Mỗi ngày đều là ngày Gia đình Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 28/6 là ngày Gia đình Việt Nam, Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã có những chia sẻ rất thú vị và ý nghĩa về ngày này.

Hãy lắng nghe, để chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về nơi đã sinh ta ra và nuôi dưỡng ta lớn, và cho chúng ta cuộc sống này…

Clip thạc sĩ tâm lý Nguyển Hoàng Khắc Hiếu chi sẻ

Ý nghĩa của gia đình trong mỗi chúng ta

Mỗi ngày đều là ngày Gia đình Việt Nam

Đối với mỗi chúng ta, gia đình là chiếc nôi để chúng ta lớn lên từ nhỏ và cũng là môi trường giáo dục để chúng ta lớn lên thành người.

Đối với xã hội thì gia đình là một tế bào xã hội, nếu không có gia đình thì xã hội sẽ không tồn tại. Và gia đình cũng là những viên gạch xây nên một tòa nhà để che chở cho chúng ta, thế gia đình có ý nghĩa gì với mỗi cá nhân của chúng ta?

Để biết ý nghĩa của gia đình, chúng ta hãy so sánh với những nơi mà chúng ta hay đi. Tôi chia sẻ vui rằng, nơi nào cho chúng ta ăn ké một bữa cơm? Có thể là nhà bạn. Nơi nào có thể cho ta ăn ké 2 bữa cơm? Có thể là nhà hàng xóm. Nơi nào có thể cho chúng ta ăn ké 10 bữa cơm? Có thể là một trung tâm xã hội nào đó? Nhưng nơi nào có thể cho chúng ta ăn ké 100 bữa cơm, 200 bữa cơm, 500 bữa cơm? Chỉ có thể gia đình chúng ta mà thôi.

Nơi nào có thể tặng cho chúng ta một bộ quần áo? Có thể là người yêu tặng, bạn tặng. Nơi nào có thể tặng cho chúng ta mười bộ quần áo? Cũng có thể là người yêu tặng. Nhưng nơi nào có thể tặng chúng ta 100 bộ quần áo? 200 bộ quần áo mà không cần chúng ta phải trả 1 xu. Đó chính là gia đình của chúng ta. Chúng ta có thể ngủ ké ở đâu 1 ngày? Có thể là nhà bạn. Ngủ ké 3 ngày? Có thể là nhà hàng xóm. Ngủ ké 10 ngày, khách sạn ư? Không, nơi đó không cho chúng ta ngủ ké đâu. Chỉ có 1 nơi cho chúng ta ngủ ké 1 năm, 10 năm, thậm chí sau này khi chúng ta sa cơ, lỡ vận, khi chúng ta không còn nhà cửa nữa, chỉ một nơi chúng ta có thể quay về, chỉ có gia đình chúng ta mà thôi.

Gia đình không chỉ là nơi chúng ta lớn lên, cho chúng ta cái ăn, cho chúng ta cái mặc, cho chúng ta nghỉ ngơi mà gia đình còn cho chúng ta những thứ khác. Ví dụ, chúng ta thấy chúng ta có một vi phạm nào đó, cả xã hội quay lưng với chúng ta, pháp luật trừng trị chúng ta. Và không nơi nào đón nhận chúng ta hết, chỉ nó một nơi mà chúng ta có thể quay về, đó chính là gia đình mà thôi.

Sau những ức hiếp, chán chường, thất vọng, nơi chúng ta suy nghĩ về là đâu? Đó cũng chính là gia đình.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là gì? Khi chúng ta vui, khi chúng ta nhiều tiền, chúng ta có xu hướng đi ra bên ngoài. Có nhiều tiền chúng ta đi du lịch, chúng ta đi ăn, chúng ta đi chơi. Khi vui chúng ta đi gặp gỡ bạn bè, đi bát phố.

Nhưng khi hết tiền thì sao? Chúng ta lại quay về nhà.

Khi bị bạn bè chơi xấu thì sao? Chúng ta lại quay về nhà.

Khi ra ngoài không ai chấp nhận chúng ta thì sao? Chúng ta lại quay về nhà.

Cho nên, gia đình đó chính là điểm tựa tinh thần với mỗi người chúng ta.

Hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ để có cái nhìn tích cực về gia đình

Tuy nhiên, trong gia đình cũng có những mặt tốt và những mặt chưa tốt. Cũng như trong xã hội lúc nào cũng có mặt trắng và mặt đen. Vì như vậy, đầu tiên, chúng ta cũng nên thông cảm cho những hạn chế trong gia đình của mình.

