1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Lý do khiến Thanh Bạch thành MC nổi tiếng dù từng mắc bệnh nói lắp rất nặng

(Dân trí) - "Trước đây, điều tôi sợ nhất trên đời là nói trước đám đông. Tại vì nguyên một tuổi thơ của tôi toàn nói cà lăm (nói lắp). Từ 3 tuổi tôi đã mắc bệnh nói cà lăm rồi. Mỗi lần tôi nói lắp, má tôi không cho tôi ăn...", MC Thanh Bạch kể.

Là một người dẫn chương trình nổi tiếng nhưng ít ai biết MC Thanh Bạch từng vẽ rất giỏi. Trong chương trình “Chuyện đêm muộn” mới đây, MC Thanh Bạch tiết lộ rằng, anh bộc lộ năng khiếu vẽ từ rất sớm. Thậm chí, chưa đi học, chưa biết chữ, anh đã có thể vẽ được rất nhiều chủ đề khác nhau.

Vẽ đẹp đến độ, có cô bé nhà bên được anh tặng 3 bức vẽ hoàng tử - công chúa nhưng vẫn không thỏa mãn. Cô bé luôn tìm cớ đến nhà anh để “gạ” mua nhưng anh không bán. Cô bé đành trả giá cao ngất ngưởng để anh bán tranh cho. Và thế là anh trở thành họa sĩ nhí bán tranh kiếm tiền từ năm 8 tuổi.

“Nhưng má tôi bảo, con làm nghề gì cũng được đừng làm họa sĩ, làm họa sĩ nghèo lắm. Sau này tôi thích đàn ca và đặc biệt thích giới thiệu chương trình. Vào thập niên 60, nhà tôi đã sở hữu một dàn loa và âm ly rất “khủng”. Nguyên cả làng, cả xóm chỉ mỗi mình nhà tôi mới có dàn loa đó. Ngày đó, tôi rất mê nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bởi ông ấy vừa có thể sáng tác âm nhạc, vừa có dẫn chương trình duyên dáng.

Thực ra, trong lịch sử nghề giới thiệu chương trình của Việt Nam, người đầu tiên làm nghề giới thiệu chương trình chuyên nghiệp đó là GS.TS Trần Văn Khê. Nhưng ông có một người em mang tính chất “đa di năng” hơn đó là ông Trần Văn Trạch.

MC Thanh Bạch cho rằng, muốn làm nghề dẫn chương trình thành công là phải biết lắng nghe khán giả.
MC Thanh Bạch cho rằng, muốn làm nghề dẫn chương trình thành công là phải biết lắng nghe khán giả.

Ông Trạch có thể hát, có thể đàn, có thể giả giọng người nọ người kia, có thể bắt chước giọng các loại con vật và những âm thanh - tiếng động trong cuộc sống… một cách cực kỳ giống. Ông Trạch có thể kể về hành trình một chuyến xe đi từ nông thôn lên thành phố với đủ các loại âm thanh trên quãng đường di chuyển tựa một câu chuyện truyền thanh trên đài phát thanh một cách rất tài tình. Cứ như thế ông trở thành người dẫn chương trình tạp kỹ duyên dáng, được nhiều người yêu mến.

Các chương trình ông dẫn sau đó được ghi hình lại rồi phát trên vô tuyến trắng đen khiến mỗi lần xem các chương trình đó là tôi mê lắm. Xem xong tôi lại cứ tập dẫn theo.

Tới mức, sau này, khi trở thành MC chuyên nghiệp, mọi người bảo “Thanh Bạch đi một vòng trái đất rồi quay về làm cái việc mà từ nhỏ đã làm rồi”, MC Thanh Bạch kể.

Nam MC cũng tiết lộ rằng, mặc dù rất thích nghề dẫn chương trình nhưng anh từng không dám thi ngành diễn viên mà lại thi vào ngành đạo diễn của trường Cao đẳng. Khóa anh học cũng là khóa đạo diễn đầu tiên của trường của trường sau năm 1975.

“Trước đây, điều tôi sợ nhất trên đời là nói trước đám đông. Tại vì nguyên một tuổi thơ của tôi toàn nói cà lăm (nói lắp). Từ 3 tuổi tôi đã mắc bệnh nói cà lăm rồi. Mỗi lần tôi nói cà lăm má tôi không cho tôi ăn. Mãi sau này tôi mới bỏ được tật nói cà lăm.

Cho nên trong đầu tôi lúc nào cũng mang nỗi sợ cố hữu là không có ý tưởng, không có văn, không biết diễn đạt lưu loát… Cho nên học kịch nói để xem có điều chỉnh được bản thân mình không cuối cùng thấy khó quá nên có ý định chuyển sang học kịch câm.

Thời điểm tôi nhận được học bổng sang Nga học, ngay khi vừa vào trường tôi đã nói với cô giáo “Cô ơi, em thích học kịch câm”. Cô bảo “Khoa của em là khoa tạp kỹ, trong đó có kịch”. Học ngành này rất khó vì đòi hỏi phải biết cả ca, múa, đàn, diễn, xiếc, hài… Mà cứ hễ môn nào điểm thấp là bị đuổi về nước ngay. Cho nên ca, múa, đàn, diễn, xiếc, hài… môn nào cũng phải bò lê bò toài ra mà học. Bởi thế khi vượt qua được 5 năm theo học tại đây tôi vẫn không tin mình có thể tốt nghiệp ra trường.

