Nghị lực đáng nể của phóng viên ảnh vẫn làm việc ở tuổi… 101

(Dân trí) - Ở tuổi 101, nữ phóng viên ảnh này vẫn tiếp tục làm nghề và đã có 75 năm cầm máy. Dù vừa bình phục từ một tai nạn khiến bà bị gãy cả tay, cả chân, nhưng bà cụ vẫn kiên quyết vừa điều trị phục hồi, vừa tiếp tục bấm máy.

Nước Nhật vốn được biết đến là quốc gia có nhiều người già sống thọ hàng đầu thế giới. Việc một cụ già sống tới hơn trăm tuổi không hiếm gặp ở Nhật, nhưng việc một cụ già dù đã ở tuổi “bách niên giai lão” vẫn tiếp tục làm công việc đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, là điều khiến nhiều người phải ngỡ ngàng và thán phục.

“Điều cần thiết là luôn giữ cho mình cách nhìn tích cực về cuộc đời và không bao giờ từ bỏ” - Tsuneko Sasamoto. Trong ảnh là nữ nhiếp ảnh gia Tsuneko Sasamoto thời trẻ.
“Điều cần thiết là luôn giữ cho mình cách nhìn tích cực về cuộc đời và không bao giờ từ bỏ” - Tsuneko Sasamoto. Trong ảnh là nữ nhiếp ảnh gia Tsuneko Sasamoto thời trẻ.

Bà Tsuneko Sasamoto là nữ phóng viên ảnh đầu tiên của Nhật. Sinh ngày 1/9/1914, bà Sasamoto hiện là một trong những nhiếp ảnh gia lớn tuổi nhất ở Nhật. Dù năm ngoái, bà đã gặp phải một tai nạn khiến bà bị gãy một bên tay và cả hai bên chân, nhưng ngay trong quá trình bình phục, nữ phóng viên ở tuổi “xưa nay hiếm” này đã tiếp tục làm nghề.

Bà Sasamoto hiện đang trải qua quá trình phục hồi trị liệu, tuy vậy, điều này không khiến bà dừng bước. Bà Sasamoto đã đang theo đuổi một dự án nhiếp ảnh mới, xoay quanh đề tài về những bông hoa. Dự án nhiếp ảnh có tên “Hana Akari” (Sắc hoa bừng sáng) là lời tưởng niệm của bà dành cho những người bạn thân thiết đã qua đời.

Sasamoto bắt đầu là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ năm 25 tuổi. Ngay khi xuất hiện bà đã gây chú ý bằng những bức ảnh chụp nước Nhật trước và sau chiến tranh. Sự hiếu kỳ của bà Sasamoto đã giúp bà luôn tìm được năng lượng và ý tưởng mới trong công việc.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 101, bà Sasamoto đã có một sự nghiệp nhiếp ảnh thành công, được coi là nữ phóng viên ảnh tiên phong của Nhật, có nhiều tác phẩm ảnh giá trị và đã thực hiện được một kho tàng đồ sộ các bức ảnh về nước Nhật.

“Đừng bao giờ trở nên lười biếng” - Đó là điều bà Sasamoto luôn tâm niệm.
“Đừng bao giờ trở nên lười biếng” - Đó là điều bà Sasamoto luôn tâm niệm.
“Bạn cần phải luôn thúc đẩy bản thân mình để có thể tiếp tục tiến về phía trước”.
“Bạn cần phải luôn thúc đẩy bản thân mình để có thể tiếp tục tiến về phía trước”.

Bà Sasamoto bắt đầu đến với nhiếp ảnh khi một người quen thành lập một hiệp hội nhiếp ảnh và hỏi bà, khi đó vẫn đang là một cô gái trẻ, rằng liệu Sasamoto có muốn tham gia không. Nhận lời gia nhập hội, cô gái trẻ khi đó không hề biết rằng mình sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Nhật bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí.

