Một thế hệ đạo diễn đã xong!

Đừng đòi hỏi ở họ nữa khi tư duy họ đã bắt đầu cạn kiệt sáng tạo và nếu muốn làm mới tư duy, chỉ một cách là tìm một Hoa Đà tái thế mổ não họ để thay não mới.

Không phải đợi đến Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai vừa qua mà người ta mới nhận ra, nhưng nó là dấu chấm hết, khẳng định một thế hệ đạo diễn đã đi qua. Họ là những người đã có tên tuổi, từng đem lại những thành công, góp phần tạo nên diện mạo của nền điện ảnh Việt.  

Và họ đã xong nhiệm vụ! Đừng đòi hỏi ở họ nữa khi tư duy họ đã bắt đầu cạn kiệt sáng tạo và nếu muốn làm mới tư duy, chỉ một cách là tìm một Hoa Đà tái thế mổ não họ để thay não mới.
 
Đạo diễn Lê Hoàng không còn thể hiện được sự sắc sảo, tài hoa trong những bộ phim mới của anh.
Đạo diễn Lê Hoàng không còn thể hiện được sự sắc sảo, tài hoa trong những bộ phim mới của anh.


Minh chứng rõ nhất là Lê Hoàng. Anh là đạo diễn giàu cá tính ở VN, từng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có ít nhiều thành công như “Ai xuôi vạn lý”, “Lưỡi dao”, “Chiếc chìa khóa vàng” và đặc biệt thành công mở đầu cho những phim VN ăn khách thị trường như “Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố”, sau này là “Nữ tướng cướp”. Lê Hoàng đã tạo nên cơn sốt ở nhiều phòng vé, thậm chí đã có một số luận văn nghiên cứu về thủ pháp ăn khách của Lê Hoàng; nhưng đồ thị sự nghiệp của anh càng về sau càng đi xuống, ngay cả trong lĩnh vực phim truyền hình.

Bộ phim truyện điện ảnh “Tối nay 8 giờ” bị dân nghề và khán giả đều chê, bị “ném đá” tơi bời trên các diễn đàn mạng. Tưởng rằng Haniff là dịp để Lê Hoàng lấy lại phong độ với bộ phim mới nhất “Cát nóng”. Ngờ đâu, sự quá tự tin của anh cho rằng “bộ não quyết định hơn là phương tiện” khi Lê Hoàng dùng máy quay truyền hình cho phim điện ảnh đã không thành công.

Lê Hoàng chỉ là một ví dụ cho nhiều đạo diễn trung tuổi có tên của điện ảnh Việt Nam đã không thể đảo ngược được quy luật của thời gian, khi sức sáng tạo dần bị bào mòn và không còn những sự mới mẻ, đột phá. Có đạo diễn thành công phim điện ảnh, thất bại phim truyền hình. Có đạo diễn giỏi phía bắc vào Nam làm phim truyền hình cũng không gây nhiều ấn tượng, ngoại trừ giải quyết vấn đề mưu sinh.

Họ không có lỗi, lỗi là ở những người thuê họ đã không nhìn thấy sự nghiệt ngã của sáng tạo. “Tre đã già”, nhưng chưa nhiều “măng mọc”. Quá ít tuổi trẻ tài cao, quanh quẩn chỉ vài cái tên thì tuổi đã trên dưới 40. Trẻ hơn cũng chỉ vài ba cái tên mà cũng chưa thấy một tương lai thực sựxán lạn. Đó là nỗi buồn của điện ảnh Việt, khi giờ đây điện ảnh Việt còn chưa đủ sức cạnh tranh với điện ảnh Thái Lan, điện ảnh Philippines..., nói gì đến chuyện ra biển lớn.
 
 
Theo Việt Văn