Lễ tang “anh Chí” Bùi Cường sẽ diễn ra vào 7h30 sáng 7/8

(Dân trí) - Lễ viếng của “anh Chí” Bùi Cường sẽ diễn ra từ 7h30 đến 8h45 sáng ngày 7/8 (tức ngày 26/6 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Theo thông tin từ phía gia đình, NSƯT Bùi Cường trút hơi thở cuối cùng vào hồi 3h sáng ngày 3/8/2018 (tức ngày 22/6 âm lịch năm Mậu Tuất). Lễ viếng của ông sẽ diễn ra từ 7h30 đến 8h45 sáng ngày 7/8 (tức ngày 26/6 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào 8h45 và hoả táng tại đài hoá thân Hoàn Vũ cùng ngày.

NSƯT Bùi Cường sinh năm 1945 tại Hà Nội. Vai diễn nổi tiếng nhất của ông là Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” do đạo diễn Phạm Văn Khoa thực hiện. Vai kinh điển mang về cho ông Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu, năm 1983.

Nụ cười còn mãi với thời gian của anh Chí Bùi Cường.
Nụ cười còn mãi với thời gian của "anh Chí" Bùi Cường.

Trước khi đến với điện ảnh, ông đã tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện và từng làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia đội kịch công nhân thành phố và đã từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn “Anh Tư”.

Bước vào tuổi 25, ông nhờ người yêu (là vợ bây giờ) nộp hồ sơ thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh. Với tiểu phẩm “Dạy em”, ông đã trúng tuyển lớp diễn viên khóa II của trường. Học với ông thời đó có: NSND Đào Bá Sơn, NSND Minh Châu, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Vũ Đình Thân...

Vì ông là người lớn tuổi nhất lớp nên được bầu làm lớp trưởng. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Từ đó, ông bắt đầu con đường điện ảnh của mình với những thành công ngoài mong đợi.

Sau thành công của vai Chí Phèo, Bùi Cường được mời vào một loạt vai diễn tiếp theo như: Trần Tuấn trong phim “Phút thứ 89” (đạo diễn Quốc Long), Trần Quân trong phim “Kẻ giết người” (đạo diễn Hoài Linh), Tướng cướp trong “Dòng sông vàng” (đạo diễn Kiều Tuấn), Mộc trong phim “Không có đường chân trời” (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), chủ quán trong phim “Vụ áp phe Đông Dương” (đạo diễn Trần Đắc) Năm Hòa trong phim “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)...

15 năm với vai trò diễn viên, ông chuyển hướng sang làm đạo diễn, sản xuất. Bộ phim điện ảnh đầu tay của ông là “Người hùng râu quặp” ra đời năm 1990.

Năm 1996, ông tiếp tục phim truyện nhựa tâm lý “Người đàn bà không con”. Bộ phim truyền hình “Vị tướng tình báo và hai bà vợ” ra đời năm 2013 được đông đảo khán giả yêu thích, từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Tiếp sau đó là phim truyện nhựa “Năm ngày trong đời vị tướng”.

NSƯT Bùi Cường đã để lại cho đời nhiều vai diễn ấn tượng và những bộ phim chất lượng.
NSƯT Bùi Cường đã để lại cho đời nhiều vai diễn ấn tượng và những bộ phim chất lượng.

Ngoài 70 tuổi, sau khi nghỉ hưu tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ông vẫn thường xuyên vào TP.HCM làm đạo diễn phim truyền hình.

Trước khi qua đời vài tháng, ông chia sẻ dự định thực hiện bộ phim về nhân vật Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Ông cũng có tên trong danh sách gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018.

Sự ra đi đột ngột của ông đã khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả hết sức bàng hoàng. Đạo diễn Lê Đức Tiến - nguyên GĐ Hãng Phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Đạo diễn Bùi Cường mất đột ngột quá… Vậy là “Chí Phèo” đã đi vào cõi vĩnh hằng. Một diễn viên tài năng, một đạo diễn tâm huyết, người chồng, người ông hiền dịu của gia đình, một người bạn tử tế, chân tình… đã nhẹ nhàng ra đi chẳng vương vấn bụi trần.

Anh ra đi để lại sự tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và những người yêu mến điện ảnh vì những đóng góp của anh cho đời, cho ngành điện ảnh không hề nhỏ. Đó là những tác phẩm do anh đạo diễn, những hình tượng nhân vật do anh diễn xuất mà đồng nghiệp và công chúng sẽ còn nhớ mãi. Cầu mong hương hồn anh siêu thoát, an lành về miền Cực Lạc”.

Bức ảnh đầy kỷ niệm dịp 30 năm tựu trường của lớp diễn viên điện ảnh khoá II trường Điện ảnh Việt Nam.
Bức ảnh đầy kỷ niệm dịp 30 năm tựu trường của lớp diễn viên điện ảnh khoá II trường Điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Lê Đức Tiến kể, ăm 2007, ông về nhận trách nhiệm Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam. Buổi gặp mặt anh chị em nhân dịp đầu năm mới, ông có làm bài thơ đọc ở hội trường. Hôm đó NSƯT Bùi Cường từ Sài Gòn ra. Ông đang thực hiện bộ phim truyền hình 50 tập “Luật giang hồ” nghỉ quay ra ăn Tết với gia đình. Ông rất hăng hái, trẻ trung…gợi ý đạo diễn Lê Đức Tiến viết hai câu thơ: “Chào đạo diễn trải mấy mùa nắng gió/ Tóc bạc rồi mà sức vẫn còn xuân…”

Tính đến nay đã 10 năm từ mùa xuân ấy, đạo diễn Lê Đức Tiến vẫn nhớ hình ảnh của NSƯT Bùi Cường ngày nào và nụ cười hiền của ông trong buổi gặp mặt hội viên Hội Điện ảnh đầu năm 2018.

Diễn viên Tùng Dương cũng bày tỏ: “Nghe tin chú ra đi đột ngột mà bàng hoàng quá. Chú cháu mình đã có với nhau biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trên phim trường mà nói như chú vẫn nói là “đánh những trận căng”. Kịch bản “Những đoá Quân Tử Lan” mà cháu làm tác giả không ngờ lại là kịch bản cuối cùng của cháu có chú tham gia với vai trò đạo diễn, trong khi chú cháu mình đã hẹn là sẽ còn hợp tác với nhau thật nhiều phim nữa. Vậy mà... buồn quá chú ơi!

Biết là đời người rồi ai cũng đến lúc phải ra đi nhưng chú ra đi vội vã quá, khi còn biết bao nhiêu dự định của chú cháu mình và của riêng chú nữa vẫn còn dang dở chưa thực hiện được. Bộ phim nhựa “Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc” mà chú ấp ủ suốt bao lâu nay cũng chưa thể hoàn tất.

Mong chú ra đi thanh thản. Cháu tin rằng ở cõi vĩnh hằng, chú sẽ luôn mỉm cười tự hào về những gì mà chú đã cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà. Vĩnh biệt chú, bậc tiền bối mà cháu luôn yêu quý và kính trọng”.

Hà Tùng Long