Nghệ sĩ và cuộc sống sau tấm màn nhung

(Dân trí) - Nhắc đến nghệ sĩ, người ta thường nghĩ ngay tới nhà lầu xe hơi, cuộc sống giàu sang nhung lụa. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rất nhiều nghệ sĩ chật vật sống qua ngày, đặc biệt là các nghệ sĩ cải lương.

Ngày nay, khi nhắc đến những nghệ sĩ nổi tiếng người ta thường nghĩ tới một cuộc sống nhung lụa, giàu sang. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi đa phần các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ cải lương, sống trong nghèo khổ, những hình ảnh về nhà lầu triệu đô, xe hơi tiền tỷ... đôi khi chỉ là những hình ảnh được các công ty dựng lên để làm... quảng cáo. Không ít nghệ sĩ hiện phải nương nhờ trong các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, hoặc cư trú tại “chùa nghệ sĩ”.

Đa phần nghệ sĩ cải lương đều nghèo

Khi thông tin nghệ sĩ cải lương Vũ Minh Vương mang trọng bệnh nhưng không có tiền chưa bệnh khiến nhiều người “giật mình”. Bấy lâu họ cứ nghĩ nghệ sĩ là giàu có lắm, sao lại ra nông nỗi đó? Mang câu chuyện trao đổi với nghệ sĩ Bạch Long, một người có 3 đời gắn liền với bộ môn nghệ thuật cải lương, anh cho biết điều đó thật ra không... lạ. Trong giới cải lương, những nghệ sĩ có thể tự mình làm giàu, mua biệt thự, nhà lầu xe hơi, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, một số nghệ sĩ khác sống được nhờ “anh nuôi, chị nuôi”... số đông còn lại, liêm khiết, tự trọng hơn thì... đa phần nghèo.

Đâu rồi thời hoàn kim của Cải lương
Đâu rồi thời hoàn kim của Cải lương

Nếu ai có dịp về Cà Mau sẽ được người dân chỉ tới Đường “Quán nghệ sĩ” bởi nơi đây có rất nhiều quán nhậu của các nghệ sĩ đoàn cải lương Hương Tràm. Ở Sóc Trăng cũng có dãy quán của các nghệ sĩ đoàn cải lương Chuông Vàng. Khi cải lương bị “xuống sức” các nghệ sĩ phải bung ra làm đủ nghề để kiếm sống, (nhiều nghệ sĩ thích dùng từ này để chỉ về sự ảm đạm hiện tại của bộ môn nghệ thuật cải lương bởi “xuống sức” nghĩa là sẽ còn có thể “hồi sức”, còn có thể hi vọng).

Không chỉ mở quán nhậu để vừa buôn bán vừa “có sân khấu hát cho đỡ nhớ”, có nghệ sĩ như nghệ sĩ Chín Quý thậm chí còn đi hát... đám ma để kiếm sống. Nghệ sĩ Minh Cảnh, người từng nổi đình đám cách đây nhiều năm còn thiếu nợ, bị chủ nợ “dí như fan dí ngôi sao Hollywood”, cuối cùng được một người bạn bao qua Mỹ biểu diễn để lấy tiền trả nợ. Ai ngờ qua Mỹ hát không có mấy người xem, đã bị kẹt lại không thể trở về.

Các nghệ sĩ cải lương ở tỉnh ra vậy, những nghệ sĩ cải lương ở TP HCM có khá hơn, nhưng họ sống khá hơn lại không dính dáng tới cải lương. Những nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long... đã chuyển qua kịch nói để “cầm hơi”. Thậm chí, những người tài năng và nổi tiếng bậc nhất hiện nay như Thành Lộc còn phải nhận đủ nghề, từ làm giám khảo, lồng tiếng phim... Những người may mắn có được một căn nhà riêng như NSƯT Thành Lộc cũng là ước mơ của nhiều người, bởi đa phần các nghệ sĩ đều đang đi thuê nhà.

Thành Lộc đã phải bỏ cải lương qua kịch nói để tồn tại, nhưng anh vẫn đau đáu với cải lương.
Thành Lộc đã phải bỏ cải lương qua kịch nói để tồn tại, nhưng anh vẫn đau đáu với cải lương.

“Nhà của Lộc hiện tại có được cũng khá may mắn, khi chị gái của Lộc đi thì có để lại căn nhà cho Lộc theo kiểu mua “hoá giá”. Chứ nhiều người gạo cội, nổi tiếng còn phải đi thuê nhà. Bản thân tôi có một lần thuê căn phòng nhỏ ở đường Nguyễn Văn Nghi có anh công an đi kiểm tra hộ khẩu, mở cửa thấy tôi ảnh bất ngờ lắm. Ảnh hỏi: “Sao anh ở đây?” Tôi trả lời: “Thì tôi ở đây mà?” Anh công an cứ cãi: “Không, ý tôi hỏi là sao giờ này mà anh ở đây? Người thuê nhà đâu?” Tôi nói tôi thuê nhà này mà ảnh không tin, anh ấy nói các ông phải ở biệt thự chứ? Tôi mắc cười quá, mới nói: “Anh ơi, anh đừng nghĩ nghệ sĩ nào cũng giàu. Tôi thuê nhà này biết bao nhiêu năm rồi.” Bạch Long chia sẻ với giọng điệu không giấu nổi sự ngậm ngùi.

Giàu có chỉ theo thời

Nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ, những năm 1975, khi cách mạng giải phóng miền nam cũng là lúc cải lương được hồi sinh. Anh nhớ hồi đó “bất kỳ vở nào dựng lên cũng cháy vé, thậm chí 9h sáng mở cửa ra thì cũng đã hết vé rồi. Đến mức những vở diễn cũ cũng được diễn lại, những vở như Câu thơ yên ngựa, Tiếng trống Mê Linh, Nàng Xê đa... lúc nào cũng cháy vé.

