Một năm đầy biến động của thơ ca và... nhan sắc

(Dân trí) - Nhìn lại một năm của thơ ca và nhan sắc, không ít người phải nở nụ cười nhưng cũng không ít người phải thở dài tiếc nuối. Những lùm xùm về bản quyền thơ ca và những rào cản về thủ tục cấp phép cho các người đẹp… đã tạo nên những nốt trầm không đáng có.

Thơ ca “thăng” ít, “trầm” nhiều

Năm qua, đời sống văn học trải qua khá nhiều thăng trầm và biến động. Nốt “thăng” của văn học được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại khác nhau ra đời đưa dòng chảy văn học Việt Nam song hành với dòng chảy văn học thế giới. Có không ít tác phẩm gây tiếng vang lớn và đoạt được nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước như: “Mình và họ” của tác giả Nguyễn Bình Phương đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn 2015; “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn - nhà báo Trần Mai Hạnh đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2015; Nhà thơ Ý Nhi với có tám bài thơ trong tập trong tập thơ “Till: igar” và được trao giải thưởng Cikada của Thụy Điển…

Nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh đoạt giải thưởng Văn học ASEAN.
Nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh đoạt giải thưởng Văn học ASEAN.

Ngoài ra, sự ra đời của Bảo tàng Văn học Việt Nam với chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam... cũng đánh dấu một thành tựu mới của dòng chảy văn học đương đại trong năm 2015.

Tuy nhiên, năm 2015 cũng là năm xảy ra hai vụ tranh cãi bản quyền hết sức ồn ào liên quan đến hai bài thơ “Tổ quốc gọi tên” và “Bạch lộ”.

Vụ tranh cãi bản quyền đầu tiên bắt đầu khi một người đàn ông sinh năm 1980 tên là Ngô Xuân Phúc ở Nghệ An lên tiếng trên mạng xã hội khẳng định bài thơ “Tổ quốc gọi tên” gắn với tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai từ nhiều năm qua là do anh sáng tác vào năm 2008. Người đàn ông này còn khẳng định bài thơ này từng lưu truyền trên các mạng xã hội và trước khi công khai bài thơ anh cũng đã gửi thư điện tử cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Phan Quế Mai.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và những ồn ào liên quan đến bà thơ Tổ quốc gọi tên.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và những ồn ào liên quan đến bà thơ "Tổ quốc gọi tên".

Ngay lập tức, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã gửi thư ngỏ “tường trình” chi tiết về sự ra đời và tồn tại của bài thơ… kèm theo lời “kết án” những lời phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự và tình yêu thiêng liêng của bà dành cho tổ quốc. Bà Nguyễn Phan Quế Mai yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải gửi thư xin lỗi nếu không sẽ kiện ông Phú về tội vu khống. Việc tranh cãi qua lại giữa hai bên khiến cho nhiều cây viết trong làng văn phải lên tiếng và báo chí cũng tốn không ít giấy mực để thông tin về sự việc này. Tuy nhiên, sau rất nhiều lùm xùm không đáng có, cuối cùng ông Ngô Xuân Phúc vẫn chưa tìm được bằng chứng để chứng minh đó là bài thơ mình sáng tác, còn bà Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã rút lại ý định kiện tụng.

Vụ việc này chưa có hồi kết thì một câu chuyện tranh cãi bản quyền thơ khác lại nổ ra khiến văn đàn thêm phần căng thẳng. Đó là nhà thơ – nhạc sỹ Hà Quang Minh vô tình phát hiện bài “Bạch lộ” trong tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư vừa đạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội giống với bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đã được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát “Catinat cà phê buổi sáng”.

Sau những lùm xùm không đáng có, tập thơ Sẹo độc lập đã bị Hội Nhà văn Hà Nội thu hồi giải thưởng.
Sau những lùm xùm không đáng có, tập thơ "Sẹo độc lập" đã bị Hội Nhà văn Hà Nội thu hồi giải thưởng.

Việc tranh cãi bản quyền đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi không người nào nhận đã đạo thơ và nói lời xin lỗi. Và các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học… đã buộc phải lên tiếng để giảm bớt sự căng thẳng giữa hai bên. Đặc biệt, Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, tìm hiểu… để làm sáng rõ sự việc. Tuy nhiên, sau nhiều lần lời qua tiếng lại, cuối cùng nhà thơ Phan Huyền Thư đã phải thừa nhận rằng chị viết bài thơ “Bạch lộ” (xuất bản năm 2014) sau bài “Buổi sáng” (viết năm 2000) của nhà thơ Thường Đoan và đã gửi lời xin lỗi tới nhà thơ Thường Đoan. Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã quyết định thu hồi lại giải thưởng đã trao cho tập thơ “Sẹo độc lập” và tác giả Phan Huyền Thư.

