Lễ hội văn hóa dân gian đường phố “Việt Trì - TP lễ hội về với cội nguồn 2016”...

"Gia đình chúng tôi năm nào cũng vậy, cả mấy thế hệ, cứ đầu xuân là sắp xếp đi trẩy hội Đền Hùng. Nhưng từ mấy năm nay, đi lễ hội mà cứ nơm nớp lo cho người già và trẻ nhỏ, bởi hội hè giờ biến tướng quá, lúc nào cũng chen lấn, ngột ngạt".

Không gian tổ chức lễ hội có giới hạn nhưng lượng du khách đến tham gia quá lớn, dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn, ùn tắc giao thông, tư thương nâng giá dịch vụ làm phiền lòng du khách, chính điều đó làm nên hình ảnh phản cảm, làm biến dạng bức tranh đẹp đẽ của lễ hội... Năm nay quyết định về Giỗ tổ đền Hùng sớm hơn mấy ngày. Cả nhà rất vui mừng và ngạc nhiên khi đi sớm lại hay, không chỉ đường phố thênh thang hơn, lại được dịp tham dự các hoạt động mở đầu cho đại lễ.

Ấn tượng là tối 12/4 (tức 6-3 âm lịch), được tham dự Lễ hội văn hóa dân gian đường phố “Việt Trì, thành phố Lễ hội vê với cội nguồn”. Lễ hội diễn ra trên đường Trần Phú quanh khu vực Công viên Văn Lang với sự tham gia của 2000 diễn viên quần chúng, nghệ nhân văn hóa dân gian đến từ các phường, xã trên địa bàn thành phố. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì, phòng Văn hóa thể thao thành phố Việt Trì, và ê kíp sản xuất của Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Lạc Việt.

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố “Việt Trì - TP lễ hội về với cội nguồn 2016”... - 1

Ngay trên tuyến phố tổ chức lễ hội, cảm nhận đầu tiên là không khí nhẹ nhàng, người xem rất đông nhưng ai nấy đều chọn cho mình một vị trí phù hợp hai bên đường, nhường lòng đường cho lực lượng biểu diễn. Những chiếc xe mô hình và biểu tượng, những đoàn người lớn có bé có, nhưng đa phần là người lớn tuổi.. Nổi bật nhất là trang phục đầy sắc màu của các đoàn rước kiệu, trang phục của các đoàn diễn trò tái hiện các tích tuồng. Họ nô nức, phấn khởi chờ giờ hành lễ.

Đúng 20g, cả quãng đường dài rực sáng, rộn ràng trong tiếng nhạc. Mở màn chương trình là những màn múa lân sư tử và rồng đặc sắc… Tiếp theo là những màn biểu diễn tập thể, xe mô hình với nhiều biểu tượng gắn liền với truyền thuyết Vua Hùng, là những “sản vật”, những tuồng tích có ý nghĩa văn hóa của vùng đất tổ…

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố “Việt Trì - TP lễ hội về với cội nguồn 2016”... - 2

Xe mô hình mang biểu tượng “ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng ngưỡng vọng, sự biết ơn tới các Vua Hùng đã có công dựng nước; huyền sử cha Rồng Lạc Long Quân – mẹ Tiên Âu Cơ và sự tích trăm trứng nở trăm người con; Câu chuyện Bánh Chưng – Bánh Giầy, hình tượng “Trời tròn - đất vuông”, sản vật truyền thống đậm đà hương vị, ẩn chứa các giá trị văn hóa, tâm linh và triết lý nhân sinh sâu sắc. Các phường Hát Xoan (còn gọi là hát cửa đình), đoàn người tái hiện tục rước Giải, lễ hội cướp bông - ném chài, lễ Tịch Điền, đặc trưng của cư dân lúa nước, bơi chải, cá tiến vua Anh Vũ “đệ nhất ngư”, trái hồng hạc trì. Kết thúc là khát vọng về một thành phố Việt Trì năng động, trẻ trung, tràn đầy sức sống.

Đoàn rước kiệu và đoàn “nghệ nhân dân gian”, những người dân đủ mọi lứa tuổi, các cháu thiếu nhi, thanh niên, các cô thầy giáo, công nhân, vũ công cùng tham gia thể hiện chân chất, bình dị. Họ diễn mà như không diễn, chỉ là họ kể lại những câu chuyện giản dị về vùng đất mình.

