Lương Đình Dũng: Từ một thợ rèn, công nhân bốc vác đến đạo diễn phim 60 tỷ

(Dân trí) - Đạo diễn Lương Đình Dũng - tác giả Phim Châu Á xuất sắc nhất, gây bất ngờ khi chia sẻ hành trình từ một anh thợ rèn, công nhân bốc vác, đào đá đỏ đến đạo diễn phim chi phí 60 tỷ về nạn ấu dâm.

Ngày 11/8, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội - L’espace đã diễn ra buổi giao lưu “ Ai cũng có thể làm phim” với sự tham gia của 3 đạo diễn Lương Đình Dũng - Thành viên lựa chọn phim quốc tế của LHP quốc tế Black Nights đồng thời là đại diện của điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar lần thứ 90; NSND/DOP Lý Thái Dũng - Quản lý khoa Nghệ thuật Điện ảnh – Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam và Mr. Federic Alliod - Tùy viên nghe nhìn 5 nước Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ yêu thích phim ảnh và làm phim đến tham dự.

Các diễn giả giao lưu với sinh viên và khán giả yêu thích điện ảnh.
Các diễn giả giao lưu với sinh viên và khán giả yêu thích điện ảnh.

Tại sự kiện, cả 3 diễn giả nhận định điện ảnh là lăng kính của mỗi cá nhân trong tương lai, giúp cuộc sống sinh động hơn. Công nghệ điện ảnh ngày nay đã giúp mọi người dễ dàng tiếp cận sử dụng vì thế việc làm phim không còn qua khó khăn như trước đây.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng đã chia sẻ với các bạn trẻ hành trình từ một công nhân thợ rèn, đào đá đỏ, công nhân bốc vác đến đạo diễn phim nhằm khích lệ và cổ vũ tinh thần các bạn, vượt qua khó khăn và kiên trì theo đuổi đam mê của mình.

Theo đó, trước khi đến với phim ảnh, nam đạo diễn sinh năm 1973 này từng kinh qua rất nhiều nghề lao động chân tay để mưu sinh. Mỗi công việc đều mang lại cho anh những trải nghiệm và những vốn hiểu biết rộng lớn. Đó là những chất liệu đầy thực tế mà anh có thể “ứng dụng” được vào mỗi bộ phim sau này.

“Khi cho một thầy điện ảnh người Đức xem “Cha cõng con”, tôi có hỏi một câu khá tự ti: “Thầy ơi, em có làm được phim không”, thầy trả lời: “Anh không làm phim thì chẳng làm gì được”. Điều đó khiến tôi cảm động. Tôi đã có kế hoạch chuyển thể 4 tiểu thuyết mình viết thành kịch bản phim. Sẽ là những bộ phim hoàn toàn khác những bộ phim tôi đã làm. Tôi cũng từng học võ nên tôi rất thích làm phim hành động, võ thuật. Còn bảo tôi làm phim tình yêu thì không làm được vì không hợp tạng”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Trong Sự kiện, ê-kíp “578” cũng chính thức giới thiệu phim ngắn - clip viral “Câm lặng” - câu chuyện gây xúc động mạnh về đề tài ấu dâm nhằm lan tỏa thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng về ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và DOP Lý Thái Dũng.
Đạo diễn Lương Đình Dũng và DOP Lý Thái Dũng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ thêm rằng, khi một khán giả hỏi: “Anh làm phim trong sự giận giữ hay chỉ muốn làm phim?”, nam đạo diễn đã thẳng thắn rằng anh làm bộ phim “578” về đề tài ấu dâm trong sự giận dữ của một người cha - người đạo diễn.

Anh là người làm phim nên dung chính bộ phim để lên tiếng. Bởi điện ảnh là bệ phóng mạnh mẽ cho những thay đổi của xã hội, giống như slogan “Bộ phim của chúng ta - Tiếng nói của chúng ta” (Make Our Film - Raise Our Voice). Lương Đình Dũng mong “578” sẽ là tiếng nói của cả cộng đồng. Anh sẽ đặt tất cả những nghiên cứu, những trải nghiệm và kinh nghiệm trong cuộc đời mình vào “578”.

Đồng tình với quan điểm đó, NSND/ DOP Lý Thái Dũng cũng chia sẻ quan điểm xâm hại tình dục trẻ em để lại nỗi đau, những tổn thương với chính các em, gia đình và những người thân.

Bên cạnh đó chủ đề phim độc lập và đầu tư cho phim độc lập cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Đặc biệt là tại Pháp, một quốc gia làm phim nhiều nhất thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.

Theo ngài Mr. Federic Alliod, quy định làm phim tại Pháp tương đối khắt khe nhưng luôn có các quỹ, các tổ chức hỗ trợ cho các nhà làm phim chuyên nghiệp nhưng chủ yếu là từ các nhà đầu tư vào điện ảnh. Mặc dù thị trường Việt Nam có lượng khán giả mục tiêu lớn song đầu tư cho điện ảnh dường như còn là chủ đề mới mẻ và không phải nhà đầu tư nào cũng quan tâm và nhận ra tầm quan trọng của điện ảnh.

Đầu tư cho điện ảnh cũng là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư thể hiện một phần trách nhiệm cộng đồng để xây dựng hình ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng bật mí “Quỹ hình ảnh Việt Nam” sẽ tập trung vào mục tiêu “tất cả mọi người đều được quyền xem phim trên màn hình ảnh rộng dù ở bất cứ nơi đâu…”. Ban đầu quỹ sẽ tập trung mở các khóa đào tạo điện ảnh cho tất cả học sinh trên toàn quốc, những nơi khó khăn, mong muốn từ đây hình ảnh Việt Nam ở mọi nơi sẽ được xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn và đáp ứng yêu cầu nghệ thuật nhiều hơn.

Song hành quỹ cũng đầu tư mỗi năm 5 phim và đi theo cách riêng biệt, vừa đáp ứng khán giả trong nước về phim nghệ thuật và tập trung hướng đến đưa phim ra nước ngoài nhằm quảng bá điện ảnh Việt Nam.

Trước khi thành đạo diễn phim nổi tiếng, Lương Đình Dũng từng làm thợ rèn, công nhân bốc vác...
Trước khi thành đạo diễn phim nổi tiếng, Lương Đình Dũng từng làm thợ rèn, công nhân bốc vác...

Nam đạo diễn tự tin rằng: “Trong 5 năm với 25 phim, chúng tôi tin sẽ “chọc thủng và dành chiến thắng lớn” tại các liên hoan phim và khán giả quốc tế. Đó là cách quảng bá điện ảnh, văn hoá, con người Việt Nam hiệu quả và nhanh nhất”. Đạo diễn Lương Đình Dũng nói anh mong càng có nhiều quỹ đầu tư vào điện ảnh thì điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ về quá trình sản xuất phim, 3 khách mời cũng trải lòng những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân của mình về làm phim, những nỗi niềm khi bắt đầu làm phim và những câu chuyện hậu trường. Sự kiện “Ai cũng có thể làm phim” đã mang đến nhiều điều bất ngờ và hữu ích cho khán giả.

Hà Tùng Long