Ví dụ, có một bạn học sinh nói với tôi rằng “con nhục lắm thầy ơi!”. “Tại sao vậy?”. “Dạ tại vì ba mẹ cong không có tâm lý như ba mẹ của người khác. Ba mẹ không có hiểu tâm lý của con, không có lắng nghe con và ba mẹ hay áp đặt ý nghĩ của ba mẹ cho con”. Như vậy thì, đôi khi chúng ta thử hỏi ngược lại xem, ba mẹ có không tâm lý với mình, nhưng mình có tâm lý với ba mẹ hay chưa?

Đôi khi, chúng ta không phải là một đứa con ngoan nhưng chúng ta mong muốn gia đình của mình là một người hoàn hảo.

Một bạn học sinh khác lại tâm sự “Thầy ơi, con nhục lắm thầy ơi”. “Hỏi tại sao?”. “Bởi vì nhà con nghèo lắm, ba mẹ con đón con bằng xe số, đón con bằng xe cup 50 mới ghê, chứ không được như xe tay ga, không có xe đẹp, xe hơi như ba mẹ bạn khác”. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghĩ một cách ngược lại rằng, tổng số tiền ba mẹ nuôi ta từ nhỏ tới lớn đã đủ tiền mua bao nhiêu chiếc xe tay ga rồi? Bao nhiêu chiếc xe hơi rồi? Đủ tiền mua nhà lầu rồi. Nhưng tại sao ba mẹ không làm? Để dành tiền cho chúng ta.

Như vậy, gia đình cũng có những mặt tích cực và những mặt chưa tích cực, chẳng hạn như: ba mẹ bất hòa với nhau, ba mẹ có mâu thuẫn, thậm chí là li dị, li hôn. Như vậy, những trường hợp đó, thay vì oán trách cha mẹ, chúng ta hãy có cái nhìn đồng cảm để cảm thấy dễ chịu hơn.

Trong cái việc ba mẹ cãi nhau, chén dĩa bay trong nhà, thì đố các bạn người mà cảm xúc cùng cực nhất là ai? Là chúng ta ư? Không phải, đó chính là người trong cuộc, là bố, là mẹ mình. Họ từng yêu nhau, nhưng đến mức họ không sống với nhau được nữa, họ mâu thuẫn với nhau, họ phải chia tay nhau. Họ mới là những người cần chúng ta như một bờ vai nương tựa, thay vì trách mắng.

Như vậy, chúng ta hãy có cái nhìn yêu thương với gia đình mình hơn, để chúng ta thấy rằng, đó là một nơi thật sự đáng để quay về, đáng để chúng ta hướng đến.

Hãy chia sẻ, hãy dành thời gian cho nhau

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, gia đình cành ngày càng lỏng lẽo. sợi dây liên kết giữa các thành viên không còn chặt chẽ như trước nữa. Vì sao? Có thể  bố mẹ vì mãi lo cuộc sống mưu sinh, con cái thì đã có internet, đã có game, đã có ipad, đã có những đồ chơi điện tử… Như vậy, mối liên kết giữa các gia  đình ngày càng lõng lẽo. Cho nên mới xảy ra hiện tượng ba mẹ nói thì con không lắng nghe. Con nói thì ba ẹm cũng chẳng lắng nghe. Vì vậy gia đình ngày càng lung lay và đổ vỡ nhiều hơn. Làm sao để có thể tránh được chuyện đó?

Để gia đình được chắc chắn, chúng ta hãy dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Có những bạn trẻ sẵn sàng dành ra 1 tiếng để online facebook, nhưng không sẵn sàng dành ra 10 phút để trò chuyện với bố mẹ.

Có những bố mẹ sẵn sàng dành ra 1 tiếng để coi phim Hàn Quốc hoặc đọc báo online, hoặc có thể đi lang thang trên mạng, nhưng không sẵn sàng dành ra 15 phút để trò chuyện với con nhỏ, để giải đáp câu hỏi của con hoặc kềm con học tập. Bạn sẵn sàng đi ra ngoài đường cả buổi trời để giúp việc gì đó cho bạn bè, có thể ngồi tám với bạn, ngồi trà chanh chém gió. Nhưng không sẵn sàng dành ra 10 phút để vào bếp phụ mẹ của mình. Cho nên, chúng ta hãy dành thời gian cho nhau, đó là điều kiện đầu tiên để giúp gia đình chúng ta gắn kết hơn.

