Huế:

Nghề dệt Zèng Huế được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Sáng 16/1 tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra lễ đón bằng công nhận nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện ủy A Lưới đã thay mặt huyện, đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề dệt Zèng. Tại buổi lễ, tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời trao Giấy chứng nhận cho nhiều tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn, xây dựng hồ sơ nghề dệt Zèng. Những hoạt động trình diễn kỹ thuật dệt Zèng, trình diễn thời trang Zèng trong cùng ngày 16/1 đã làm không khí miền núi rừng A Lưới thêm sôi động và vui tươi.

Đón nhận bằng công nhận nghề dệt Zèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đón nhận bằng công nhận nghề dệt Zèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Ở nhiều xã trong huyện này như xã Nhâm, Hồng Thái, A Ngo, A Roàng, A Đớt… đều có 100% người đồng bào Tà Ôi biết dệt Zèng.

Tấm vải Zèng được kết hợp từ sợi vải, hạt cườm và lục lạc, tạo nên những hệ hoa văn độc đáo. Trong các lễ hội quan trọng ở A Lưới không thể thiếu trang phục Zèng. Hay mới đây là các ủy ban xã đã vận động cán bộ đi làm mặc trang phục Zèng một số ngày trong tuần. Thời trang thổ cẩm Zèng cũng vừa xuất hiện trên sân khấu thời trang Festival nghề Huế 2015 lần đầu tiên, đem đến nhiều thú vị và bất ngờ cho du khách.

Một phụ nữ A Lưới đang đính cườm lên tấm vải Zèng trong lúc dệt
Một phụ nữ A Lưới đang đính cườm lên tấm vải Zèng trong lúc dệt

Được biết, nghề dệt Zèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ hai của tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đó là Ca Huế. Hiện dệt zèng ở A Lưới đang tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong lúc nhàn rỗi; và có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua phục vụ các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề… về dệt Zèng.

Tại A Lưới nhiều người dân đều biệt dệt Zèng
Tại A Lưới nhiều người dân đều biệt dệt Zèng

Hiện ở A Lưới năm 2016 có khoảng 38.000 du khách đến thăm quan, vui chơi các loại hình du lịch sinh thái, cách mạng, ẩm thực. Với nghề dệt Zèng thú vị mới được công nhận này sẽ là cơ hội cho huyện miền núi A Lưới tăng số lượng khách đến tìm hiểu.

TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Sau khi đón nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề dệt Zèng sẽ góp phần quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa phi vật thể Huế. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt Zèng, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc”.

Đại Dương