MC quyền lực của VTV từng thất nghiệp, mẹ vợ phải nuôi

(Dân trí) - Ít ai biết rằng, gương mặt quyền lực của VTV, nhà báo kỳ cựu Lại Văn Sâm từng bị “ngó lơ” trong giai đoạn đầu đến thử việc tại Đài Truyền hình. “Làm cả năm trời mà tôi chưa được nhận vào làm chính thức, tôi bỏ, về phụ mẹ vợ bán hàng ở phố Đồng Xuân…”, ông nhớ lại quãng thời gian khó khăn.

Lại Văn Sâm: "Mẹ vợ nuôi tôi khi thất nghiệp"

Đảm nhận vai trò dẫn dắt “Ký ức vui vẻ”, nhưng lần đầu tiên trong tập 11, chương trình này giới thiệu về hành trình lập nghiệp của nhà báo Lại Văn Sâm.

Trong dòng hồi tưởng, nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ sau thời gian học tập tại Liên Xô, ông làm thời vụ tại Phòng Thể Thao của Đài truyền hình Việt Nam với vai trò bình luận viên bóng đá, biên dịch bản tin thể thao tiếng Nga.

“Năm 1987 thì tôi lần đầu tiên tiếp cận với truyền hình, sau khi ở Liên Xô về. Khi đó tôi đến Đài Truyền hình thử việc ở phòng Thể thao. Anh Vũ Huy Hùng là người trực tiếp tuyển dụng tôi. Khi tôi đến, anh giao cho tôi bản ở Nga có hàng tuần -  tổng hợp bóng đá tuần. Tôi dịch xong đưa cho anh. Anh nói rằng, có mấy chỗ không ổn, phải sửa, văn này… Tây quá. Và tôi chỉnh sửa lại…”, nhà báo Lại Văn Sâm nhớ lại.

lai-van-sam.jpg

Lần đầu tiên, nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ về quãng thời gian thử thách đầy khó khăn khi mới về Đài trên sóng truyền hình.

Mải miết cộng tác, vậy mà đợi mãi vẫn chẳng ai gọi Lại Văn Sâm chính thức vào Đài. Đến hết năm 1987, Lại Văn Sâm lui về nhà để phụ mẹ vợ buôn bán. Gương mặt quyền lực của VTV không ngại tiết lộ: “Mẹ vợ nuôi tôi trong suốt thời gian ấy”.

“Làm cho đến hất năm 1987, vẫn chưa có ai đả động đến mình. Tôi bỏ. Tôi về phụ việc cho mẹ vợ bán hàng ở nhà số 74 phố Đồng Xuân. Khách nước ngoài vào thì tôi dịch cho bà, nói giá cả này khác. Thời gian đó, bà đã nuôi tôi...”, nhà báo Lại Văn Sâm cho biết.

Đến năm 1988, Lại Văn Sâm bất ngờ được mời trở lại để bình luận cho giải bóng đá Euro năm ấy. Đến năm 1989, ông chính thức nhận biên chế của VTV và là người đầu tiên mang trò chơi truyền hình đến với khán giả Việt.

Một trong những dấu ấn vàng son của Lại Văn Sâm là chương trình VKT. Bên cạnh thành công, Lại Văn Sâm cũng từng chịu nhiều nỗi buồn khi bị công chúng dè bỉu “hóa ra chúng mày thế này” khi bắt gặp ông chạy xe đạp Liên Xô trên đường Trần Phú.

MC kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam trầm giọng khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn: “Năm 1989- 1990, tôi vẫn đạp xe đạp Liên Xô đi làm. Nhiều khi rất tủi thân. Có lần đang đi đến đường Trần Phú, có người phóng xe máy qua, quay lại bảo: “Tưởng VKT chúng mày thế nào, hóa ra thế này à?”

Ngày đó có ai hỏi VKT là gì? Chúng tôi có đùa là “ví không tiền” và vì “ví không tiền” nên “vợ không thích””.

sam.jpg

MC kỳ cựu tiết lộ, trong lúc nằm nhà ốm một tháng, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi điện muốn cử anh sang Pháp để đưa trò chơi truyền hình về Việt Nam.

Lại Văn Sâm chia sẻ thêm, cuối năm 89, ông tiếp tục được cử sang Liên Xô để dịch cho đoàn học về truyền hình và đây cũng là duyên cớ giúp ông tự trau dồi chuyên môn. “Đến năm 1989, tôi được vào biên chế. Cuối năm 89 tôi được cử sang Liên Xô, dịch cho đoàn Đài Truyền hình sang học. Mình dịch nên mình học được nhiều hơn mọi người”, nhà báo Lại Văn Sâm tiết lộ.

Năm 1995, Lại Văn Sâm tiếp tục được cử sang Pháp để đem một chương trình trò chơi truyền hình về Việt Nam. Và từ đó, chương trình “Trò chơi liên tỉnh” ra đời. Giờ đây, Lại Văn Sâm đã có được thế hệ kế thừa là con trai - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng.

Ông kể: “Năm 1995 vì làm nhiều, tôi bị ốm phải nằm nhà một tháng. Ông Phó tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có gọi điện cho tôi hỏi đã khỏe chưa? Ông nói, cần tôi sang Pháp để học trò chơi truyền hình của Pháp, sau đó đưa về Việt Nam. Tôi nhận lời. Đó chính là “Trò chơi liên tỉnh””.

IMG_1504.JPG

Lại Văn Sâm nghẹn ngào khi nhìn lại thời thanh niên sôi nổi nhưng cũng dễ mắc sai lầm. Anh nhận được sự chia sẻ từ các nghệ sĩ trong chương trình.

“Truyền hình đã chọn tôi” - Lại Văn Sâm tự nhận mình là “tay ngang” khi đến với nghề. “Đấy, một thằng “vô học” ở lĩnh vực truyền hình được làm truyền hình, lại được cử sang Pháp. Lần đầu tiên Việt Nam cộng tác với một công ty truyền thông của nước ngoài để làm chương trình game. Khi đó Việt Nam chưa có trò chơi truyền hình nào cả. Tôi là người dẫn chương trình, còn toàn bộ ê kíp từ đạo diễn, quay phim, đạo cụ, mỹ thuật… gần 20 người là từ Pháp sang”, MC kỳ cựu bộc bạch.

Nhìn lại thời thanh niên sôi nổi, nhà báo Lại Văn Sâm ầng ậc nước mắt. “Chắc chắn phải có lỗi lầm trong cuộc đời của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải biết nhìn nhận với con mắt bao dung và hãy tha thứ.

Có bài hát của Nga rất hay “Tuổi thanh xuân đã qua như thế nào”, trong đó câu tôi luôn lấy làm triết lý sống. Nội dung của bài hát kể về người đàn ông giống như tôi: chúng ta đã đi qua, đã chơi hết hiệp một của cuộc đời- đã đi qua nửa cuộc đời, mới chợt nhận ra một điều, không phải lúc nào chúng ta cũng biết hết về mình. Hãy nhớ rằng, nếu như bạn muốn không bị biến mất trên trái đất này thì đừng bao giờ tự đánh mất mình…”, MC kỳ cựu chia sẻ.

Nguyễn Hằng