Lên phương án tu bổ giếng Thiên Quang

Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa hoàn tất quá trình kiểm định, khảo sát, lấy ý kiến đóng góp từ phía các nhà nghiên cứu để tiến hành tu bổ giếng Thiên Quang. Trước đó, giếng đã có biểu hiện sụt lún nghiêm trọng. Văn Miếu đã phải tiến hành rào lại để tránh nguy hiểm cho du khách.

Giếng Thiên Quang nằm sau Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) trước và sau khi bị sụt lở - Ảnh: Lam Thanh
Giếng Thiên Quang nằm sau Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) trước và sau khi bị sụt lở - Ảnh: Lam Thanh

Chất lượng kết cấu ngày càng kém

Ngay từ khi một đoạn tường lan can dài chừng 10m bị trôi và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội, đồng thời mời đơn vị tư vấn xây dựng khảo sát chỉ ra hiện trạng, nguyên nhân xuống cấp trầm trọng này. Theo báo cáo của đơn vị khảo sát, móng giếng Thiên Quang là dạng móng nông xây gạch chịu lực, đế móng được đặt trong lớp đất yếu có sức chịu tải nhỏ, thành phần không đồng nhất dễ biến dạng.

Chất lượng xây của phần chân móng không đảm bảo kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng, vữa xây có cường độ thấp và độ bám dính kém, do đó mạch xây liên kết không chắc chắn. Vật liệu xây công trình không đồng đều về chủng loại. Giếng này từng được xây dựng từ lâu, hầu hết các lần cải tạo gần đây chỉ dừng ở mức chỉnh trang kiến trúc. Chính vì thế, chất lượng kết cấu ngày càng kém đi.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo ANTĐ, thực tế giếng Thiên Quang chỉ được quét vôi phần tường phía trên trong suốt mấy chục năm qua, gần đây năm 1994 có tiến hành hút bùn. Hiện tại, quanh khu vực giếng đã được quây bạt để đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã cho tiến hành gia cố móng để ngăn phần móng và tường tiếp tục trôi ra.

Nhận định về nguyên nhân gây bất lợi cho sự bền vững của công trình, đơn vị tư vấn khảo sát cho biết, một phần là do ảnh hưởng lên xuống của mực nước bên trong giếng, gây tác động xâm thực vào khối xây có chất lượng thấp, nền đất yếu dễ bị cuốn theo gây sạt lở tạo thành hàm ếch dưới móng, kéo theo sự lún sụt khối xây móng.

Hàng gạch cuối cùng dưới đế móng hiện tại đã bị lún khiến nước tràn vào bên trong đế móng gây xói mòn đất bên dưới đế móng, khiến cho móng càng dễ bị lún sụt dẫn đến phá hủy công trình. Cùng với đó là ảnh hưởng của người đi lại xung quanh tác động lên nền đất yếu cũng khiến mặt nền bị lún sụt (biểu hiện là các hàng gạch lát trên đường dạo xung quanh giếng nhiều chỗ đã bị lún nứt mạch).

Lên phương án tu bổ giếng Thiên Quang - 2

“Giếng Thiên Quang được tu bổ theo nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng nhất là phần lan can phía trên. Trong quá trình tu bổ nhất thiết phải đảm bảo bảo tồn phần chưa xuống cấp, đồng thời, gia cố lại toàn bộ móng, kè bờ bằng các phương pháp như chắn đất chống sạt lở chân móng, xây chèn đá hộc kè vào đế móng và bơm bê tông vào các chỗ rỗng hở hàm ếch dưới móng để tạo khối liên kết cứng”.

Ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

Tu bổ thế nào?

Giếng Thiên Quang được ví như tấm gương thu nhận tinh túy vũ trụ và soi sáng tri thức. Giếng nằm ở vị trí trung tâm phía sau Khuê Văn Các và song song với hệ thống 82 bia tiến sĩ. Di tích này nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Chính vì thế, việc tu bổ, cải tạo thế nào cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Sở VH-TT đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sự thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL cùng sự thống nhất và đồng thuận của các nhà khoa học.

Giếng Thiên Quang được tu bổ theo nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng nhất là phần lan can phía trên. Trong quá trình tu bổ nhất thiết phải đảm bảo bảo tồn phần chưa xuống cấp, đồng thời, gia cố lại toàn bộ móng, kè bờ bằng các phương pháp như chắn đất chống sạt lở chân móng, xây chèn đá hộc kè vào đế móng và bơm bê tông vào các chỗ rỗng hở hàm ếch dưới móng để tạo khối liên kết cứng.

Trước đó, hồ sơ tu bổ mà Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa ra tại một cuộc hội thảo được tổ chức gần đây đã nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia về di sản. Theo đó, các chuyên gia thống nhất nguyên tắc tu bổ hạng mục quan trọng tại Văn Miếu, cũng như góp ý thêm về phương án tu bổ.

Các chuyên gia cũng nhận định, cần nhanh chóng tiến hành tu bổ bởi nếu kéo dài tình trạng xuống cấp, móng có thể đổ sập, gây ảnh hưởng tới các hạng mục liền kề như Khuê Văn Các cùng 82 văn bia tiến sĩ. Đại diện Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định chỉ mất hơn 1 tháng hoàn tất tu bổ cấp thiết giếng Thiên Quang.

Giếng Thiên Quang không phải hạng mục duy nhất cần tu bổ tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong bản khảo sát đánh giá hiện trạng để lập quy hoạch tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước đó cũng nhắc tới các di tích xuống cấp như điện Đại Thành, hệ thống tường gạch vồ quanh Văn Miếu và hệ thống bia tiến sĩ.

Thiên Quang tỉnh (tức “giếng soi ánh sáng bầu trời”) còn được gọi là “Văn Trì” (Ao Văn). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.

Theo Quỳnh Vân

An Ninh Thủ Đô