"Nên hỗ trợ tài chính cho doanh nhân Bắc Ninh vừa mua được ấn vàng"

Hương Hồ

(Dân trí) - TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần hỗ trợ tài chính, tạo điều kiên pháp lý cho doanh nhân Bắc Ninh.

Những ngày qua, sự kiện ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, đồng thời cũng là một doanh nhân lớn của tỉnh này đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với giá hơn 6,1 triệu euro thu hút sự quan tâm của dư luận. 

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến sự kiện này.

Ông đánh giá như thế nào về việc một người Việt mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với giá hơn 6 triệu euro?

- Với tư cách là người làm nghiên cứu và quản lý văn hóa, tôi phải nói lời cảm ơn tới cá nhân đó - người đã không tiếc tiền đã bỏ ra một số tiền lớn như thế để mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ở đây, không chỉ có tiền bạc mà tôi chắc chắn họ còn phải vượt qua rất nhiều rào cản, khó khăn để có thể đàm phán và mua được ấn vàng về Việt Nam.

Nên hỗ trợ tài chính cho doanh nhân Bắc Ninh vừa mua được ấn vàng - 1

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: Quang Tấn).

Theo ông, lâu nay, chuyện tư nhân là các doanh nhân, đại gia Việt tham gia mua, đấu giá hồi hương cổ vật có nhiều không? Quy trình, thủ tục có gì phức tạp, khó khăn? So với các nhà đấu giá nước ngoài, các nhà đấu giá Việt Nam có lợi thế hay khó khăn gì?

- Thực ra, với Việt Nam những trường hợp này không nhiều. Thủ tục trước đây còn khó khăn vì nhiều người nghĩ rằng các cá nhân, tư nhân không thể tự mua hay đấu giá được. Nhưng bây giờ, góc nhìn đã cởi mở hơn. Trong Nghị quyết của Đảng có nói, sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Sự nghiệp của toàn dân thì trong đó có những cá nhân cụ thể chứ nếu cứ quan niệm là toàn dân mà chẳng biết ai với ai sẽ không làm được.

Ở đây, tôi đánh giá rất cao cá nhân đã góp phần vào việc xây dựng văn hóa, bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa của chúng ta. 

Điều nhiều người quan tâm là, sau khi ấn vàng được đưa về Việt Nam thì vị doanh nhân Bắc Ninh được cho là sở hữu hợp pháp. Vậy sau này, giả sử có việc mua bán trao đổi lại ấn vàng ở phạm vi quốc tế thì có phải báo cáo cơ quan chức năng không, thưa ông?

- Tôi nghĩ và tin rằng vị doanh nhân khi đã bỏ số tiền đó ra mua thành công ấn vàng để đưa về Việt Nam, chắc chắn mục tiêu không phải là để buôn bán cổ vật, kinh doanh cổ vật. Nếu thế thì xoàng lắm, nó nhỏ bé lắm và không đáng gì cả.

Thứ hai, tôi tin rằng phải có cơ chế quản lý chứ không có nghĩa ông sở hữu một cách tùy tiện được. Nếu sở hữu tùy tiện như mua một ngôi nhà, mua một đồ vật khác là không được. 

Nên hỗ trợ tài chính cho doanh nhân Bắc Ninh vừa mua được ấn vàng - 2

Đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam có ông Nguyễn Thế Hồng (thứ 5 từ trái sang) sang Pháp thương lượng để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" (Ảnh: Cục Di sản).

Việc đấu giá được ấn vàng là một bước thành công nhưng đằng sau đó là câu chuyện về quản lý của Nhà nước đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của các cổ vật, các di sản là điều đáng lo lắng và phải suy ngẫm. Ông nghĩ sao?

- Sự trăn trở và lo lắng đó tôi cho là có lý. Thứ nhất, thông thường, tôi mua được thì tôi bán được. Nhưng như đã nói ở trên, tôi tin vị doanh nhân ấy sẽ không nghĩ đến chuyện mua để bán, họ sẽ không làm như vậy. 

Thứ hai, đương nhiên là Nhà nước, các cơ quan quản lý của Nhà nước phải vào cuộc để thống nhất vì nó là cổ vật nên sẽ có luật về cổ vật mua bán như thế nào và giữ gìn cổ vật ra sao.

Thứ ba, tôi nghĩ, Nhà nước và cơ quan quản lý nên có trao đổi cụ thể với doanh nhân. Nên tạo điều kiện về mặt pháp lý, thậm chí có những hỗ trợ nhất định về mặt tài chính để doanh nhân này giữ được cổ vật. Lịch sử bao nhiêu năm rồi, bây giờ mới hồi hương được một bảo vật quý như thế! Tôi với tư cách là người làm văn hóa, tôi kêu gọi và mong muốn doanh nhân cùng các cơ quan quản lý nhà nước, những tổ chức, cá nhân khác phối hợp với nhau khắc phục mọi khó khăn để bảo vật ấy không phải lưu lạc một lần nữa.

Cổ vật, bảo vật thuộc sở hữu của cá nhân, tư nhân hay Nhà nước đều không quan trọng bằng việc cùng phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau để bảo tồn, gìn giữ các di sản đó theo đúng luật pháp, đúng mong muốn của nhân dân và mong muốn của những người làm văn hóa như chúng tôi.

Chúng tôi làm văn hóa nhưng không có tiền. Chúng tôi mong muốn như vậy nhưng phải căn cứ vào luật pháp và căn cứ vào tấm lòng cũng như sự hiểu biết, trân trọng của những tổ chức, cá nhân có tiền bạc đối với những di sản, cổ vật có giá trị của đất nước. 

Tôi xin một lần nữa nói lời cảm ơn tới doanh nhân người Bắc Ninh đã làm một việc mà có thể nói là hàng triệu người dân Việt Nam mong muốn. 

Nên hỗ trợ tài chính cho doanh nhân Bắc Ninh vừa mua được ấn vàng - 3

Ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. (Ảnh: Millon).

Khi ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về tới Việt Nam, ông nghĩ có nên tổ chức một buổi triển lãm, quảng bá để công chúng, người dân được chiêm ngưỡng và hiểu hơn về giá trị lịch sử to lớn của cổ vật này?

Tôi nghĩ, đó là việc rất nên làm vì đây là cơ hội có tính lịch sử để người dân có thể chiêm ngưỡng và hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Tất nhiên, việc tổ chức công bố, quảng bá phải đảm bảo an toàn.

Với lễ đón cổ vật này thì không phải là chỉ doanh nhân mà các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước nên phối hợp cùng với tư nhân để đón cổ vật một cách trân trọng đón giá trị văn hóa của đất nước trở về - như sự trở về của Xera. Tôi nghĩ như vậy! 

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!