Mùng 1 Tết, người dân chen chân dâng hương ở ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ

(Dân trí) - Ngay trong ngày mùng 1 Tết, rất đông người dân, du khách thập phương đã đổ về đền Cờn, ngôi đền được mệnh danh linh thiêng nhất xứ Nghệ để du xuân và dâng hương cầu mong những điều tốt đẹp, bình an.

Người dân xứ Nghệ có câu ca từ ngàn xưa “nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng, để nói về sự linh thiêng của 4 ngôi đền trong tâm linh người dân xứ Nghệ. Trong đó đền Cờn được nhiều người xem là ngôi đền linh thiêng nhất ở xứ Nghệ. Bởi thế trong ngày đầu năm mới rất đông người dân, du khách thập phương đổ về đây du xuân và dâng hương cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong suốt cả năm.

Mùng 1 Tết, người dân chen chân dâng hương ở ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ - 1

Mùng 1 Tết, rất đông người dân đến du xuân, dâng hương tại đền Cờn, ngôi đền được mệnh danh là linh thiêng nhất xứ Nghệ.

Anh Nguyễn Văn Nam một người dân đến từ phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai  chia sẻ: “Năm nào ngày mùng 1 Tết, cả gia đình tôi cũng đến dâng hương tại đền Cờn. Nhà tôi nhiều đời nay đều đi biển nên điều đầu tiên chúng tôi cầu là được bình an trong mỗi chuyến vươn khơi, đánh bắt được nhiều hải sản để cuộc sống mọi người được ấm no”.

Tọa lạc bên dòng Mai Giang thơ mộng, đền Cờn thuộc làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Đền được xây dựng từ thế kỷ XIII dưới thời nhà Trần và phát triển quy mô lớn ở thời Lê và được trùng tu nhiều lần dưới triều Nguyễn. Đền thờ Tứ vị Thánh nương linh hiển - người đã phù trợ nhà vua đánh thắng giặc ngoại bang nên được nhà vua ban cấp tiền bạc để xây dựng nên ngôi đền bề thế, uy nghiêm.

Mùng 1 Tết, người dân chen chân dâng hương ở ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ - 2

Đến với đền Cờn, tất cả mọi người đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm.

Mùng 1 Tết, người dân chen chân dâng hương ở ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ - 3

Những chiếc thuyền thường ngày vươn khơi đánh bắt hải sản, ngày Tết được trang hoàng lỗng lẫy chờ đến ngày khai hội đền Cờn.

Năm 1993, đền Cờn chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Và phục dựng và mở rộng các lễ hội, phong tục truyền thống như: Lễ rước kiệu từ đền ngoài vào đền trong, lễ hội đua thuyền, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, cờ thẻ...) hay tục chạy ói vô cùng đặc sắc, lễ hội cầu ngư mang đậm phong tục nếp sống của ngư dân miền biển nơi đây.

Đã thành thông lệ, hàng năm vào ngày 20/1 âm lịch đền Cờn sẽ chính thức khai hội ngày xuân. Lễ hội gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm Lễ khai quang, Lễ Yết cáo, Lễ khai hội - Lễ mới, Lễ Cầu ngư, Lễ hợp tế, Lễ Yết vị, Lễ đại tế và Lễ tạ.

Đặc biệt Lễ hội Cầu Ngư là một nét đẹp trong phong tục văn hóa của người dân miền biển nơi đây. Cuộc sống của người dân chủ yếu sống dựa và biển cả, bởi thế họ luôn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng thuyền bè vươn khơi đánh bắt được nhiều tôm cá.

Nguyễn Phê