Lật lại những bí mật của “Titanic”

(Dân trí) - “Titanic” - bộ phim tình cảm lãng mạn kinh điển, từng giành 11 giải Oscar và trở thành bộ phim có doanh thu lớn thứ hai trong lịch sử điện ảnh. Cho tới hôm nay, những điều bí mật xoay quanh bộ phim vẫn tiếp tục tạo nên sức hút lớn đối với công chúng.

Bệnh tiêu hóa khiến Robert De Niro mất vai

Nam diễn viên Robert De Niro đã được mời đóng vai thuyền trưởng Smith nhưng ông buộc phải từ chối bởi ở thời điểm đó, De Niro đang bị nhiễm khuẩn đường ruột. Nữ diễn viên nhí Lindsay Lohan (khi đó 9 tuổi) cũng suýt có được một vai phụ trong phim, nhưng sau đó lại bị loại ra bởi mái tóc đỏ của cô bé trùng với màu tóc của nữ chính - Rose.

Đạo diễn James Cameron rất… nóng tính

Phần lớn thành công của “Titanic” được cho là nhờ vào tài năng dàn dựng của đạo diễn James Cameron. Chia sẻ về cách làm việc của vị đạo diễn trên phim trường, nữ diễn viên Kate Winslet cho biết ông “nóng tính đến mức khó tin”, và đôi khi Kate “thực sự sợ” ông.

James Cameron về sau đã giành được 3 giải Oscar với phim “Titanic”, gồm giải cho Phim - Đạo diễn - Biên tập phim xuất sắc nhất. Một chi tiết cho thấy sự cầu toàn của Cameron đối với “Titanic”, đó là với các vai phụ nhỏ không có tên, không có lời thoại trong phim, Cameron vẫn chủ động đặt tên cho vai diễn.

Thậm chí, ông còn dành cho các vai diễn này những câu chuyện “làm nền” có thật, dựa trên những câu chuyện về các hành khách trên tàu Titanic năm xưa, để đảm bảo dù là các vai phụ nhỏ, thoáng lướt qua màn ảnh, nhưng diễn xuất của diễn viên phụ vẫn phải thật chân thực.

Đạo diễn James Cameron về sau đã giành được 3 giải Oscar với phim “Titanic”.
Đạo diễn James Cameron về sau đã giành được 3 giải Oscar với phim “Titanic”.

Trong cảnh phim khi Jack ngồi vẽ Rose, bàn tay xuất hiện trong khuôn hình chính là bàn tay của đạo diễn Cameron, bởi ông biết vẽ còn Leonardo DiCaprio thì không. Thực tế, bản thân Cameron đã thực hiện một bức phác họa hoàn thiện về nhân vật Rose. Khi làm mẫu cho Cameron vẽ, nữ diễn viên Kate Winslet đã mặc một bộ đồ bơi.

Vị đạo diễn người Canada (hiện tại 63 tuổi) vốn là một thợ lặn giỏi, ông từng chia sẻ rằng động lực lớn nhất để ông thực hiện phim “Titanic” chính là ông muốn được lặn xuống xem xác tàu Titanic thật như thế nào (xác tàu được tìm thấy hồi năm 1985).

Năm 2001 và 2005, Cameron đã cùng với các cộng sự của mình thực hiện nhiều cuộc lặn biển để ghi lại những thước phim về xác tàu Titanic, nằm sâu hơn 3km dưới đáy Đại Tây Dương. Cuộc thám hiểm hồi năm 2001 đã đưa lại một bộ phim tài liệu có tên “Ghosts Of The Abyss”.

“Titanic” là một trong những bộ phim đình đám cuối cùng được quay một cách truyền thống thay vì dựa vào xử lý kỹ xảo hình ảnh trên máy tính.
“Titanic” là một trong những bộ phim đình đám cuối cùng được quay một cách truyền thống thay vì dựa vào xử lý kỹ xảo hình ảnh trên máy tính.

Các cảnh phim trong “Titanic” đều là thật

“Titanic” là một trong những bộ phim đình đám cuối cùng được quay một cách truyền thống thay vì dựa vào xử lý kỹ xảo hình ảnh trên máy tính. Đó là lý do tại sao phim có kinh phí thực hiện lên tới 200 triệu USD. Sau khi tính toán cả yếu tố lạm phát, số tiền đầu tư làm phim còn cao hơn khoảng 25% số tiền chi ra để đóng tàu Titanic hồi năm 1909.

Ở thời điểm quay phim, một mảnh đất rộng ở Mexico đã được mua để phục vụ việc chứa đựng mô hình tàu Titanic khổng lồ đặt trong một hồ nước có kích thước bằng… hai sân bóng đá. Mô hình Titanic khi đó có kích thước bằng một tòa nhà cao 10 tầng.