Phải kể lại rằng, 3 năm đầu sang Nga học, tôi vừa phải học tiếng, vừa học chuyên môn. 2 năm đầu người ta nói gì tôi phải dịch sang tiếng Việt, rồi muốn trả lời phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga rồi mới nói được. Mỗi lần như thế rất chậm và rất lâu.

Cuối năm thứ 3, không hiểu cái não của mình phát triển làm sao đó mà có thể nghe trực tiếp bằng tiếng Nga và nói bằng tiếng Nga luôn. Tới lúc đó tôi mới thực sự hòa nhập với môi trường ở đây và có thể xem được các chương trình mà các đoàn nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới đến diễn ở Moscow.

Nhờ những lần đi xem các chương trình nghệ thuật mà tôi vỡ ra nhiều bài học không có trong chương trình học ở trường. Cứ dần dần tôi vỡ ra từng mảng, từng mảng để bồi đắp cho sự hiểu biết của mình”, Thanh Bạch chia sẻ.

MC Thanh Bạch kể, lúc học ở trường, có những bài học lúc đầu anh nghĩ các thầy cô làm nhục mình nhưng sau đó anh mới vỡ ra.

“Một lần, thầy cô bắt các thành viên trong lớp đọc một bài thơ/bài ca dao thơm ngát. Tôi đọc xong thầy cô bảo “không thơm”. Người ta kêu tôi hãy cầm một bông hoa và ngửi thật là thơm rồi đọc. Tôi vừa nói được một câu có mùi thơm, ngay lập tức người ta chuyển sang bắt tôi nói một câu chua cay. Tôi đành phải kiếm trái ớt cắn một phát để nói ra thật là cay. Bài học này khiến tôi vỡ ra rằng, lời - câu - chữ không quan trọng nữa mà quan trọng là thông điệp bên trong mình muốn truyền đạt cho khán giả.

Cuối kỳ, tôi đọc bài thơ về que diêm để thi học kỳ. Tôi chọn đọc 8 câu thơ bằng tiếng Nga cho đơn giản, dễ nhớ… Tôi kêu anh lớp trưởng làm giám thị cho tôi tập biểu diễn trước mặt. Đến khi vào đọc trước mặt các thầy cô, vừa đọc được 3 câu giám thị bảo đi ra “Que diêm này không cháy”.

Dù đã khá nhiều tuổi nhưng MC Thanh Bạch vẫn luôn trẻ trung, nhí nhảnh...
Dù đã khá nhiều tuổi nhưng MC Thanh Bạch vẫn luôn trẻ trung, nhí nhảnh...

Tức mình quá, tôi bảo lớp trưởng người Nga đọc lại cho tôi để tôi học theo. Học theo xong vào đọc lại cô giáo lại bảo “Diêm này mới có xì khói, đi về”. Tôi cũng ức chế quá nên về phòng dọn va-li định về Việt Nam. Ngày tổng duyệt, anh lớp trưởng ở chung phòng năn nỉ tôi phải tham gia nếu không bị các thầy cô kỷ luật.

Tôi vô lớp tôi không chào hỏi gì ai hết, mắt tôi như hai cục lửa. Lúc đó trong đầu tôi hận bà giáo viên lắm nên chỉ muốn “đốt cháy” bà ta. Bà giám thị nhìn thẳng vào mặt tôi bảo “cháy rồi”. Tôi ngồi tại chỗ khóc như mưa như gió. Hóa ra, đó là phương pháp sư phạm mà người ta đã dạy cho tôi.

Tôi đã làm được một cái mạnh hơn cái chết đó là người ta sỉ nhục cho mình sống không bằng chết để con người thật trong mình vùng lên. Từ đó, việc lựa chọn ngôn ngữ để diễn đạt cũng trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng. Nói kiểu 3 từ 10 ý cũng không còn khó với tôi nữa”.

MC Thanh Bạch cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, anh đã đứng trên sân khấu được hơn 40 năm. Những ngày đầu mới làm nghề, anh đã phải rất khó khăn để cổ vũ khán giả làm theo những điều mình đã học được bên Nga. Chẳng hạn, bên Nga, nhạc cất lên là khán giả ở dưới vỗ tay theo nhịp, còn ở Việt Nam cách đây 40 năm, khán giả Việt nam cho việc vỗ tay theo nhạc là điều gì đó kỳ cục.

Ở nước ngoài, mỗi lần đến xem nghệ sĩ biểu diễn khán giả thường mang theo hoa để tặng cuối chương trình, khán giả Việt cách đây 40 năm lại không ai có thói quen làm điều đó cả. Tuy nhiên, theo MC Thanh Bạch, bây giờ khán giả Việt đã thay đổi rất nhiều. Họ đã hòa mình trong dòng chảy giao lưu văn hóa và bắt kịp sự tiến bộ của thế giới.

“Tôi nghĩ, các bạn trẻ ngày nay muốn hay không muốn, khi bước lên sân khấu bạn phải là người đa tài. Bởi sân khấu của thế kỷ 21 đòi hỏi người nào cũng phải thế, phải hát hay như ca sĩ, nhảy đẹp như vũ công, diễn như diễn viên… Tất cả những cái đó không có gì xa vời nếu bạn thực sự có đam mê với nghề dẫn.

Hãy chịu khó lắng nghe những “người thầy” khán giả để hoàn thiện mình, chỉ có như thế bạn mới vươn tới được thành công khi làm người dẫn chương trình. Bí quyết thành công của nghề MC chính là người lắng nghe tốt”, MC Thanh Bạch chia sẻ bí quyết.

Hà Tùng Long