1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nét văn hóa - tâm linh đẹp đẽ đằng sau những lễ Tết Âm lịch

(Dân trí) - Trong đời sống văn hóa - tâm linh của người Việt, một năm có nhiều lễ lớn, đằng sau mỗi dịp lễ - Tết là những ý nghĩa văn hóa - tâm linh đẹp đẽ.

Hãy bắt đầu từ những lễ cúng trong tháng Chạp Âm lịch:

Lễ cúng Táo quân
Lễ cúng Táo quân

Lễ cúng Táo quân là một trong những lễ lớn cuối cùng của năm âm lịch, diễn ra trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Đây là dịp để mỗi nhà bày tỏ lòng thành, cúng tiễn Táo quân về Trời. Vào ngày này, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm.

Ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép lại tất cả những việc làm tốt xấu của gia chủ trong năm. Lễ cúng Táo quân gồm có hương hoa, nải quả, vàng mã (gồm hai bộ mũ - hài đàn ông, một bộ mũ - hài phụ nữ, kèm theo ba con cá chép giấy, có gia đình cúng cá chép thật), bánh chưng và các món thịnh soạn để dâng lên các Táo cùng ông bà tổ tiên.

Mâm cỗ thịnh soạn cúng tiễn Táo quân lên trời chầu Ngọc Hoàng thể hiện mong muốn của “người trần” rằng Táo quân dùng cơm xong sẽ “ấm lòng”, lên chầu sẽ tâu những điều tốt đẹp nhất với Ngọc Hoàng và báo cáo nhẹ đi những điều “không nên không phải” của gia chủ.

Việc làm này ở một khía cạnh nào đó giúp con người sống tốt hơn, tự ý thức lại những việc làm chưa đúng đắn trong năm cũ. Bắt đầu từ sau lễ cúng Táo quân là Tết Nguyên đán đã rất cận kề, người ta bắt đầu náo nức chuẩn bị cho Tết.

Lễ cúng Tất niên - Giao thừa
Lễ cúng Tất niên - Giao thừa

Lễ cúng Tất niên 30 tháng Chạp là lễ rất quan trọng trước Tết. Đây là ngày gia đình sum họp, ngồi lại với nhau để ăn cơm tất niên. Buổi trưa hoặc chiều ngày 30 tháng Chạp, người ta thường làm cỗ cúng tất niên, tiễn năm cũ.

Bữa cơm Tất niên, cũng như những bữa cơm trong 3 ngày Tết đầu năm, gồm có rất nhiều đồ ăn, thức uống đa dạng và tùy vào cách thức chuẩn bị của từng nhà, không có “công thức chung”. Tinh thần chính của bữa cơm “dạo đầu” cho Tết Nguyên đán là dịp để mọi người trong nhà ngồi lại bên nhau trò chuyện, ăn uống vui vẻ, đầm ấm, sau một năm đã làm lụng vất vả.

Đồ ăn trong những ngày Tết tuy không gò bó nhưng vẫn có một số “quy tắc” với mong muốn đem lại vận may cho gia chủ. Các món phổ biến thường thấy có bánh chưng, xôi gấc, thịt gà, canh măng… Đặc biệt, bánh chưng là thức không thể thiếu mỗi dịp Tết với những ý nghĩa biểu trưng đẹp đẽ, thể hiện sự đùm bọc, gắn bó trong gia đình.

Giữa ngày 30 tháng Chạp và ngày mùng 1 tháng Giêng, vào giờ Tý, ở thời điểm Chính Tý (0h ngày mùng 1 tháng Giêng), là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Thời khắc này đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được gọi là thời khắc Giao thừa.

Ở thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở ngoài trời. Cúng Giao thừa theo quan niệm truyền thống là để những điều xúi quẩy của năm cũ ra đi, những điều tốt đẹp của năm mới vào nhà.

Mâm cúng ngoài trời là để đón các vị Thiên binh nhà Trời. Lúc đó, họ đi thị sát dưới hạ giới rất vội vã, không kịp vào tận bên trong các nhà, vì vậy, bàn cúng được đặt ngay trước cửa chính để các vị Thiên binh chứng giám lòng thành của gia chủ. Ngoài ra, mâm cúng ngoài trời lúc Giao thừa còn thể hiện lòng thành kính, tiễn người nhà Trời đã cai quản trong năm cũ trở lại Thiên đình và đón người mới xuống.

Mâm cúng Giao thừa trong nhà là để cúng tổ tiên. Trước khi khấn tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng con cháu, gia chủ thường phải khấn Thổ Công để xin phép. Trong một năm âm lịch của người Á Đông thì Tết Nguyên đán là dịp Tết lớn nhất, quan trọng nhất, là dịp Tết đoàn viên, sum họp.