Nước được dẫn thẳng vào trong hồ là nước từ… Đại Tây Dương. Các máy móc được lắp đặt để mặt nước trong hồ gợn sóng giống như mặt nước biển.

Nhìn lại quá trình quay “Titanic” năm xưa, đạo diễn hình ảnh của phim - Russell Carpenter - cho hay: “Rất nhiều điều chúng tôi làm ngày ấy giờ đây có thể được thực hiện dễ dàng bằng máy tính. Nhưng với “Titanic”, khi bạn nhìn thấy con thuyền khổng lồ trên màn bạc, đó là một con thuyền khổng lồ thực sự; hay khi bạn nhìn thấy 500 diễn viên quần chúng chạy trên boong tàu, đó là 500 diễn viên thực”.

Cảnh các hành khách vật lộn trong nước biển lạnh giá được quay trong một bể nước sâu hơn 90cm, đạo diễn Cameron đã yêu cầu nước được làm ấm để diễn viên không phải chịu cảnh lạnh cóng trong lúc quay phim.
Cảnh các hành khách vật lộn trong nước biển lạnh giá được quay trong một bể nước sâu hơn 90cm, đạo diễn Cameron đã yêu cầu nước được làm ấm để diễn viên không phải chịu cảnh lạnh cóng trong lúc quay phim.

Diễn viên chính vẫn… rét run

Cảnh các hành khách vật lộn trong nước biển lạnh giá được quay trong một bể nước sâu hơn 90cm, đạo diễn Cameron đã yêu cầu nước được làm ấm để diễn viên không phải chịu cảnh lạnh cóng trong lúc quay phim. Hình ảnh diễn viên “thở ra khói” vì lạnh là sau này được thêm vào bằng kỹ xảo hình ảnh.

Dù vậy, nữ diễn viên Kate Winslet đã từ chối mặc bộ trang phục chống thấm nước bên dưới trang phục diễn xuất, để nhân vật của cô trông chân thực và thuyết phục hơn. Vì vậy, Kate Winslet vẫn bị lạnh và rét run. Trên phim trường, khi quay cảnh này, có tới 20 nhân viên cứu hộ thường trực quanh bể nước để đảm bảo dàn diễn viên được an toàn.

Trên phim trường, khi quay cảnh này, có tới 20 nhân viên cứu hộ thường trực để đảm bảo dàn diễn viên được an toàn.
Trên phim trường, khi quay cảnh này, có tới 20 nhân viên cứu hộ thường trực để đảm bảo dàn diễn viên được an toàn.

11 giải Oscar và doanh thu 2,187 tỷ USD

Với những nỗ lực kỳ công trong quá trình thực hiện “Titanic”, bộ phim đã bị ra rạp chậm 5 tháng do với dự kiến ban đầu, kinh phí cũng bị đội lên nhiều. Dù vậy, khi ra rạp, “Titanic” không cho các nhà phê bình có “mảy may” cơ hội để chê bai, chỉ trích, phim ngay lập tức gây tiếng vang lớn.

Bộ phim được ra mắt lần thứ 2 hồi năm 2012 ở thời điểm tròn 100 năm xảy ra vụ chìm tàu Titanic. Chính lần ra mắt thứ 2 này đã giúp tổng doanh thu của phim được tăng lên đáng kể.

Tính đến thời điểm hiện tại, “Titanic” đã thu về 2,187 tỷ USD từ phòng vé thế giới, trở thành phim có doanh thu lớn thứ 2 trong lịch sử điện ảnh, chỉ đứng sau bộ phim khoa học viễn tưởng “Avatar” (2009), cũng do đạo diễn Cameron dàn dựng.

Tại giải Oscar năm 1998, “Titanic” từng được đề cử 14 giải Oscar và giành về 11 giải - thành tích chưa từng có phim nào vượt được qua và mới có hai phim lập được thành tích tương tự, đó là “Ben-Hur” (1959) và “The Lord Of The Rings: The Return of the King” (2003).

Tính đến thời điểm hiện tại, “Titanic” đã thu về 2,187 tỷ USD từ phòng vé thế giới, trở thành phim có doanh thu lớn thứ 2 trong lịch sử điện ảnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, “Titanic” đã thu về 2,187 tỷ USD từ phòng vé thế giới, trở thành phim có doanh thu lớn thứ 2 trong lịch sử điện ảnh.

Còn tiếp…

Trailer phim "Titanic" (1997)

Bích Ngọc
Tổng hợp