“Hồi đó người dân nô nức chờ được đi xem cải lương mỗi tối. Tuy vậy nghệ sĩ cũng không... giàu nổi, bởi hồi đó nghệ sĩ nhận lương như công chức. Mỗi tháng bước lên sân khấu, hát thế nào cũng nhận được bằng đó tiền lương theo tiêu chuẩn nhà nước. Mãi tới những năm 1982, 1983 thì một số nghệ sĩ mới “bung” ra, mới biết đòi hỏi... nhưng số đó không nhiều. Dù ba tôi là NSND Thành Tôn rất nổi tiếng nhưng nhà tôi vẫn phải ở sau cánh gà sân khấu chứ không có nhà riêng để ở. Nhưng chúng tôi vẫn yêu nghề lắm, mỗi đêm diễn thấy khán giả “com lê” (kín ghế - PV) là mừng lắm rồi. Chỉ biết diễn và diễn thật tốt mà thôi.”

Bạch Long đã lập lại đội Đồng ấu Bạch Long để truyền nghề cho giới trẻ
Bạch Long đã lập lại đội Đồng ấu Bạch Long để truyền nghề cho giới trẻ

Nói về nghệ sĩ cải lương giàu có, Bạch Long cho biết đó chỉ là con số nhỏ, rất ảo mà thôi. Nhiều người rất giỏi, rất nổi tiếng nhưng vẫn nghèo, bây giờ xuống chùa Nghệ sĩ vẫn thấy rất nhiều gương mặt nổi tiếng phải nương nhờ ở đó vì không biết đi đâu. “Tuy vậy, chúng tôi không quá buồn, chúng tôi coi đó là số phận. Tổ đãi chúng tôi rất nhiều, cho chúng tôi cơ hội đứng trên sân khấu, được hát cho khán giả nghe. Giờ về già neo đơn, thì người này giúp đỡ người kia cùng sống qua ngày.”

“Ngày xưa nghệ sĩ giàu thường nhờ vợ, hoặc chồng... chứ nghệ sĩ đi hát thôi thì không giàu được, chị Bạch Tuyết cũng nhờ chồng rất nhiều. Mà có bung ra làm ăn, kinh doanh thì càng không được vì họ chỉ hay, chỉ giỏi trên sân khấu thôi, chứ bước vào thương trường là bị lừa, bị qua mặt liền. Tôi cũng từng bung ra làm ăn rồi thua hết. Nghệ sĩ giàu chỉ có thời thôi, khi anh đang trên đỉnh cao, nếu anh biết khôn, anh mua đất, mua vàng tích trữ để về già, hết show còn có cái bán đi mà ăn. Nhưng ít người làm được vậy lắm, vì khi trở về với đời thường, nghệ sĩ “khờ” lắm, không biết làm ăn buôn bán gì”.

Còn có một dạng giàu nữa là nhờ “anh nuôi, chị nuôi”...  Nhiều người được “anh nuôi, chị nuôi” giúp đỡ rồi đâm ra bị lệ thuộc. Tôi cũng từng được đề nghị nhận làm “em nuôi” của vài người nhưng tôi không chịu. Chị ái mộ tôi trên sân khấu, chị thương tôi, tôi nhận. Chứ chị đừng mang tiền ra để sai khiến tôi, tôi không chịu được. Tôi rất nể NSND Thành Tòng ở chỗ, ngày xưa anh ấy từng được con gái của một chủ Ngân hàng chế độ cũ “say” lắm. Nhà đó rất giàu có, cổ nói chỉ cần anh cưới em, bỏ nghề hát đi rồi mình vi vu sống vui vẻ. Nhưng anh Thanh Tòng không chịu, anh nói: “Thà tôi bỏ cô chứ tôi nhất định không bỏ hát được”.

Bạch Long vẫn rất tâm huyết với nghề
Bạch Long vẫn rất tâm huyết với nghề

Nghèo đến mấy cũng vẫn ham nghề

Tuy nghèo túng và khó khăn là vậy, nhưng các nghệ sĩ cải lương vẫn rất yêu nghề và tin tưởng vào sự trở lại của các sân khấu cải lương. Các nghệ sĩ đoàn Chuông Vàng, Hương Tràm mở quán nhậu để kinh doanh thì ít mà để có sân khấu “hát cho đỡ nhớ” thì nhiều. Mặc dù quán nhậu rất phức tạp, lại cực khổ nhưng mỗi lần khách yêu cầu hát, ai nấy đều rất hạnh phúc. Là nghệ sĩ, được đứng trên sân khấu đã là mừng lắm rồi.

Nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ, những năm trước 75, cải lương từng “xuống sức” một lần rồi lại hưng thịnh lại mãi cho đến những năm 86 - 87 của thế kỷ trước. “Bây giờ là thời của tân nhạc, của phim ảnh... nhưng kịch nói đang dần sống lại, tôi tin cải lương cũng sẽ có niềm hi vọng. Đội “Đồng ấu Bạch Long” của tôi cũng đã được lập lại, không phải là các em 6,7 tuổi nữa mà là các em sinh viên. Tôi thấy các tập hăng say, hát rất hay... tôi mừng lắm. Đến các bạn trẻ còn yêu mến cải lương đến vậy thì không lý do gì những nghệ sĩ như chúng tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ lại được đứng trên sân khấu cải lương để phục vụ công chúng.”

Phan Anh