Bà Sasamoto nhớ lại: “Khi tôi còn trẻ, tôi thường bị bảo rằng cô chỉ là phụ nữ, tại sao cô lại có thể trở thành nhiếp ảnh gia được chứ… Nhưng khi tôi xem những bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia phương Tây, tôi hiểu rằng mình hoàn toàn có thể giống như họ”.

Giờ đây, 75 năm sau khi bắt đầu sự nghiệp, nhiếp ảnh gia Sasamoto vốn nổi tiếng với những bức ảnh chân dung đen trắng, ảnh lịch sử và những khoảnh khắc đời sống mang tư duy mới mẻ… đã tạo nên dấu ấn đậm nét trong lịch sử nhiếp ảnh Nhật Bản.

Bà Sasamoto chụp mái vòm ở thành phố Hiroshima năm 1953. Đây là một chứng tích lịch sử của thành phố sau vụ ném bom nguyên tử.
Bà Sasamoto chụp mái vòm ở thành phố Hiroshima năm 1953. Đây là một chứng tích lịch sử của thành phố sau vụ ném bom nguyên tử.
Trường đào tạo Geisha. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1951.
Trường đào tạo Geisha. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1951.
Sử gia - nhà báo Soho Tokutomi. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1957.
Sử gia - nhà báo Soho Tokutomi. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1957.

Trong suốt những thập niên đã qua, bà Sasamoto đã chứng kiến lịch sử và ghi lại lịch sử thông qua lăng kính nhiếp ảnh. Bà Sasamoto đã tận dụng giới tính của mình như một thế mạnh để tiếp cận những đề tài nhiếp ảnh mang đầy nữ tính mà bình thường vốn bị các nhiếp ảnh gia nam lãng quên.

Đó là cuộc sống của phụ nữ Nhật trong suốt những thập niên từ đầu thế kỷ 20, kể từ khi họ bắt đầu đòi quyền bình đẳng giới, tìm kiếm sự độc lập trong cuộc sống bằng một bản lĩnh mạnh mẽ đầy mới mẻ của thời đại.

Cuộc sống của một nữ nhiếp ảnh gia không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với bà Sasamoto. Khi bình đẳng giới còn là điều phụ nữ Nhật đang cố gắng đạt được ở những thập niên đầu của thế kỷ 20, bà Sasamoto đã phải đương đầu với những bình luận tiêu cực từ các đồng nghiệp nam. Bà đã phải học cách hợp tác với những người không có thiện chí với mình.

Con tàu Soya đi đến Nam Cực. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1956.
Con tàu Soya đi đến Nam Cực. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1956.
Một chính trị gia người Nhật. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1955.
Một chính trị gia người Nhật. Ảnh: Tsuneko Sasamoto, chụp năm 1955.

Bà Sasamoto cũng từng bị gia đình phản đối, yêu cầu bà hãy bỏ việc để chuyên tâm vào gia đình. Bà đã kết hôn hai lần. Cuộc hôn nhân đầu kết thúc vì chồng bà không thể cảm thông cho công việc bận rộn của vợ. Dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng đối với bà Sasamoto, thử thách lớn nhất lại là việc… thời trẻ, bà thường phải mặc váy và đi giày cao gót tác nghiệp.

Ở thời bà Sasamoto, người ta có những chuẩn mực cho trang phục công sở và bà buộc phải tuân thủ. Với trang phục như vậy, bà luôn phải chật vật leo cầu thang và di chuyển để chụp được các bức hình từ những góc độ khác nhau.

Bà Sasamoto cũng nổi tiếng là một người rất có phong cách.
Bà Sasamoto cũng nổi tiếng là một người rất có phong cách.

Giờ đây, đã ở tuổi 101, bà Sasamoto vẫn tận tụy với công việc, vẫn cho ra những cuốn sách ảnh, gửi các tác phẩm tới tham dự các triển lãm và tự đề ra những dự án nhiếp ảnh mới cho mình.

Đoạn video được thực hiện vào đúng sinh nhật thứ 100 của bà Sasamoto

Bích Ngọc
Theo Bored Panda/Mental Floss

Nghị lực đáng nể của phóng viên ảnh vẫn làm việc ở tuổi… 101 - 10