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố “Việt Trì - TP lễ hội về với cội nguồn 2016”... - 3

Những lời thuyết minh dẫn dắt mọi người trở về với cội nguồn đất nước từ thời vua Hùng lập quốc, không chữ nghĩa bóng bẩy, nhưng vừa đủ hàm súc, làm cho mọi người nhớ lại những huyền sử của cha ông từ ngàn xưa. Có chuyện đã biết, đã khắc sâu như câu chuyện Rồng Tiên, Lạc Long Quân Âu Cơ và truyền thuyết sinh ra cái bọc nở ra 100 trứng, chuyện chàng hoàng tử Lang Liêu đời vua Hùng thứ 6 với chiếc bánh Chưng bánh Giầy và câu chuyện hiếu nghĩa; nhưng có chuyện lần đầu nghe. Như các sản vật đặc sắc của vùng đất Văn Lang xưa, Việt Trì Phú Thọ nay: trái hồng Hạc Trì, Cá Anh Vũ tiến vua, như lễ hội cướp bông ném chài, một trong những phong tục tín ngưỡng phồn thực đặc trưng của cư dân lúa nước, gắn với các vua Hùng và đức Tản Viên; là lễ tịch điền và câu chuyện vua Hùng về cánh đồng lúa dạy dân trồng lúa nước, và lấy ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm làm ngày xuống đồng; rồi tục rước Giải với ước mong cho mùa màng sinh sôi; là câu chuyện về Hát Xoan, tương truyền ba anh em vua Hùng đi tìm đất dựng thành, nghỉ chân ở ven rừng, thấy trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao, vua dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang; hay hội đua thuyền bơi chải hàng ngàn năm xưa đã có và tinh thần thượng võ, đại khí của dân tộc ta....

Lễ hội được tiếp nối với chương trình biểu diễn nghệ thuật với màn múa trống “Âm vang ngày hội” và hai chương mang chủ đề: Âm vang Đất Tổ; Việt Trì - Tiềm năng vẫy gọi.

Cảm xúc của chúng tôi cùng mọi người dân tham gia trong lễ rước hay đứng tràn ngập hai bên đường là tâm thế của người đi dự hội, về với cội nguồn chứ không đi xem diễn, đi xem hát như mọi lần. Người già gợi nhớ hồn thiêng dân tộc, ký ức văn hóa lâu đời, người trẻ được nghe bài học lịch sử từ cha ông ngàn xưa... Được trải nghiệm một không gian văn hóa vừa thân quen, vừa mới mẻ. Cảm nhận đó mang lại cho mọi người đi dự lễ hội những tình cảm mới, cảm thấy thanh thản và thân thuộc, với những điều mong ước tốt lành, tâm niệm đất nước bình yên, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình an khang, thịnh vượng. Cảm xúc của những người dự hội là cảm xúc thành kính, tự hào về nguồn cội. Lễ hội phải chính là nơi cất giữ, lưu giữ và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, điều đó làm cho văn hóa dân tộc trường tồn và đảm bảo sự thống nhất.

Chúng tôi cảm nhận cách tổ chức lễ hội như thế này tuy không hoành tráng theo kiểu các lễ hội đương đại, nhưng lại đáp ứng tâm thức trở về nguồn. Là những người thường xuyên tham gia nhiều lễ hội dân gian, chúng tôi nghĩ trước hết lễ hội phải mở ra được những yếu tố truyền thống, nổi bật giá trị tâm linh, đòi hỏi có bàn tay tổ chức tốt. Vẫn có người lầm tưởng và ngộ nhận lễ hội là nơi tổ chức, trình diễn, còn mình đến chỉ xem và chơi.

Về với cội nguồn, ngoài nén nhang thành kính với tổ tiên, với các vua Hùng có công dựng nước, chúng tôi nghĩ ban tổ chức nên có những chương trình như “Lễ hội văn hóa dân gian đường phố”. Vì qua lần tham gia lễ hội này, chúng tôi cảm nhận và hiểu sâu hơn về văn hóa dân gian vùng đất tổ. Thiết nghĩ, đây là hoạt động không chỉ nên duy trì, mà còn cần làm tốt hơn, có chiều sâu hơn, chu tất hơn. Điều này, thành phố Việt Trì đơn vị tổ chức chỉ đạo, và Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Lạc Việt, đơn vị thực hiện có lẽ cũng đã rút ra những kinh nghiệm bổ ích từ thành quả tươi tắn đầu tiên này.

Công chúng đến lễ hội là đến với một di sản văn hóa truyền thống, ngoài niềm tự hào còn là niềm vui, để thanh thản ra về với niềm tin một cuộc sống tốt lành, bình an, hạnh phúc. Và khi ra khỏi lễ hội, cảm nhận được những gì thật ý nghĩa của những thông điệp người xưa nhắn gửi, để sống lành, sống tốt, sống có ích cho cộng đồng, không xằng bậy hả hê với giấc mơ sẽ được Thánh Thần phù trợ cho giấc mơ danh lợi, thậm chí cả những mưu đồ bất minh.

Đức Hướng