Lễ hội đâm trâu, chém lợn và sự thái quá niềm tin tín ngưỡng

(Dân trí) - Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không còn tổ chức chém lợn giữa sân đình; lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ) không còn nghi thức đập đầu trâu; lễ hội Đông Cuông (Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu… Đó là những thông tin được Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cập nhật.

Chuẩn bị cho phiên đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về các vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.

Bản báo cáo nêu cụ thể về các nhóm vấn đề Quốc hội đã thống nhất lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trong lần đầu tiên vị tư lệnh ngành lên “ghế nóng”.

Về vấn đề quản lý, tổ chức lễ hội, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đánh giá khái quát, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội.

Những lễ hội ghê rợn như đâm trâu, chém lợn... đang được chỉnh dần cho phù hợp với đời sống văn hoá xã hội.
Những lễ hội "ghê rợn" như đâm trâu, chém lợn... đang được chỉnh dần cho phù hợp với đời sống văn hoá xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ ngành, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, chia làm 4 loại hình chính. Lễ hội dân gian với hơn 7.000 lễ hội (chiếm 88,36%”; Lễ hội lịch sử, cách mạng với 332 lễ hội (4,16%); Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch với 40 lễ hội (0,5%); Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam với 11 lễ hội (0,12%). Bên cạnh đó, còn có loại hình lễ hội tín ngưỡng được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Để quản lý một khối lượng đồ sộ các loại hình lễ hội trên cả nước như nêu trên, ngành VHTTDL cho biết, đã ban hành nhiều Thông tư, Chỉ thị về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Hàng năm, Bộ này cũng tổ chức các đoàn công tác để tiến hành kiểm tra, nắm tình hình về công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương.

Đánh giá trong báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về công tác quản lý và tổ chức lễ hội nêu rõ, “đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia”.

Đặc biệt, báo cáo cũng cho biết, một số lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn.

Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu.

90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm Trâu; lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước...

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu ra 10 hạn chế trong công tác quản lý lễ hội như công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế. Không ít lễ hội do nặng về hình thức quy mô phải hoành tráng với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa hiện đại, nặng về trình diễn nghệ thuật, đạo cụ, phô diễn tốn kém nhưng nội dung đơn điệu, ít được đầu tư từ đó giảm tính tích cực, hấp dẫn của lễ hội.

Đặc biệt, lễ hội dân gian lớn được tổ chức quy mô và cầu kỳ hơn trước nhưng cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, văn hóa tâm linh có xu hướng thiếu lành mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo còn nhắc đến việc một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí. Còn xuất hiện hiện tượng bói toán, cờ bạc, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, nạn bán hàng rong, bán sách ngoài luồng, lôi kéo khách hành hương, nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, ăn xin, ăn mày... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.

Có những nơi do “tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội”.

Cùng với sự gia tăng các lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch là sự lúng túng trong công tác chỉ đạo quản lý hướng dẫn của địa phương. Việc tổ chức lễ hội nghiêng về lợi ích kinh tế, do đó ý nghĩa văn hóa tinh thần mờ nhạt.

Cá biệt, một số nơi tổ chức những ngày kỷ niệm của địa phương, ngày truyền thống của ngành... còn có biểu hiện phô trương, lãng phí nặng về hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và vốn truyền thống văn hóa dân gian vốn có ở địa phương - báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng đánh giá, hiện đang xuất hiện xu hướng tự ý nâng cấp, đặt tên lễ hội thành lễ hội cấp quốc gia, lễ hội quốc tế...

Bàn về nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Văn hoá cho rằng, có nguyên nhân từ nhận thức cơ quan quản lý văn hóa các cấp; có nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của xã hội.

Đối với công tác quản lý Nhà nước, ngành Văn hoá cũng thẳng thắn thừa nhận việc chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chậm xây dựng và điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội, việc thực thi các quy định của pháp luật chưa nghiêm.

Cùng với đó, báo cáo cũng nhắc đến “sự thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc... dẫn đến tình trạng lượng du khách quá tải ở hầu hết các lễ hội lớn”.

P.Thảo