Ngồi tù 2 năm vì phá hoại tranh của Picasso

(Dân trí) - Một thanh niên Mỹ vừa lĩnh án 2 năm tù vì tội phá hoại tranh Picasso. Hành động này tưởng như đã được thực hiện trót lọt khi anh ta tới thăm một viện bảo tàng ở thành phố Houston nhưng tình cờ, một người qua đường đã ghi hình lại.

Thanh niên này sau khi bị khởi tố tại tòa hôm thứ 3 vừa qua đã nhận mức án 2 năm tù giam sau khi thành khẩn nhận tội và nài xin sự tha thứ của bên nguyên.

Thanh niên 22 tuổi có tên Uriel Landeros đã phải đối mặt với 2 tội danh – vẽ lên bức tranh quý và thực hiện hành động phá hoại mang tính chất tội phạm. Anh này đã dùng sơn vẽ lên bức “Woman in a Red Armchair” (Người phụ nữ ngồi trong chiếc ghế tựa đỏ) của danh họa Pablo Picasso.

Bức “Woman in a Red Armchair” (Người phụ nữ ngồi trong chiếc ghế tựa đỏ)

Bức “Woman in a Red Armchair” (Người phụ nữ ngồi trong chiếc ghế tựa đỏ)

Emily Detotot, luật sư của bị cáo Landeros cho biết sau khi thương lượng với bên nguyên tại tòa, Landeros đã thú nhận tội trạng với hy vọng sẽ được hưởng mức án nhẹ nhất. Những tội khác cũng được bỏ qua. Landeros trước đó đã có nguy cơ phải ngồi tù 10 năm.

Luật sư Detoto cho biết thanh niên Landeros, 22 tuổi, lúc đầu đã yêu cầu cô biện hộ để có thể bác bỏ cáo buộc thực hiện hành vi phá hoại mang tính chất tội phạm. Theo Landeros, việc anh ta làm chỉ là đưa ra một tuyên ngôn nghệ thuật, một cách thể hiện xúc cảm trước một tác phẩm.

“Giờ thì anh ta hiểu rằng những gì mình làm là sai bởi đã gây ra tổn hại cho bức tranh và để thực hiện được những điều khao khát thầm kín, đôi khi chúng ta sẽ phải trả những cái giá rất đắt.”

Bức tranh đã bị phá hoại vào ngày 13/6 năm ngoái, hành động phá hoại này đã bị ghi hình lại bởi một người đi ngang qua đường, tình cờ nhìn thấy hành động của Landeros. Đoạn video dài 24 giây sau đó đã được đăng tải lên YouTube.

Landeros đã để lại trên bức tranh hình ảnh một đấu sĩ, một con bò mộng và từ “conquista” – một từ Tây Ban Nha có nghĩa là chinh phục.

Landeros và hành vi phá hoại

Landeros và hành vi phá hoại

Landeros ngay sau đó đã chạy trốn từ Mỹ sang Mexico. Anh ta vừa ra trình diện chính quyền tại biên giới Mỹ - Mexico hồi tháng 1 vừa qua.

Đại diện của viện bảo tàng chia sẻ: “Tòa án đã thực hiện đúng phận sự của mình và đưa ra một kết luận thỏa đáng cho vụ việc.”

Luật sư Detoto cho biết khách hàng của cô có khả năng cao sẽ được phóng thích sớm sau một thời gian ở trong nhà tù bang Texas bởi nước Mỹ cho phép phóng thích tù nhân nếu người này hứa sẽ giữ tư cách đạo đức tốt.

Landeros sẽ phải ở tù 5 tháng để chứng tỏ bản thân và vì hành vi phạm tội của anh không liên quan tới bạo lực nên khả năng cao anh sẽ được lãnh đạo trại giam xem xét giảm nhẹ án.

Sau khi được phóng thích, Landeros sẽ quay trở lại trường Đại học Houston để hoàn tất một học kỳ còn dở dang và nhận bằng cử nhân.

“Anh ta vẫn muốn tiếp tục sự nghiệp mỹ thuật. Chúng tôi hy vọng rằng Landeros sẽ trở nên tích cực hơn sau khi có một trải nghiệm nhớ đời”, luật sư Detoto chia sẻ.

Đại diện viện bảo tàng cho biết việc phục chế đã gần hoàn tất và sẽ không có một dấu vết khác thường nào có thể nhận ra khi bức tranh được đem trưng bày trở lại.

Vụ phá hoại tranh quý này đã khiến cả nước Mỹ biết tới Landeros. Hồi tháng 10 năm ngoái, một phòng triển lãm ở Houston đã tranh thủ cơ hội đem trưng bày những tác phẩm của Landeros. Hành động này khiến cộng đồng nghệ thuật trong thành phố vô cùng tức giận.

Đây không phải là lần đầu tiên một trong những tác phẩm của Picasso bị phá hoại. Hồi năm 1999, một bệnh nhân tâm thần sau khi trốn khỏi bệnh viện ở thành phố Amsterdam, Hà Lan đã tới phòng tranh và cắt một mảnh ở giữa bức “Woman Nude Before Garden” (Người phụ nữ khỏa thân đứng trước vườn).

Nhiều tác phẩm của các danh họa khác cũng đã trở thành mục tiêu phá hoại. Hồi tháng 10 năm ngoái, một bức tranh của danh họa Mỹ Mark Rothko trưng bày tại triển lãm Tate Modern ở London đã bị phun sơn nguệch ngoạc. Bức “Mona Lisa” cũng đã từng bị tấn công vài lần bằng acid, một hòn đá và một chiếc tách trà.

 
Pi Uy
Theo Huffington Post