời cầu hôn thì bó củi được mang vào nhà bếp và như vậy từ đó trở đi người con trai có quyền được đến ăn ở như vợ chồng với cô gái mặc dù chưa tiến hành lễ hỏi và lễ cưới. Nếu ngược lại thì bó củi để nguyên không được gia đình cô gái đem vào bếp để đun, chàng trai có thể mang bó củi về nhà mình chờ dịp tìm hiểu và cầu hôn với cô gái khác.

Một góc bản Rào Tre
Một góc bản Rào Tre

 Theo phong tục, sau lễ cưới, vợ chồng ăn ở tại nhà gái năm ngày đêm. Sau đó, về nhà trai ăn ở ba ngày đêm. Khi hết hạn quy định, vợ chồng quỳ lạy cha mẹ chồng, được cha mẹ cho phép mới được quyền tự do đi lại.

Đối với nhiều người con trai, sau lễ hỏi, họ chưa đủ điều kiện để làm lễ cưới thì có thể xin ở rể. Khi ở rể, họ đến sinh hoạt ở gia đình nhà gái như một thành viên chính thức. Chàng trai này vừa phải lao động cho nhà gái, vừa phải tiết kiệm của cải làm được để tổ chức lễ cưới bắt buộc. Trong thời gian ở rể đôi vợ chồng chưa chính thức đó có thể sinh con đẻ cái như những đôi vợ chồng khác đã tổ chức lễ cưới. Thời gian ở rể tùy thuộc vào việc chuẩn bị lễ cưới của người con trai đã đủ hay chưa.

Những đứa trẻ tại Rào Tre
Những đứa trẻ tại Rào Tre

Ở bản Rào Tre từ bao đời nay con gái con trai vẫn thành vợ thành chồng từ những bó củi như thế. Những đứa trẻ bản Rào Tre ra đời để duy trì nòi giống cho tộc người ít ỏi và còn nhiều hủ tục. Thế nhưng để phát triển tộc người Chứt nơi đây vẫn còn là bài toán khó, khi vấn đề hôn nhân cận huyết đã ăn sâu vào trong tư tưởng của tộc người này.

 

Phượng Vũ