Nên nhớ, chúng ta dành thời gian cho nhau chứ không phải dành thời gian chỉ để bên cạnh nhau.

Tôi gặp trường hợp một gia đình đi chơi ở công viên nước. Gia đình này có bố, mẹ và 2 đứa con, một đứa con gái và một đứa con trai. Khi dẫn gia đình đi chơi ở công viên nước ngày thứ 7 thì ông bố cầm điện thoại “Alo, hàng đến chưa? Nhớ kiểm tra cho kỹ…”, ông ấy dùng điện thoại để xử lý công việc. Bà mẹ ngồi một góc và nhìn những bức hình mình đã đi chơi cách đây 10 năm. Đứa con trai thì cầm máy chơi game, đứa con gái thì cầm máy nghe nhạc. Họ dành thời gian cho nhau đấy, nhưng họ chỉ ở bên cạnh nhau chứ không thật sự dành thời gian cho nhau, không quan tâm nhau. Thì như vậy đó không phải là một tổ ấm mà chỉ là một “tổ lạnh” mà thôi.

Đừng quên những bữa cơm gia đình ấm áp

Trong gia đình của bạn, có bao giờ đến bữa cơm, ông bố ngồi một góc, mẹ ngồi một góc, 2 đứa con vào torng phòng, mỗi đứa ngồi 1 góc, tự mỗi người xem tivi, mỗi người online, mỗi người chơi game, không có sự gắn kết với nhau hay không?

Như vậy chúng ta thấy những phút giây đầm ấm nhất đó chính là bữa cơm gia đình mà đôi khi chúng ta cũng không dành thời gian cho nhau. Và bữa cơm gia đình đó chính là nơi mà ấm áp nhất, giây phút mà chúng ta nghĩ rằng, chúng ta ý thức rằng, chúng ta thuộc về nơi ấy.

Ví dụ như ông bố đi làm ở ngoài đường, đến 5h rưỡi, 6h rưỡi, đến giờ cơm ở tại nhà nhưng bố chưa về. Ở nhà gọi “alo, bố đang ở đâu? Bố sắp về chưa?” Và ông bố sẽ cảm giác rằng, đó là nơi duy nhất có người chờ đợi mình trở về.

Hoặc là bà mẹ đi ngoài đường, bà mẹ mới ý thức được rằng, 6h30 là giờ cơm ở nhà của mình và bà mẹ ý thức rằng, đó là nơi mình thuộc về. Đứa con ngồi đợi bố về, và ý thức rằng, bố đi làm cực khổ nên bố về trễ, chúng ta phải đợi bố thì chúng ta mới có thể ăn cơm. Thì như vậy, nếu ý thức gia đình được hình thành trong bữa cơm đó và đó là nơi mọi người cùng nhìn thấy nhau. Mọi người có thể cùng trò chuyện với nhau và mọi người có thể tâm sự những chuyện ở trường, ở lớp. Tâm sự những chuyện ở cơ quan, hỏi han nhau, quan tâm nhau.

Cho nên điều thứ 2 là gì? Không chỉ dành thời gian cho nhau mà bạn hãy giữ vững bữa cơm gia đình, tất cả quây quần xôm tụ.

Mỗi ngày đều là ngày Gia đình Việt Nam

Bởi vì gia đình quan trọng như thế nên chúng ta có ngày Gia đình Việt Nam 28/6, là một ngày để mà nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta còn có một gia đình. Mà gia đình không chỉ đơn thuần là một tên gọi, mà đó còn là 1 tổ ấm, đó còn là một nơi chúng ta thuộc về, đó còn là một nơi đã nuôi chúng ta từ nhỏ đến lớn. Đó còn là nơi điểm tựa tinh thần cho chúng ta trong cuộc sống đầy những giông bão này. Và các bạn hãy nhớ, ngày 28/6 hãy dành thời gian thật sự cho gia đình của mình, hãy thể hiện sự quan tâm với bố mẹ, với anh chị em, với con cái của mình. Và không chỉ ngày 28/6 thoi6m hãy biến tất các các ngày trong năm thành ngày “Gia đình Việt Nam”.

Băng Châu (ghi)

Clip: Phạm Nguyễn