Nhan sắc “bội thu” nhưng vẫn buồn

Tương tự đời sống văn học, nhan sắc Việt trong năm 2015 cũng có rất nhiều niềm vui và nỗi buồn. Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều gương mặt sáng giá đại diện cho sắc vóc của dân tộc tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế nhiều như năm nay. Những cô gái Việt Nam: Lệ Quyên, Phạm Hồng Thúy Vân, Trần Ngọc Lan Khuê, Phạm Hương, Lê Thị Hà Thu, Lâm Thùy Anh, Hoàng Thị Oanh Yến… mang theo nhan sắc, niềm kiêu hãnh dân tộc, lòng tin và sự nỗ lực của bản thân đến với rất nhiều cuộc thi khác nhau.

Phạm Hồng Thúy Vân đã làm thay đổi lịch sử nhan sắc Việt Nam.
Phạm Hồng Thúy Vân đã làm thay đổi lịch sử nhan sắc Việt Nam.

Trong số đó, Phạm Hồng Thúy Vân - Á khôi của cuộc thi Hoa khôi Áo dài 2014 đã làm thay đổi lịch sử nhan sắc Việt Nam trong cuộc thi Hoa hậu Quốc tế khi xuất sắc lọt vào Top 5 và đoạt ngôi vị Á hậu 3 chung kết. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 5 của một trong 4 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới; Trần Ngọc Lan Khuê lọt Top 11 Hoa hậu Thế giới; Lê Thị Hà Thu lọt Top 17 Hoa hậu Liên lục địa; Lâm Thùy Anh đoạt Á hậu 4 tại Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu 2015 (Hàn Quốc) và Hoàng Thị Oanh Yến đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015 tại Philipine...

Trần Ngọc Lan Khuê không chỉ mang đến niềm vui mà còn dấy lên lòng tự hào về hai chữ Việt Nam đối với nhiều người trong cuộc thi mà cô vừa tham gia.
Trần Ngọc Lan Khuê không chỉ mang đến niềm vui mà còn dấy lên lòng tự hào về hai chữ "Việt Nam" đối với nhiều người trong cuộc thi mà cô vừa tham gia.

Bản thân Lệ Quyên, Phạm Hương... dù không đoạt được giải cao nhưng cũng đã cố gắng làm rạng danh nhan sắc Việt bằng những nỗ lực cá nhân. Chính những tên tuổi và nhan sắc này đã góp phần đưa Việt Nam thăng hạng trên bản đồ nhan sắc quốc tế.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là việc đoạt giải của Lâm Thùy Anh và Hoàng Thị Oanh Yến vẫn vướng phải những lùm xùm về pháp lý. Bản thân những người đẹp này vẫn bị xem là “thi chui” vì họ không nằm trong điều kiện được cấp phép ra nước ngoài tham gia các cuộc thi nhan sắc. Đặc biệt, trường hợp Hoàng Thị Oanh Yến cũng đã làm dấy lên những suy nghĩ về chuyện có nên nới luật để nhan sắc Việt Nam không bị cản trở.

Hoàng Thị Oanh Yến.
Hoàng Thị Oanh Yến.

Thực tế, nhiều năm qua, có rất nhiều trường hợp vì biết có làm thủ tục xin phép cũng không bao giờ được cấp phép qua nước ngoài tham gia đấu trường nhan sắc nên họ đã lẳng lặng ra đi. Và khi đoạt giải thì đành chấp nhận mang tiếng “thi chui” và “ngoan ngoãn” về nộp phạt. Điều này tạo nên những bước cản nhất định đối với nhan sắc Việt.

Hy vọng, với những bước tiến mới của nhan sắc Việt Nam trong năm qua, sắp tới các cơ qua quản lý văn hóa sẽ có sự điều chỉnh để tạo cơ chế thông thoáng cho các người đẹp có cơ hội tỏa sáng trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Vì suy cho cùng, việc họ đoạt giải cũng là một vinh dự đối với quốc gia. Nhất là trong khi các nước đã xóa bỏ rào cản về thủ tục từ lâu thì Việt Nam vẫn đang “cố định” một chỗ. Đây là điều đáng tiếc!

Hà Tùng Long