Nghệ nhân hô Bài Chòi Hội An hội tụ mừng sự kiện thành Di sản thế giới

(Dân trí) - Tối 8/12, tại Vườn tượng An Hội (TP Hội An, Quảng Nam) đã diễn ra chương trình đặc biệt về nghệ thuật Bài Chòi nhằm chào mừng sự kiện “Nghệ thuật bài chòi Miền Trung Việt Nam được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.

Theo đó, vào hồi 15h10 ngày 7/12/2017 (giờ Việt Nam), tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), di sản nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Các thế hệ nghệ nhân hô hát Bài Chòi đã nhau cùng biểu diễn trong sự kiện chào mừng Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể

Các thế hệ nghệ nhân hô hát Bài Chòi đã nhau cùng biểu diễn trong sự kiện chào mừng Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể

Đây cũng là di sản thứ 10 của Việt Nam được công nhận và vinh danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

Hai du khách đến từ TPHCM rất hào hứng khi lần đầu tiên trực tiếp tham gia hô hội Bài Chòi lại đúng dịp sự kiện đặc biệt này
Hai du khách đến từ TPHCM rất hào hứng khi lần đầu tiên trực tiếp tham gia hô hội Bài Chòi lại đúng dịp sự kiện đặc biệt này

Để chào mừng sự kiện Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, Hội An đã tổ chức đêm hội đặc biệt về nghệ thuật Bài Chòi. Tại sự kiện, các nghệ nhân hô Bài Chòi thuộc nhiều thế hệ của Hội An đã cùng nhau trình diễn những tiết mục thú vị, đặc sắc gửi đến khán giả trong và ngoài nước.

Trong đêm chào mừng, tất cả các thẻ hô Bài Chòi và các phần quà đều được phát miễn phí. Sự kiện thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân và du khách.

Nghệ nhân hô Bài Chòi Hội An hội tụ mừng sự kiện thành Di sản thế giới - 3
Du khách nước ngoài cũng rất nhiệt tình tham gia vào chương trình
Du khách nước ngoài cũng rất nhiệt tình tham gia vào chương trình

Ông Lê Minh Hiền (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất vui và hào hứng khi được tham gia đêm hội đặc biệt chào mừng Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp hô Bài Chòi, rất hay và thú vị. Là một người con Việt Nam, tôi cũng rất tự hào khi Bài Chòi của Trung Bộ được UNESCO công nhận”.

Các nghệ nhân hô Bài Chòi phục vụ khán giả
Các nghệ nhân hô Bài Chòi phục vụ khán giả

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính: “Chơi Bài Chòi” và “Trình diễn Bài Chòi”.

Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình.

Nhiều tiết mục thú vị, đặc sắc được gửi đến khán giả
Nhiều tiết mục thú vị, đặc sắc được gửi đến khán giả

Một trong những nét độc đáp nhất của Bài Chòi là tức hứng và độc diễn. Tức hứng là ứng khẩu thành lời hát ngay tại chỗ; còn độc diễn là người nghệ sĩ đóng nhiều vai khác nhau, lúc tướng, lúc quân, lúc ông, lúc cháu… và diễn nhiều cảnh khác nhau. Người trình diễn không cần về sân khấu, hóa trang, trang phục… Nói chung, về hình thức biểu diễn không cần những đạo cụ phức tạp; những nhân vật trong chuyện kể thì bình đẳng; lời thơ, câu hát phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người diễn xướng.

Người phục vụ trong sự kiện đưa tấm thẻ bài được chọn trong lúc hô Bài Chòi để khán giả được biết
Người phục vụ trong sự kiện đưa tấm thẻ bài được chọn trong lúc hô Bài Chòi để khán giả được biết

Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Cùng với cộng đồng, những người này đã thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và trình dạy nghệ thuật Bài Chòi thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.

Phát cờ cho người chơi có thẻ bài được nghệ nhân hô trên sân khấu
Phát cờ cho người chơi có thẻ bài được nghệ nhân hô trên sân khấu

Nghệ nhân hô Bài Chòi Hội An hội tụ mừng sự kiện thành Di sản thế giới - 9
Người chơi vui mừng khi được nhận các phần quà ý nghĩa từ chương trình
Người chơi vui mừng khi được nhận các phần quà ý nghĩa từ chương trình

Hầu hết nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.

​Một đoạn trong hô hát Bài Chòi

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

N.Linh