Lễ cúng Tân niên
Lễ cúng Tân niên

Ngày mùng Một Tết là ngày Tân niên cũng là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi, được mời xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình.

Đối với những người con đã tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, vào sáng mùng Một, họ sẽ đến chúc Tết bậc sinh thành.

Sáng mùng Một Tết còn gọi là ngày Chính Đán, con cháu tụ họp để dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, sau đó chúc Tết ông bà, cha mẹ, các bậc cao niên, huynh trưởng trong nhà. Lúc này, con cháu mừng thọ ông bà, trẻ nhỏ được mừng tuổi.

Người Việt quan niệm rằng nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mùng Một thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào trong nhà đều được coi là người xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng vì thế mà trở nên quan trọng.

Nét văn hóa - tâm linh đẹp đẽ đằng sau những lễ Tết Âm lịch - 4

Cho nên cứ đến cuối năm, mọi người thường để ý tìm xem có người quen nào hợp tuổi, hợp mệnh, tính tình vui vẻ, hoạt bát, yên bề gia thất và sự nghiệp vững vàng để nhờ sang xông nhà. Người đến xông nhà thường không ngồi lại lâu, hàm ý chúc cho mọi việc trong năm mới của gia chủ cũng được trôi chảy, hanh thông.

Trong ngày mùng Một, người ta thường xuất hành - đi ra khỏi nhà lần đầu tiên trong năm mới. Việc xuất hành là để đi tìm may mắn cho bản thân và cho gia đình. Trước khi xuất hành, người ta thường xem ngày giờ, phương hướng.

Nét văn hóa - tâm linh đẹp đẽ đằng sau những lễ Tết Âm lịch - 5

Ngày mùng Hai Tết tiếp tục hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau khi việc cúng lễ xong xuôi, việc thăm hỏi chúc Tết diễn ra thoải mái hơn, người ta có thể đến chúc Tết họ hàng, bạn bè rất vô tư, thoải mái mà không còn lo mình sẽ trở thành người xông nhà “bất đắc dĩ” cho gia chủ nữa.

Đàn ông chuẩn bị lập gia đình sẽ đến nhà cha mẹ vợ tương lai để chúc Tết, con gái đã đi lấy chồng sẽ quay về nhà chúc Tết cha mẹ đẻ và họ hàng.

Nét văn hóa - tâm linh đẹp đẽ đằng sau những lễ Tết Âm lịch - 6

Ngày mùng Ba Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy cô giáo cũ theo tục “mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”.

Trong ngày Tết, người ta thường trao đi những chiếc phong bao đỏ đựng tiền mừng tuổi. Xưa còn có lệ chỉ cho tiền lẻ vào phong bao với ngụ ý số lẻ là còn tiếp tục sinh sôi, nảy nở thêm.

Nét văn hóa - tâm linh đẹp đẽ đằng sau những lễ Tết Âm lịch - 7

Ngày mùng 4 Tết theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ hóa vàng, tiễn tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu, đồng thời, đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm nhiều tiền vốn đầu năm. Lễ hóa vàng có thể diễn ra vào ngày mùng 4 hoặc mùng 5 Tết, thường bao gồm cả việc làm cơm cúng.

Nét văn hóa - tâm linh đẹp đẽ đằng sau những lễ Tết Âm lịch - 8

Ngày mùng 7 Tết được coi là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết Nguyên đán. Trong ngày này, người Việt cổ làm lễ hạ cây nêu, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mùng 8 hoặc mùng 9 tháng Giêng.

Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là Tết Thượng nguyên)
Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là Tết Thượng nguyên)

Tết này diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng. Đây là lần trăng tròn đầu tiên trong năm âm lịch. Người Việt có câu “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, để thấy vị trí của ngày Tết này trong tâm thức người dân quan trọng thế nào.

Vậy là, sau những ngày Tết Nguyên đán, đến ngày Rằm tháng Giêng, người Việt lại ăn một cái Tết nữa. Tết này tổ chức tại chùa và tại gia. Vào ngày này, các gia đình Việt sẽ tiếp tục làm cơm cúng thịnh soạn dâng lên bàn thờ gia tiên.

Khi xưa, Tết Thượng Nguyên mang nhiều ý nghĩa tinh thần, các văn sĩ, học giả vào ngày này thường ra vườn, uống rượu, ngắm hoa, thưởng trăng và làm thơ đầu năm.

Rằm Tháng Giêng của người Việt còn mang ý nghĩa tôn giáo. Vào ngày này, người Việt sau khi hoàn tất việc cúng bái tại gia, thường lên chùa dâng hương và đặc biệt hay lên chùa vào lúc trời tối, khi trăng tròn đầu năm đã lên cao.

Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực rơi vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. “Hàn Thực” hiểu nôm na là thức ăn lạnh. Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.

Đó cũng là một cách tưởng niệm người thân trong những ngày cuối xuân khi vào dịp này cũng là lúc nhà nhà đi tảo mộ đầu năm, như trong Truyện Kiều có câu: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương)
Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương)

Tết này diễn ra trong ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết đã tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Á Đông. “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11h sáng tới 1h chiều. Vì vậy, người ta thường ăn Tết Đoan Ngọ vào buổi trưa.

Ở Việt Nam, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, buổi sáng sớm, người ta ăn bánh gio, trái cây, và rượu nếp để “giết sâu bọ”, diệt trừ bệnh tật trong người. Cúng lễ trong dịp Tết này cũng chỉ gồm những món giản dị, dân giã kể trên, để mừng một tiết mới, đón chào sự trong sáng và quang đãng mới.

Trong ngày này, theo quan niệm dân gian, dương khí lên cao nhất, vì vậy, người ta cúng lễ để cầu an. Ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, vào ngày này, người ta thường làm các món ăn từ vịt.

Lễ cúng Rằm tháng 7
Lễ cúng Rằm tháng 7

Người ta tin rằng, trong suốt tháng 7 và đặc biệt vào ngày Rằm tháng 7, những linh hồn từ dưới âm phủ, gồm cả linh hồn của tổ tiên và những cô hồn phiêu dạt sẽ từ dưới địa phủ quay về dương thế.

Rằm tháng 7, hay còn được gọi là lễ “xá tội vong nhân”, là một ngày lễ lớn của năm. Lễ này trùng với lễ Vu Lan, vốn là lễ báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo.

Không giống như những ngày lễ khác trong năm, khi người sống nhớ về người chết, người ta tin rằng Rằm tháng 7 là dịp để người chết quay về thăm người sống và thụ hưởng những lễ vật mà người thân cúng cho.

Vào ngày này, bên cạnh mâm cúng gia tiên, nhiều gia đình còn có lễ cúng cô hồn (thường vào buổi chiều) dành cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.

Lễ cúng Rằm tháng 7 thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào xẩm tối vì lúc này mặt trời đã lặn, cửa âm phủ đã đóng. Vào ngày này, những gia đình có điều kiện đều cúng hai mâm: một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh (cúng cô hồn) đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.

Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày một mâm cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng cá nhân dành cho người cõi âm làm bằng giấy (vẫn gọi là đồ hàng mã) những mong người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ giống như người dương thế.

Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu, các loại bỏng gạo, ngô khoai, bánh kẹo, cháo trắng hoặc cháo hoa, tiền vàng, nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà khắp tứ phía sau khi cúng xong) và còn có thể cài thêm cả chút tiền lẻ.

  Tết Trung Thu
Tết Trung Thu

Tết Trung thu diễn ra trong ngày Rằm tháng 8 âm lịch. Đây là một trong hai dịp Tết đoàn viên của năm, là dịp để người thân nếu có đi xa thì sẽ trở về đoàn tụ sau hơn nửa năm đã trôi qua. Thời điểm quan trọng nhất trong dịp Tết Trung thu là vào đúng đêm Rằm, theo tục lệ truyền thống, cha mẹ sẽ bày cỗ cho con nhỏ “phá cỗ”, rước đèn.

Người lớn trong nhà sẽ ngồi lại bên nhau thưởng trăng, thưởng trà, và đặc biệt không thể thiếu món bánh Trung thu truyền thống. Đêm Rằm tháng 8 là thời điểm khi trăng tròn nhất, sáng nhất. Sự tròn trịa của mặt trăng, của bánh Trung thu, luôn gợi nhắc tới ý nghĩa của dịp Tết này - Tết đoàn viên.

Bánh Trung thu là món bánh thơm thảo, tinh túy, dù được làm từ những sản vật nông nghiệp thân quen nhưng lại khá cầu kỳ trong cách thực hiện khiến chiếc bánh vừa đủ dân dã nhưng vẫn có được sự tinh tế, tao nhã trong hương vị và cách trình bày. Đây là món quà phổ biến để người ta đem biếu bậc sinh thành và tặng những người có công ơn với mình.

Bên cạnh bánh Trung thu là thức ẩm thực không thể thiếu, còn phải kể tới những món ăn dân giã khác của mùa thu, như cốm, hạt sen, bưởi, hồng…

Tết Xuân - Lưu Hương Giang ft. Hồ Hoài Anh

Bích Ngọc
Tổng hợp